Thị trường lao động tự điều chỉnh để vượt khó

.

Thị trường lao động hậu Covid-19 trên địa bàn thành phố đang có nghịch lý thừa - thiếu, trong khi đó, thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động phát sinh những khoản chưa từng có tiền lệ. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia thì đó là hiện tượng nhất thời, khi dịch bệnh được đẩy lùi, trật tự cũ sẽ được lập lại.

Người lao động tìm kiếm cơ hội việc làm tại Ngày hội việc làm năm 2020, do Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố phối hợp Thành đoàn Đà Nẵng tổ chức.  Ảnh: T.S
Người lao động tìm kiếm cơ hội việc làm tại Ngày hội việc làm năm 2020, do Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố phối hợp Thành đoàn Đà Nẵng tổ chức. Ảnh: T.S

Nghịch lý thiếu lao động

Khi Covid-19 bùng phát, hàng loạt doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh phải tạm đóng cửa khiến cho hàng chục ngàn lao động mất việc hoặc tạm nghỉ việc. Theo thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) thành phố, đến cuối tháng 9-2020, toàn thành phố có hơn 190.000 lao động bị ảnh hưởng bởi Covid-19, trong đó có hơn 20.000 lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động và hơn 70.000 lao động bị ngừng việc, nghỉ việc không lương. Ngoài ra còn có gần 100.000 lao động thuộc dạng “hợp đồng miệng” bị mất việc, tạm dừng việc.

Chính vì vậy, việc Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố tổ chức cùng lúc hai phiên giao dịch việc làm tại số 278 Âu Cơ (quận Liên Chiểu) và số 657 Trường Chinh (quận Cẩm Lệ), thu hút gần 90 doanh nghiệp tuyển dụng hơn 4.000 vị trí việc làm vào ngày 25-9 được xem là cơ hội rất tốt cho người lao động tìm kiếm việc làm sau mùa dịch. Mặc dù vậy, trên thực tế cả hai phiên giao dịch việc làm đều chung tình trạng không có nhiều lao động đến tìm cơ hội việc làm. Kết thúc phiên giao dịch việc làm, các nhà tuyển dụng chỉ nhận được từ 30-40% lượng hồ sơ đăng ký xin việc so với nhu cầu.

Theo một đại diện của Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố, nguyên nhân của nghịch lý này là do hai sàn giao dịch phần lớn tuyển dụng những vị trí việc làm lao động đơn giản, thủ công, hoặc chỉ qua đào tạo ngắn ngày - chủ yếu là lao động ngoại tỉnh, còn người lao động của thành phố ít quan tâm đến những vị trí việc làm này. Thế nhưng, cho đến nay, số lượng lao động ngoại tỉnh quay lại thành phố tìm việc còn khá ít nên chưa đủ nguồn để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các nhà doanh nghiệp.

Trong khi đó, bà Trần Thị Mỹ Hằng, Trưởng phòng Nhân sự Công ty CP sản xuất và thương mại Hưng Trần cho rằng, người lao động các địa phương chưa quay lại thành phố làm việc do tâm lý chờ thời gian để dịch bệnh lùi xa, hơn nữa, từ cuối tháng 9 đến nay miền Trung đang là mùa mưa bão, sang tháng 11, tình hình này sẽ dần cải thiện...

“Mềm hóa” điều khoản hợp đồng

Có thể nói, Covid-19 đã tác động đến hầu hết mọi lĩnh vực của đời sống, vì vậy, trong quan hệ lao động cũng buộc phải thay đổi theo hướng mềm dẻo hơn. Hiện nay, nhiều chủ doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh đang rơi vào hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt chịu áp lực lớn từ phía ngân hàng. Điển hình như Doanh nghiệp tư nhân Trường Sinh (quận Liên Chiểu, chuyên nhận san ủi các công trình xây dựng) với hàng chục xe các loại phải dừng hoạt động suốt năm nay, trong khi lãi ngân hàng vẫn phải trả, vì vậy, việc doanh nghiệp giảm tiền lương của người lao động từ 70% xuống còn 30% là điều không có gì khó hiểu.

Có thâm niên làm việc tại bộ phận lễ tân của khách sạn H.Q trên địa bàn quận Thanh Khê gần 5 năm nay, chị L.T.B tâm sự: “Trước đây, ngoài mức lương được hưởng 7 triệu đồng/tháng, chị còn có thêm các chế độ như mua bảo hiểm, 12 ngày nghỉ phép và tiền thưởng... Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay khách sạn dừng hoạt động, người lao động từ chỗ hưởng 50% lương giảm xuống còn 30% lương, thậm chí không lương. Đầu tháng 10, khách sạn mở cửa trở lại làm việc nhưng khách quá ít nên chúng tôi đã thỏa thuận mỗi ngày làm việc được trả 120.000 đồng tiền công và 30.000 đồng cho hai bữa cơm.

Với hầu hết người lao động trong khách sạn, mức lương đó là thỏa đáng bởi chủ khách sạn cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn”. Còn anh Trương Tấn Anh, tài xế cho nhà xe Bảo Lâm chạy tuyến Đà Nẵng - Hà Nội, cho biết, anh có hợp đồng lao động với nhà xe Bảo Lâm từ tháng 4-2018 đến nay với mức lương cơ bản 4 triệu đồng/tháng, ngoài ra, mỗi chuyến xe anh được trả thêm 900.000 đồng cùng việc được mua BHYT. Tuy nhiên, khi Covid-19 bùng phát, nhà xe và người lao động đã thống nhất chỉ nhận lương cơ bản, tiền công cho từng chuyến tạm thời dừng đến khi nào lượng khách đông trở lại. Theo anh Tấn Anh, đây là cách làm phù hợp với bối cảnh khó khăn như hiện nay.

Xung quanh vấn đề này, một cán bộ Công đoàn Công ty CP khai thác đá tự nhiên và vận chuyển hàng hóa B.T.T chia sẻ: “Trong hoàn cảnh này, hầu hết các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đều phải tạm thời gác lại các chế độ của người lao động. Người lao động cũng bằng lòng chấp nhận bởi họ hiểu và chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. Đợi đến hoạt động sản xuất kinh doanh phục hồi hoàn toàn, lúc đó công đoàn sẽ đề nghị chủ doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc các quyền lợi chính đáng của người lao động”...

THANH VÂN

;
;
.
.
.
.
.