ĐẨY MẠNH CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH TRONG ĐẢNG

Bài cuối: Nhiệm vụ thường xuyên, liên tục

.

Xác định cải cách hành chính trong Đảng là nhiệm vụ quan trọng, thời gian tới, các cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung xây dựng quy chế, quy trình công tác đầy đủ, công khai, minh bạch, phân công rõ người, rõ việc, rõ thời hạn hoàn thành. Đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý văn bản đến và đi, quản lý dữ liệu đảng viên, quản lý cán bộ… tiếp tục được các cơ quan, đơn vị, địa phương chú trọng thực hiện.

Việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy giúp các cơ quan hành chính hoạt động hiệu quả, nâng cao chất lượng phục vụ công dân. Trong ảnh: Công dân giao dịch tại Trung tâm Hành chính thành phố (ảnh chụp ngày 29-9).  Ảnh: LAM PHƯƠNG
Việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy giúp các cơ quan hành chính hoạt động hiệu quả, nâng cao chất lượng phục vụ công dân. TRONG ẢNH: Công dân giao dịch tại Trung tâm Hành chính thành phố (ảnh chụp ngày 29-9). Ảnh: LAM PHƯƠNG

Tháo gỡ “nút thắt” về cơ chế

Theo đánh giá của Ban Tổ chức Thành ủy, việc sắp xếp, đổi mới tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo Nghị quyết số 18-NQ/TW là chủ trương đúng đắn, kịp thời của Bộ Chính trị trong tình hình hiện nay. Tuy nhiên, việc tổ chức thực hiện từ các bộ, ngành Trung ương vẫn chưa có sự thống nhất, đồng bộ, kịp thời; việc thể chế hóa các quy định về tổ chức bộ máy, biên chế còn chậm trễ. Các bộ, ngành thiếu sự quan tâm chỉ đạo cụ thể đối với cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực ở địa phương về định hướng sắp xếp, mô hình phát triển ngành.

Để kịp thời tháo gỡ “nút thắt” này, Ban Tổ chức Thành ủy đề nghị Ban Tổ chức Trung ương tham mưu Bộ Chính trị có ý kiến chỉ đạo Ban Cán sự Đảng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương có giải pháp để địa phương thực hiện, bảo đảm cơ sở pháp lý quy định, tránh tình trạng khi thực hiện thí điểm căn cứ vào chủ trương, nghị quyết của Trung ương, nhưng khi thanh tra, kiểm tra lại căn cứ vào các nghị định của Chính phủ và thông tư hướng dẫn của các bộ, ngành. Mặt khác, cần đánh giá hiệu quả sử dụng nhân lực tại các địa phương; cân đối phương án giao biên chế phù hợp, đặc biệt là biên chế công chức; tránh tình trạng cùng cơ quan chuyên môn nhưng có tỉnh, thành số lượng người làm việc nhiều, có tỉnh, thành số lượng người làm việc ít nhưng cùng tinh giản tỷ lệ biên chế như nhau.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Võ Công Chánh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Thành ủy cho rằng, nguyên nhân là do hiện nay nhiều văn bản quy phạm pháp luật chưa được Chính phủ ban hành để quy định, sửa đổi, bổ sung, thay thế các văn bản liên quan đến công tác quản lý trên các lĩnh vực tổ chức bộ máy, biên chế, tinh giản biên chế, tổ chức chính quyền địa phương nên địa phương chưa có cơ sở để tổ chức thực hiện. Mặt khác, chỉ tiêu biên chế giao hiện nay đối với địa phương chưa gắn liền với chức năng, nhiệm vụ được giao bổ sung và quy mô quản lý, tốc độ phát triển kinh tế - xã hội. Điều này gây ra nhiều khó khăn, hạn chế trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị được giao, tạo áp lực đối với các mục tiêu kinh tế - xã hội, nhất là với các địa phương tự cân đối ngân sách.

