ĐNO - Ngày 7-11, tại hội nghị khoa học cơ học thủy khí toàn quốc lần thứ 23 do Đại học Đà Nẵng, Hội Cơ học thủy khí Việt Nam, Viện Khoa học thủy lợi miền Nam phối hợp tổ chức theo hình thức trực tuyến, các nhà khoa học đã đề xuất, kiến nghị vận hành các hồ thủy điện cắt, giảm lũ tốt hơn cho hạ du khu vực miền Trung.
TS. Lê Hùng, Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng trình bày kết quả nghiên cứu về vận hành thủy điện tại miền Trung trong thời gian qua và đề xuất các biện pháp vận hành cắt, giảm lũ tốt hơn. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Nghiên cứu về các đợt lũ xảy ra ở hạ lưu sông Vu Gia - Thu Bồn trong tháng 10-2020, đặc biệt là mô phỏng 2 đợt lũ lớn xảy ra từ ngày 10 đến 12-10 và từ ngày 27 đến 28-10, PGS.TS. Lê Song Giang, Trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, so với đợt lũ năm 1999, lượng mưa trong 2 đợt lũ lớn nói trên nhỏ hơn, thời gian lũ ngắn hơn, mức độ ngập lũ cũng không bằng đợt lũ năm 1999.
Tuy nhiên, các tính toán cho thấy, trong trường hợp 4 hồ thủy điện Sông Tranh 2, Đăk Mi 4, Sông Bung 4 và A Vương không tham gia điều tiết lũ sẽ làm gia tăng đáng kể lũ cho hạ du. Thực tế, lưu lượng đỉnh lũ xảy ra từ ngày 27 đến 28-10 là vượt lũ năm 1999, nhưng mức độ ngập lụt không bằng năm 1999. “Kết quả tính toán cho thấy, việc điều tiết lũ của 4 hồ thủy điện Sông Tranh 2, Đăk Mi 4, Sông Bung 4 và A Vương đã góp phần làm giảm ngập lụt cho hạ du rõ rệt”, PGS.TS. Lê Song Giang nhấn mạnh.
TS Lê Hùng, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) cho rằng, qua nghiên cứu các hồ chứa chỉ có thể vận hành cắt, giảm lũ hiệu quả các trận lũ đầu mùa, hoặc trận lũ tiếp theo là lũ nhỏ.
Thực tế các hồ chứa ở khu vực miền Trung đã cắt lũ hiệu quả trong đợt mưa lũ kéo dài xảy ra trong tháng 10 vừa qua. Tuy nhiên, đối với các lưu vực sông ở Thừa Thiên Huế và Quảng Trị vẫn còn có nhiều thời điểm lưu lượng lũ xả về hạ du còn lớn hơn lưu lưu lượng lũ về hồ chứa cho đến khi mực nước hạ lưu đã báo động 3.
“Có thể thấy có sự khác biệt trong cách quản lý vận hành của từng địa phương nên dẫn đến có địa phương điều tiết cắt lũ hiệu quả như lưu vực Vu Gia - Thu Bồn (tỉnh Quảng Nam) và điều tiết chưa thật sự tốt như lưu vực sông Hương (tỉnh Thừa Thiên Huế), điều tiết không hợp lý như lưu vực hồ chứa Quảng Trị (tỉnh Quảng Trị)”, TS. Lê Hùng nói.
Thực tế vận hành các hồ chứa phát sinh những thay đổi mà quy trình vận hành liên hồ không theo kịp. Chính vì vậy mà các quy trình vận hành liên hồ chứa đã có nhiều lần thay đổi trong 10 năm qua. Do đó, yếu tố còn người vẫn là quan trọng nhất, nên cần nâng cao năng lực đội ngũ cơ quan quản lý vận hành điều tiết hồ chứa (các chủ hồ chứa, đơn vị quản lý, ban chỉ huy phòng chống thiên tai các địa phương...).
Đồng thời, xây dựng các bản đồ ngập lụt chi tiết ở cấp xã, phường đối với lưu vực sông nhỏ, miền núi và đối lưu vực sông lớn có hệ thống hồ chứa lớn để sẵn sàng ứng phó. Đặc biệt, các bản đồ ngập lụt này cần phải có sự tham gia xây dựng ngay từ đầu của cán bộ ban chỉ huy phòng chống thiên tai.
TS. Tô Thúy Nga, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) đề xuất, các hồ chứa cần phát huy việc hạ thấp mực nước hồ trước lũ để đạt hiệu quả vận hành cắt, giảm lũ cao. Các đơn vị chức năng cần lắp đặt thêm nhiều trạm quan trắc thủy văn và cung cấp số liệu trực tuyến để chủ động ứng phó lũ lụt kịp thời...
Tại hội thảo, Công ty CP Sông Ba đề xuất công cụ vận hành điều tiết lũ tự động theo thời gian thực tại hồ thủy điện Krông H’Năng mang lại nhiều hiệu quả, lợi ích. Các nhà khoa học cũng đã trao đổi kết quả nghiên cứu mới về động lực học sông biển, thủy khí công nghiệp, phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu và môi trường, quản lý tài nguyên nước...
PGS.TS. Nguyễn Ngọc Vũ, Giám đốc Đại học Đà Nẵng cho rằng, hội nghị toàn quốc thường niên của Hội Cơ học Thủy khí Việt Nam là hoạt động rất có ý nghĩa và thiết thực. PGS.TS. Nguyễn Ngọc Vũ đánh giá cao các kết quả nghiên cứu được công bố tại hội nghị khoa học và có đóng góp quan trọng định hướng cho các hoạt động khoa học công nghệ nói chung và cơ học thủy khí nói riêng trong thời gian tới, nhất là trước tình hình bão lũ, ngập úng do biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và việc khai thác tài nguyên nước trong thời gian gần đây ngày càng phức tạp...
HOÀNG HIỆP