Can trường giữ biển

.

10 năm qua, ngư dân Lê Văn Chiến (56 tuổi, phường Xuân Hà, quận Thanh Khê) nhiều lần vinh dự được chọn là “Nông dân sản xuất giỏi toàn quốc”. Có được vinh dự lớn lao ấy, ông Chiến không những làm kinh tế giỏi mà còn can trường, mưu trí trong đấu tranh để bảo vệ chủ quyền vùng biển nước nhà.

Những ngày không ra biển vì ảnh hưởng của mưa bão, ngư dân Lê Văn Chiến ngồi sửa ngư lưới cụ để sẵn sàng cho những chuyến biển khi trời yên biển lặng, tiếp tục bảo vệ ngư trường của Việt Nam. Ảnh: PHƯƠNG THANH
Những ngày không ra biển vì ảnh hưởng của mưa bão, ngư dân Lê Văn Chiến ngồi sửa ngư lưới cụ để sẵn sàng cho những chuyến biển khi trời yên biển lặng, tiếp tục bảo vệ ngư trường của Việt Nam. Ảnh: PHƯƠNG THANH

Từ làm thuê đến làm chủ con tàu lớn

Gia đình khó khăn nên Lê Văn Chiến quyết định theo nghiệp biển từ rất sớm. Tròn 20 tuổi, Lê Văn Chiến đã làm thuyền trưởng cho tàu của ông Lê Văn Hòa (quận Thanh Khê). Chiếc tàu có công suất 65CV thời đó được xếp vào loại lớn của thành phố Đà Nẵng. Từ thuyền viên lên thuyền trưởng như một sự “đổi đời”, anh Chiến cùng các thuyền viên của mình rong ruổi ở nhiều ngư trường từ Hoàng Sa đến Vịnh Bắc Bộ. Con cá, con mực cũng từ đó làm thay đổi hoàn cảnh sống của gia đình anh cũng như các thuyền viên khác. Tuy nhiên, không cam chịu làm thuê mãi, năm 1997, anh vay mượn bà con hàng xóm được 70 cây vàng để góp vốn cùng ông Hòa nâng cấp tàu lên 90CV. Được làm chủ một nửa tài sản của mình, anh càng quyết tâm hơn. “Từ một người đi làm thuê, giờ đây mình có tài sản riêng nên vui lắm. Do vậy, tôi cho tàu ra khơi liên tục, quyết tâm kiếm tiền trả nợ, thay đổi cuộc sống của gia đình. Trời thương nên chỉ một thời gian ngắn, tôi đã trả xong nợ”, ngư dân Lê Văn Chiến cho biết.

Đến năm 2006, khi cơn bão Chanchu đi qua, ông Lê Văn Hòa đã bán một nửa “cổ phần” tàu cho ngư dân Lê Văn Chiến. Từ đó, anh sở hữu trọn vẹn con tàu của mình. Nhưng rồi biển giã ngày càng khắc nghiệt do thời tiết, đặc biệt sau khi hứng chịu những cơn bão lớn, năm 2009, ngư dân Chiến bán tàu, vay thêm 500 triệu đồng từ ngân hàng để hùn vốn với bà Ngô Thị Mười (quận Thanh Khê) đóng mới tàu có công suất 500CV, trị giá hơn 2 tỷ đồng. “Người ta nói “có chí làm quan, có gan làm giàu” nên tôi mới liều như vậy. Nói là liều nhưng kinh nghiệm biển cả nhiều năm, tôi tin mình sẽ làm được, sẽ làm có hiệu quả và mục đích lớn lao hơn nữa là có thời gian để bảo vệ chủ quyền biển, đảo của nước mình”, Lê Văn Chiến chia sẻ.

Sản xuất giỏi, mưu trí bảo vệ chủ quyền

Bao năm làm biển, Lê Văn Chiến như nắm lòng bàn tay từng luồng cá đi, từng dòng chảy của biển, mùa nào đánh cá nước nổi, mùa nào đánh cá nước sâu. Do đó, những thuyền viên đi lao động với anh đều rất yên tâm. Từ năm 2010 đến 2015, biển giã khó khăn, một phần vì giá xăng dầu tăng, một phần vì phải đối mặt với tàu lạ nhưng với người can trường, có kinh nghiệm như ông Chiến thì những khó khăn ấy chẳng sá gì, mỗi năm trừ phí tổn, ông cũng lời từ hàng trăm triệu đồng đến bạc tỷ; thuyền viên cũng lận lưng hàng trăm triệu đồng/năm. Chính nhờ những nỗ lực không ngừng, năm 2012, Lê Văn Chiến được tuyên dương là “Nông dân sản xuất giỏi tiêu biểu toàn quốc” giai đoạn 2007-2012. Năm 2014, ông tiếp tục được Hội Nông dân Việt Nam tuyên dương “Nông dân sản xuất giỏi toàn quốc”. Năm 2016, ông là một trong 20 công dân tiêu biểu của thành phố Đà Nẵng.

Không dừng lại ở đó, với khát khao làm giàu từ biển, bám biển dài ngày hơn, hiện ngư dân Lê Văn Chiến đã nộp hồ sơ xin vay vốn theo Nghị định 67/2013/NĐ-CP của Chính phủ để đóng mới con tàu vỏ gỗ có công suất 800CV. “Để khai thác an toàn hơn trước sự khắc nghiệt của thời tiết, cũng như sự uy hiếp của tàu nước ngoài, mình phải có tàu lớn để vươn khơi. Hoàng Sa, Trường Sa là biển vàng, biển bạc, mình phải giữ cho con cháu đời sau của mình”, ông Lê Văn Chiến tâm sự.

Không chỉ sản xuất giỏi, ông Lê Văn Chiến còn dũng cảm đối mặt với tàu lạ để bám biển, giữ chủ quyền. Trong suốt hàng chục năm bám biển, thuyền trưởng Lê Văn Chiến cùng các thuyền viên cũng như những người trong tổ khai thác của mình đã cung cấp hàng trăm nguồn tin về việc tàu nước ngoài xâm phạm vùng biển nước ta cho cơ quan chức năng để xử lý.

Tuy nhiên, nhắc đến thành tích bảo vệ chủ quyền của ông phải kể đến thời điểm Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trên vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa nước ta vào tháng 5-2014. Thời điểm ấy, ông đã xung phong cùng 9 thuyền viên của mình ra khu vực Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép để khai thác hải sản. Gần một tháng kiên cường bám biển giữ ngư trường, ngư dân Lê Văn Chiến nói riêng, ngư dân thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi nói chung đã phối hợp cùng lực lượng chấp pháp đẩy đuổi được giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng biển nước ta, trả lại ngư trường bình yên. Với thành tích nói trên, ông Chiến cùng những ngư dân tham gia đã được các cấp từ Trung ương đến địa phương tuyên dương, khen thưởng. Từ năm 2015-2020, ngư dân Lê Văn Chiến thường xuyên hiện diện tại ngư trường Hoàng Sa. Ông như một “cột mốc sống” cùng ngư dân để vừa khai thác, vừa bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

PHƯƠNG THANH

;
;
.
.
.
.
.