Bên cạnh đó, việc cắt giảm theo tỷ lệ 1,5% hằng năm hoặc thu hồi 50% chỉ tiêu nghỉ tinh giản biên chế, nghỉ hưu trước tuổi là phương pháp cào bằng, dễ làm nhưng bất hợp lý do số lượng biên chế giao, quá trình giao biên chế, cơ sở giao biên chế suốt thời gian qua không giống nhau ở từng cơ quan, đơn vị, địa phương. “Hiện nay, việc tinh giản biên chế quy định tối thiểu 10% giữa các địa phương còn mang tính chất cào bằng, chưa dựa vào quy mô dân số, tốc độ đô thị hóa và tình hình phát triển kinh tế là chưa hợp lý, thiếu tính khoa học, nên trong quá trình triển khai không ít cơ quan, đơn vị, địa phương đã gặp những “rào cản” khó gỡ”, ông Chánh nói.

Tại Báo cáo số 513-BC/TU ngày 21-8-2020 của Thành ủy Đà Nẵng về tình hình thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) có nêu rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị sự nghiệp vẫn còn gặp một số khó khăn, lúng túng về thể chế, thẩm quyền. Chẳng hạn như, số lượng trường, lớp ngày càng tăng kéo theo nhu cầu bổ sung biên chế giáo viên khiến yêu cầu giảm số lượng người làm việc theo tỷ lệ 10% của Nghị quyết số 19-NQ/TW gặp nhiều khó khăn. Năng lực tự chủ của các đơn vị sự nghiệp vẫn còn hạn chế. Việc thực hiện xã hội hóa lĩnh vực dịch vụ sự nghiệp công còn chậm; cơ chế hợp tác công - tư gặp khó khăn trong triển khai thực hiện…

Trên cơ sở đó, Ban Thường vụ Thành ủy đã đề xuất với Ban Kinh tế Trung ương kiến nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ chỉ đạo các ban, bộ, ngành sớm ban hành các văn bản để quy định, sửa đổi, thay thế các văn bản liên quan đến công tác quản lý trên các lĩnh vực tổ chức bộ máy, số lượng người làm việc, viên chức, quản lý đơn vị sự nghiệp công lập thuộc các ngành, đặc biệt là các văn bản liên quan đến việc thực hiện cơ chế tự chủ để địa phương có cơ sở tổ chức thực hiện.

Đẩy mạnh cải cách hành chính trong Đảng

Theo Chánh Văn phòng Thành ủy Trần Thắng Lợi, sau khi thực hiện Đề án “Văn phòng Thành ủy phục vụ chung các cơ quan tham mưu, giúp việc Thành ủy”, Văn phòng Thành ủy đã cụ thể hóa thành các nhóm nội dung cần đổi mới cách thực hiện. Theo đó, Văn phòng đã tham mưu ban hành chương trình công tác năm của Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ Thành ủy và Thường trực Thành ủy chính xác đến từng tuần, từng tháng, rõ nội dung từng cuộc họp gắn với thực hiện quy chế làm việc. Đây là cơ sở giúp tập thể, cá nhân liên quan chủ động, tiết kiệm thời gian, nâng cao chất lượng công việc.

Cũng theo ông Lợi, trong khi biên chế tinh giản, công việc tăng cả về khối lượng và độ phức tạp, yêu cầu tiến độ ngày càng nhanh nhưng Văn phòng vẫn phấn đấu hoàn thành, bảo đảm chất lượng công việc. Đây chính là tín hiệu tích cực của công tác cải cách hành chính (CCHC) trong Đảng. Tuy nhiên, hạn chế của công tác CCHC trong Đảng hiện nay là vẫn chưa có giải pháp kết nối mạng giữa khối Đảng với khối chính quyền. Việc triển khai chữ ký số chưa thực hiện hiệu quả, còn hình thức. Đa số cơ quan, đơn vị thiếu cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin (CNTT) nên việc xử lý CNTT gặp nhiều khó khăn, trở ngại.

