Điều họ hết mực trân quý không phải là những bằng khen, giấy khen mà là những lời khen tặng chân tình, những đổi thay tích cực của người dân địa phương. Đó là sự động viên lớn lao để họ tiếp tục góp công sức cho một cộng đồng bình an, hạnh phúc hơn…
Chị Nguyễn Thị Thương (bìa trái) trong một lần thăm, tặng quà cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Vang. (Ảnh nhân vật cung cấp) |
1. “Em đi xin nhẵn mặt rồi chị. Các doanh nghiệp và các nhà hảo tâm nghe em gọi điện thoại đến là biết “Thương phụ nữ” chuẩn bị... “xin”. Đó là lời bộc bạch đầy hóm hỉnh của chị Nguyễn Thị Thương, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang khi nói về công tác vận động hỗ trợ kết nối yêu thương trong cộng đồng.
Không chỉ riêng chị Thương mà hầu hết cán bộ đoàn thể ở cơ sở trong quá trình tổ chức các hoạt động, phong trào đều nghiễm nhiên trở thành những người vận động chuyên nghiệp. Điều đặc biệt là họ không hề xin cho cá nhân mình mà xin để tặng lại những người có hoàn cảnh khó khăn trong cộng đồng cần quan tâm chia sẻ hay vì những công trình dân sinh ở địa phương.
11 năm gắn bó với phong trào phụ nữ xã Hòa Phong, chị Thương không nhớ mình đã bao nhiêu lần gõ cửa các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong và ngoài xã để vận động hỗ trợ các hoạt động tương thân tương ái của Hội. Nói như ông bà mình là đi “mòn đường chết cỏ” mới có được kết quả như mong muốn. Để có thể huy động tốt nguồn lực xã hội thì người đi xin (đại diện cho tổ chức, đoàn thể) phải có những hoạt động cụ thể đáng tin cậy và mang đậm tính nhân văn như: Hỗ trợ xây nhà “Mái ấm tình thương”, trao quà khuyến học cho “Học sinh nghèo vượt khó”, “Hỗ trợ phụ nữ đơn thân làm kinh tế”, “Quà Tết cho các cụ già neo đơn, bệnh tật”…
Hòa Vang vốn là huyện thuần nông, bà con nông dân chưa hẳn đã có cuộc sống khấm khá nhưng lại giàu lòng tương thân tương ái. Mỗi người “của ít lòng nhiều” gom góp lại thành món tiền lớn có ích. Chị Thương cho biết, riêng Hội Liên hiệp Phụ nữ Hòa Phong mỗi năm vận động cho những chương trình ý nghĩa của Hội lên đến con số hàng tỷ đồng. Không chỉ vận động trong bà con làng xã, chị Thương còn vận động, kêu gọi các tổ chức trong và ngoài nước xây dựng 7 “Mái ấm Tình thương” cho 7 hội viên phụ nữ nghèo và khó khăn với tổng số tiền gần 400 triệu đồng.
Ở xã Hòa Phong, nhiều người vui vẻ đặt cho chị Thương biệt danh “Người đi xin số 1”. Khi hỏi chị Thương về biệt danh này, chị bảo rất vui vì bà con thương yêu mới tặng cho cái tên “có một không hai” như vậy. “Thiệt ra, mình chỉ góp công thôi. Để làm được việc này phải có tâm, có tầm. Bởi bà con hiểu hết, biết hết. Họ biết mình làm vì cái chi, cho ai. Xin về rồi có công khai và trao đến tận tay người cần giúp hay không, rồi có ăn chặn, ăn bớt chi không”.
Trục đường chính của thôn Phước Hưng Nam ngày một xanh-sạch-đẹp hơn nhờ công sức của trưởng thôn Năm Tùng. (Ảnh nhân vật cung cấp) |
2. Trong ba năm làm bê-tông hóa đường làng kiệt xóm và đường nội đồng (2015-2017) ở thôn Phú Hưng Nam, xã Hòa Nhơn, là ba năm trưởng thôn Đỗ Thị Tùng-được người dân gọi bằng tên thân mật là chị Năm Tùng-thực hiện hành trình “đi xin” không mệt mỏi. Từ việc vận động tiền của, công cán đến hiến vườn, hiến ruộng… Thành quả của quá trình vận động dài hơi ấy là từ những con đường đất kiệt hẻm nhỏ 2 mét và đường ruộng 1 mét dễ sạt lở trong mùa mưa bão, đến nay, với tinh thần Nhà nước và nhân dân cùng làm, Phước Hưng Nam đã bê-tông hóa và mở rộng (3 mét) được 1.680 mét đường kiệt xóm, 430 mét giao thông nội đồng. Những con đường bê-tông kiệt xóm và nội đồng không chỉ đem lại sự thuận lợi đi lại cho nhân dân mà còn góp phần thay đổi diện mạo Phước Hưng Nam trên đường xây dựng nông thôn mới.
Khi được hỏi về “bí quyết” thành công trong việc vận động nhân dân hiến đất, hiến ruộng để làm đường, trưởng thôn Năm Tùng nhỏ nhẹ nói: “Trước hết là vận động cán bộ, đảng viên xung phong gỡ bỏ tường rào, cổng ngõ, hiến đất mở rộng đường để làm gương. Sau đó vận động thì dân mới làm theo…”.
Mà không phải lúc nào công tác vận động dân cũng suôn sẻ. Có nhiều hộ cán bộ thôn phải đến nhà dăm ba lần mới thông suốt. Gặp người nóng tính cự cãi hay nói lớn tiếng, cán bộ phải biết “lùi” đúng lúc. Hôm sau chờ gia đình bớt bức xúc, cán bộ lại rỉ rả, nhỏ to thiệt hơn. Kết quả có hộ hiến gần 80 mét vuông đất ở để làm đường.
