Bảo đảm an toàn các công trình xây dựng, chống cây xanh ngã đổ, chống ngập úng

.

ĐNO - Sáng 4-11, Sở Xây dựng có văn bản đề nghị Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng, UBND các quận, huyện; chủ đầu tư, đơn vị quản lý dự án, chủ quản lý sử dụng các công trình xây dựng và các đơn vị liên quan khẩn trương triển khai ngay các biện pháp ứng phó bão số 10.

Trong khi đó, dự báo đến 19 giờ ngày 4-11, vị trí tâm bão ở khoảng 14,2 độ vĩ bắc, 112,3 độ kinh đông, cách đất liền từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa khoảng 330km về phía đông với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9, giật cấp 11.

Công nhân của Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải Đà Nẵng duy tu các cửa xả ven biển để sẵn sàng chống ngập úng. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Công nhân của Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải Đà Nẵng duy tu các cửa xả ven biển để sẵn sàng chống ngập úng. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Sở Xây dựng đề nghị các đơn vị khẩn trương kiểm tra, rà soát tất cả các công trình xây dựng thuộc thẩm quyền đầu tư, quản lý của đơn vị mình, lưu ý các hạng mục, bộ phận công trình có nguy cơ bị phá hỏng, ngã đổ, cuốn trôi do ảnh hưởng của gió mạnh, mưa, lũ và gây lũ, lũ quét, sạt lở đất, không an toàn đối với bản thân công trình và các công trình lân cận.

UBND các quận, huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân chung tay phòng, chống ngập úng; cắt tỉa, chống dựng cây xanh trước nhà và tham gia dọn dẹp hiện trường khi có sự cố nhằm hạn chế tối đa ảnh hưởng đến an toàn giao thông, cảnh quan môi trường.

UBND các quận, huyện và Công ty Công viên - Cây xanh Đà Nẵng khẩn trương rà soát, phát hiện, nhận diện sớm các cây nguy hiểm, có nguy cơ mất an toàn có ảnh hưởng đến lưới điện, gây mất an toàn giao thông... để tập trung nguồn lực xử lý trước; chỉ đạo xử lý kịp thời đối với cây xanh bị thiệt hại, ưu tiên các khu vực trung tâm thành phố và các tuyến đường chính...

Các quận, huyện đang ikhẩn trương cắt tỉa cây xanh để chống ngã đổ do gió mạnh. Trong ảnh: Các đơn vị chức năng đang cắt tỉa cây xanh trên đường Ngô Trí Hòa (quận Sơn Trà) vào sáng 4-11. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Các quận, huyện đang khẩn trương cắt tỉa cây xanh để chống ngã đổ do gió mạnh. Trong ảnh: Các đơn vị chức năng đang cắt tỉa cây xanh trên đường Ngô Trí Hòa (quận Sơn Trà) vào sáng 4-11. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng, Công ty CP Chiếu sáng công cộng Đà Nẵng, chủ quản lý sử dụng hệ thống điện chiếu sáng, trang trí tiến hành kiểm tra, gia cố các móng, trụ, cần đèn nghiêng, có nguy cơ gây mất an toàn, bảo đảm an toàn kết cấu, an toàn điện. Các đơn vị liên quan phân công trực và phối hợp xử lý các tình huống khẩn cấp, bảo đảm an toàn hệ thống điện và tài sản trong thời gian diễn ra bão số 10.

Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng khẩn trương kiểm tra hệ thống điện tại các nhà máy nước, trạm bơm cấp nước; khẩn trương khắc phục trong trường hợp mất an toàn. Thường xuyên tuần tra các khu vực có nguy cơ sạt lở đất ảnh hưởng đến đường ống cấp nước, đặc biệt tại các vị trí ống truyền tải và khắc phục ngay sau khi xuất hiện sự cố.

Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải Đà Nẵng, UBND các quận, huyện và các chủ đầu tư, đơn vị quản lý dự án (theo phân cấp quản lý) có phương án gia cố các điểm xung yếu dễ sạt lở của kênh mương, cống rãnh, ao, hồ chứa; kiểm tra nạo vét hệ thống hố ga thu nước, cống rãnh, các trục tiêu nước chính tại các điểm thường xuyên ngập úng cục bộ; có biển cảnh báo, che chắn an toàn tại những nơi nguy hiểm như: hố ga, kênh mương hở, ao hồ, cống rãnh; kiểm tra, rà soát thiết bị điện tại các trạm bơm chống ngập, bảo đảm tuyệt đối an toàn về điện trong quá trình vận hành trạm bơm.

Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải Đà Nẵng tăng cường công tác ứng trực, chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện, thiết bị để kịp thời xử lý tại những vị trí xung yếu về thoát nước, có nguy cơ xảy ra ngập úng tại khu vực đô thị (như khu vực các tuyến đường Hải Hồ, Lý Tự Trọng, Núi Thành, Nguyễn Văn Linh, Hàm Nghi, Lê Duẩn, Hoàng Hoa Thám, Ông Ích Khiêm, hạ lưu Khe Cạn, đường Hà Huy Tập, cống Mê Linh, đoạn cống từ sân bay ra đường Trưng Nữ Vương,...). Khẩn trương kiểm tra nguồn điện tại các trạm bơm, bảo đảm hoạt động ổn định và có phương án thuê máy phát điện dự phòng để ứng phó sự cố mất điện. Bố trí nhân lực và chuẩn bị sẵn sàng các máy bơm công suất lớn để kịp thời xử lý ngập úng tại các khu vực dân cư có địa hình thấp trũng. Khẩn trương hạ mực nước trong các hồ điều hòa đến mức thấp nhất có thể để tăng khả năng điều tiết nước khi mưa lớn.

Các chủ đầu tư, chủ quản lý sử dụng công trình xây dựng có biện pháp gia cố khu vực đang thi công tầng hầm để tránh sạt lở đất, bảo đảm an toàn cho bản thân công trình và công trình lân cận. Tăng cường biện pháp neo giữ, gia cố giàn giáo thi công, lưới bao che, hàng rào tôn, cần trục tháp, máy vận thăng, cần phân phối bê-tông, thiết bị thi công trên cao bảo đảm an toàn. Kiểm tra, gia cố bồn nước mái, dàn nóng máy điều hòa lắp đặt trên mái và tường ngoài công trình, hệ thống máy nước nóng năng lượng mặt trời trên mái để bảo đảm an toàn.

Đối với các dự án hạ tầng kỹ thuật đang thi công, khẩn trương thi công hoàn thành các hạng mục, phần việc có nguy cơ mất an toàn; có phương án xử lý chống ngập úng, khơi thông dòng chảy, kiểm tra gia cố các điểm xung yếu dễ sạt lở của kênh mương, cống rãnh, ao, hồ chứa; có biện pháp cảnh báo an toàn nơi nguy hiểm.

Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các Khu Công nghiệp phối hợp đôn đốc các chủ đầu tư, chủ quản lý sử dụng công trình công nghiệp trong phạm vi khu công nghệ cao, các khu công nghiệp và chế xuất trên địa bàn thành phố kiểm tra, rà soát mức độ an toàn chịu lực, ổn định hiện trạng của công trình; tiến hành các biện pháp gia cố, giằng chống bảođảm an toàn (đặc biệt hệ thống mái tôn, vách tôn, trần, cửa kính, thiết bị); tháo dỡ các thiết bị, bộ phận không bảo đảm an toàn.

Họa đồ vị trí và hướng di chuyển của bão số 10 (Nguồn: Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia)
Họa đồ vị trí và hướng di chuyển của bão số 10 (Nguồn: Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia)

* Theo Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, lúc 7 giờ sáng 4-11, vị trí tâm bão số 10 ở khoảng 14,5 độ vĩ bắc, 113,5 độ kinh đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 300km về phía nam đông nam với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10; bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 140km tính từ tâm bão.

Dự báo, bão số 10 di chuyển theo hướng tây tây nam với tốc độ khoảng 10km/giờ. Đến 19 giờ ngày 4-11, vị trí tâm bão ở khoảng 14,2 độ vĩ bắc, 112,3 độ kinh đông, cách đất liền từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa khoảng 330km về phía đông với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9, giật cấp 11.

Đến 7 giờ ngày 5-11, vị trí tâm bão ở khoảng 14,0 độ vĩ bắc, 111 độ kinh đông, cách đất liền từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa khoảng 190km về phía đông với sức gió mạnh nhất cấp 8, giật cấp 10.

Bão tiếp tục di chuyển chủ yếu theo hướng tây tây nam với tốc độ từ 10-15km/giờ, suy yếu thành áp thấp nhiệt đới và đi vào đất liền các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa và đi sâu vào đất liền, suy yếu thành một vùng áp thấp. Đến 7 giờ ngày 6-11, vị trí tâm vùng áp thấp ở khoảng 13,5 độ vĩ bắc, 108,2 độ kinh đông trên khu vực Tây Nguyên với sức gió mạnh nhất giảm xuống dưới cấp 6.

Do ảnh hưởng của bão, vùng biển từ Quảng Nam đến Ninh Thuận (bao gồm cả huyện đảo Lý Sơn), từ đêm nay (4-11), gió tăng lên cấp 7, vùng gần tâm bão cấp 8, giật cấp 10; sóng biển cao từ 3-5m, biển động mạnh.

Cũng từ đêm nay (4-11) đến ngày 6-11, ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến từ 250-350mm; ở Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Kon Tum, Gia Lai, Phú Yên có mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến từ 100-200mm. Từ ngày 5 đến 7-11, ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị có mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 100-200mm.

HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.