Thực hiện hiệu quả công tác bình đẳng giới

.

Xác định công tác bình đẳng giới là nhiệm vụ quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, những năm gần đây, thành phố tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho phụ nữ trong công tác, lao động, phát triển kinh tế, góp phần xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc.

Theo thông tin từ Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, trong năm 2020, thành phố có 68% các sở và cơ quan tương đương thuộc UBND thành phố, UBND các quận, huyện có lãnh đạo chủ chốt là nữ (tăng 22% so với năm 2016). Tỷ lệ này phản ánh chuyển biến tích cực trong sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo, quản lý trong bộ máy Nhà nước. Tỷ lệ nữ giới giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý từ cấp phòng trở lên chiếm 36,9% trong tổng số cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý. Số lượng nữ giữ chức vụ lãnh đạo sở, ngành trở lên chiếm 18,7% tổng số lãnh đạo chủ chốt. Số lượng nữ đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ 2016-2021 chiếm 50% (3 đại biểu nữ/6 đại biểu Quốc hội), vượt chỉ tiêu đề ra (35%).

Thời gian qua, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội cũng đã tiếp tục tham mưu UBND thành phố triển khai thực hiện chương trình “Có việc làm giai đoạn 2016-2020”, đề án Phát triển thông tin thị trường lao động thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2016-2020...

Năm 2019, bằng nhiều giải pháp tích cực, thành phố đã tạo việc làm tăng thêm cho hơn 14.200 lao động nữ/25.800 tổng số lao động (đạt tỷ lệ 55%). Công tác đào tạo nghề, chính sách hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi ngành nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn và lao động đặc thù, lao động nữ tiếp tục được thành phố quan tâm đầu tư và mang lại hiệu quả...

Có thể thấy, trên địa bàn thành phố, việc lồng ghép các nội dung kế hoạch hành động vì sự tiến bộ của phụ nữ và thực hiện Luật Bình đẳng giới vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội được các ngành, các địa phương, hội đoàn thể chú trọng. Một số chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra như cán bộ lãnh đạo nữ, giải quyết việc làm, đào tạo nghề cho lao động đặc thù, chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ...

Qua đó, vừa chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho phụ nữ, vừa tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng về bình đẳng giới một cách có hiệu quả, khoảng cách giới trong đời sống xã hội từng bước được giảm dần. Nhiều địa phương đã xây dựng được các mô hình, câu lạc bộ, tổ hòa giải... về phòng, chống bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới… Đó là những yếu tố tích cực thúc đẩy công tác bình đẳng giới, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới ngày càng hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay định kiến về giới trong một bộ phận người dân vẫn tồn tại, do đó việc tuyên truyền, phổ biến các chính sách về bình đẳng giới còn gặp một số khó khăn. Vẫn còn hàng trăm vụ bạo lực gia đình xảy ra mỗi năm mà nguyên nhân chủ yếu là do tư tưởng “trọng nam khinh nữ” ảnh hưởng trong sinh hoạt của một số hộ gia đình, kinh tế gia đình khó khăn, do ghen tuông, thiếu hiểu biết về pháp luật…

Vẫn còn đó sự chênh lệch giữa nam và nữ cùng một vị trí công việc và phụ nữ chịu thiệt thòi nhiều hơn khi chị em còn phải thực hiện thiên chức của người phụ nữ. Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về bình đẳng giới vẫn chưa đi sâu vào cộng đồng xã hội, nhất là nam giới. Do tinh giảm bộ máy ở cấp xã, phường, người làm công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ phải kiêm nhiệm nhiều việc nên việc tham mưu, triển khai thực hiện còn hạn chế, chưa kịp thời...

Trong thời gian tới, nhằm tăng cường việc thực hiện pháp luật về bình đẳng giới, thành phố cần đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức về bình đẳng giới tới mọi tầng lớp nhân dân và chính trong mỗi người phụ nữ. Đồng thời, huy động sự tham gia, vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành, cơ quan, tổ chức, và mọi người dân, đặc biệt là nam giới cùng thực hiện các mục tiêu về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ, nhất là chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em.

Ngoài ra, thành phố cần nghiên cứu, phát triển các mô hình tư vấn, hỗ trợ thúc đẩy bình đẳng giới, tập trung vào việc tăng cơ hội có việc làm, đặc biệt là lao động nữ; phát triển các dịch vụ bảo vệ và nâng cao hơn nữa vai trò của các tổ chức hội, đoàn thể, nhất là Hội Phụ nữ các cấp khi phụ nữ bị bạo hành, bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo hành, xâm hại; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, liên ngành về thực hiện công tác bình đẳng giới, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi xâm hại, bạo lực vi phạm quyền của phụ nữ và trẻ em.

PHƯƠNG MINH

;
;
.
.
.
.
.