Ông Phạm Văn Thiện, trưởng ban Công tác Mặt trận thôn kể: “Người dân Phước Hưng Nam 100% tín nhiệm chị Năm Tùng. Vì rứa chị vận động cái chi là dân sẵn sàng ủng hộ vô điều kiện. Tất cả việc chị làm đều vì làng xã chớ có phải vì ai mô …”. Chính vì vậy, khi thôn kêu gọi nhân dân đóng góp tiền mua sắm trang thiết bị cho nhà văn hóa thôn, ngay tắp lự đã thu về 57 triệu đồng, xây dựng sân khấu thôn là 32 triệu đồng tiền mặt…
Trong công tác vận động quần chúng, cán bộ cơ sở cần có nhiều “chiêu” mới có thể làm tốt vai trò, nhiệm vụ. Chị Tùng vui miệng kể cho chúng tôi nghe chuyện vận động một số hộ nông dân ở thôn láng giềng Ninh An hiến đất làm đường nội đồng. Chẳng là con đường nội đồng thôn Phước Hưng Nam ở cánh đồng Cây Xoài đi qua 5 đám ruộng của bà con Ninh An. Khi đến các hộ gia đình này, thay vì ngồi vào bàn để bàn chuyện thì chị đã chọn ngồi ở bậu cửa, cùng ngồi nhặt rau với chủ nhà, rủ rỉ chỉ ra những lợi ích của việc làm đường nội đồng. Chính kiểu cách thân tình, nhún nhường như con cháu trong làng đã khiến cả 5 hộ thôn Ninh An này đồng thuận hiến gần 50 mét vuông đất ruộng để làm đường trong “vài nốt nhạc”.
3. Dường như ở ông Hà Mận (thôn Nhơn Thọ 2, xã Hòa Phước) có sự hội tụ và thăng hoa giữa phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” và phẩm chất của một đảng viên. Đó là tính chiến đấu cao vì cộng đồng. Ông luôn tâm niệm rằng, làm việc gì cũng vì dân và đã làm là phải làm đến cùng... Từ khi rời quân ngũ về làng nhậm chức Bí thư Chi bộ thôn Nhơn Thọ 2, xã Hòa Phước, ông nhận thấy việc tổ chức đám tang ở địa phương có nhiều bất cập. Người dân nơi đây có tập tục khiêng đám tang đến an táng tại nghĩa trang riêng của làng tại rừng Quy Đông cách đó hơn hai cây số. Mỗi đám tang cần ít nhất 30 người khiêng, mà phải là trai tráng mạnh khỏe. Trong khi đó thanh niên trong thôn hầu hết đi làm ở xa, ở nhà chỉ còn ngườì già, trẻ em và phụ nữ...
Vì vậy, mỗi lần trong làng có người qua đời, đi tìm người khiêng đám tang khó khăn. Trước tình hình như thế, ban tang lễ thôn xin ý kiến chi bộ và chính quyền thôn. Với cương vị bí thư chi bộ, ông Hà Mận đã chỉ đạo triển khai họp lấy ý kiến thống nhất ở khối quân dân chính quyết định đóng một xe đưa tang để phục vụ việc tang ma cho nhân dân nhằm góp phần thực hiện nếp sống văn minh trong tang lễ.
Nói là làm, sau hai tháng triển khai, cán bộ, đảng viên xung phong đóng trước, người dân đồng thuận làm theo. Số tiền đóng góp lên đến gần 120 triệu đồng. Sau đó, ông Mận cùng ban Hội chủ xóm tìm mua chiếc xe bán tải cũ, nhờ thợ lành nghề người Huế làm xe tang cho bề thế, trang nghiêm. Đưa chúng tôi về Nhà văn hóa thôn, nơi để chiếc xe tang, ông hào hứng khoe rằng: “Xe đưa tang là của dân, nên tài xế cũng của dân luôn (tài xế là người trong thôn tự nguyện). Mà có hẳn 2 bác tài luân phiên phụ trách khởi động xe mỗi tuần một lần. Lúc có đám, nếu ai rảnh thì cầm lái...”.
Thế nhưng, không phải lúc nào chuyện “đi xin” của ông Mận cũng suôn sẻ. Có người mặt nặng mày nhẹ khi thấy ông đến nhà “xin một chút gì” để ủng hộ các phong trào tương thân tương ái. Nhưng rồi khi thấy ông vẫn kiên nhẫn nhẹ nhàng giải thích một cách thuyết phục thì bà con lại nghe theo. “Mình trải hết gan hết ruột, mà có người vẫn chưa thông thì… hôm sau mình lại đến! Nước chảy đá mòn, nên cuối cùng bà con vui vẻ đóng góp, tương trợ cho nhau”, ông Hà Mận chia sẻ “bí quyết” thuyết phục mọi người cùng tham gia các cuộc vận động giúp nhau trong cộng đồng. Chính vì thế, bà con thôn Nhơn Thọ 2 yêu mến gọi ông là người “đi xin” tốt bụng!
Chị Thương, chị Tùng, ông Mận đã nhận được nhiều bằng khen, giấy khen vì những đóng góp tích cực cho cộng đồng, tuy nhiên, điều mà họ hết mực trân quý là lời khen tặng chân tình, những đổi thay tích cực của người dân địa phương. Đó là sự động viên để họ tiếp tục đóng góp công sức cho một cộng đồng bình an, hạnh phúc, thấm đượm tình làng, nghĩa xóm…
NHƯ HẠNH