Theo ông Võ Công Chánh, xác định công tác CCHC trong Đảng là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian đến, Ban Chỉ đạo CCHC trong Đảng của thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh CCHC trong các cơ quan Đảng, trọng tâm là triển khai thực hiện tốt các quy định Bộ thủ tục hành chính của các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc của Thành ủy; sửa đổi, bổ sung các quy định, quy chế không còn phù hợp; đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tập trung các lĩnh vực tổ chức cán bộ, đảng viên, công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng, các nghiệp vụ văn phòng cấp ủy.

Bên cạnh đó, cần nâng cao chất lượng công tác xây dựng và ban hành văn bản của các cấp ủy Đảng sát thực tiễn, mang tính khả thi cao, dễ thực hiện; đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào công tác lãnh đạo, chỉ đạo công tác Đảng, kết nối đồng bộ hệ thống thông tin, dữ liệu giữa các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể nhằm rút ngắn thời gian, nâng cao hiệu quả công tác; gắn công tác CCHC trong Đảng với thực hiện chức năng, nhiệm vụ của từng cấp ủy, tổ chức Đảng, đơn vị và trách nhiệm cá nhân, đặc biệt là người đứng đầu. “Thời gian tới, cần đưa nội dung CCHC thành tiêu chí đánh giá chất lượng tổ chức Đảng và cán bộ, đảng viên hằng năm; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện CCHC trong Đảng, nhân rộng mô hình, điển hình tập thể, cá nhân tiên tiến…”, ông Chánh cho hay.

Liên quan đến công tác CCHC trong Đảng, tại buổi làm việc về tình hình triển khai Đề án “Cải cách hành chính trong các cơ quan Đảng thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2020-2025” vào ngày 5-3-2020, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy (khóa XXI) Nguyễn Văn Quảng (nay là Bí thư Thành ủy) yêu cầu các cơ quan Đảng phải tiếp tục tuyên truyền, quán triệt Đề án CCHC trong Đảng để nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên; đặc biệt là thủ trưởng, người đứng đầu các cơ quan Đảng phải gương mẫu, quyết liệt thực hiện nhiệm vụ CCHC trong Đảng. “Những cơ quan, đơn vị, địa phương nào chưa ban hành kế hoạch thực hiện Đề án CCHC trong Đảng phải hoàn thành ban hành kế hoạch; trong đó phân công rõ đầu mối chịu trách nhiệm thực hiện kế hoạch của cơ quan”, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Quảng nhấn mạnh.

Với những định hướng, mục tiêu cụ thể như trên, công tác CCHC trong Đảng bộ thành phố chắc chắn sẽ tạo những đột phá trong thời gian tới.

Theo báo cáo của Văn phòng Thành ủy, qua 9 tháng triển khai thực hiện Đề án cải cách hành chính trong Đảng giai đoạn 2020-2025, đến nay có 15/24 địa phương, đơn vị tổ chức triển khai quán triệt các nội dung của đề án và ban hành kế hoạch thực hiện trong năm 2020. Về rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, các địa phương, đơn vị xây dựng hoàn thiện các quy trình nghiệp vụ, quy định, chuẩn hóa bộ thủ tục hành chính trên các lĩnh vực tại đơn vị mình theo hướng đơn giản hóa thủ tục. Các quận ủy, huyện ủy đã ban hành 27 thủ tục hành chính trên lĩnh vực xây dựng Đảng.

Về ứng dụng CNTT, các đơn vị đã triển khai phần mềm tra cứu cơ sở dữ liệu Văn kiện Đảng, phần mềm quản lý, tra cứu các văn bản, phối hợp VNPT Đà Nẵng chuẩn bị tốt trang thiết bị phục vụ các hội nghị trực tuyến của Trung ương, thành phố. Ngoài ra, Văn phòng Thành ủy triển khai phần mềm theo dõi tiến độ công việc đến các cơ quan tham mưu, giúp việc Thành ủy, Đảng đoàn HĐND thành phố và Ban Cán sự Đảng UBND thành phố, nhằm kịp thời cập nhập việc triển khai các kết luận, chỉ đạo của Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy..

 T.HÙNG - T. HUY - L. PHƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.