Quả ngọt từ một mục tiêu nhân văn

.

Sau khi hoàn thành mục tiêu “Không có người mù chữ”, năm 2009, Đà Nẵng chuyển sang mục tiêu “Không có học sinh bỏ học giữa chừng vì lý do kinh tế”, nhờ vậy tỷ lệ học sinh bỏ học giảm mạnh qua từng năm.

Học sinh dân tộc Cơ tu (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang) nhận quà nhân dịp Tết Trung thu và năm học 2020-2021 do Thành Đoàn Đà Nẵng trao tặng. 		                   Ảnh: THANH VÂN
Học sinh dân tộc Cơ tu (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang) nhận quà nhân dịp Tết Trung thu và năm học 2020-2021 do Thành Đoàn Đà Nẵng trao tặng. Ảnh: THANH VÂN

Sinh ra trong một gia đình đổ vỡ, ba mẹ ly hôn, em H.T.M.H (phường Hải Châu 1, quận Hải Châu) luôn sống trong nỗi lo lắng sẽ phải nghỉ học. Thế rồi điều lo sợ của em cũng đến. Khi các bạn bè đồng trang lứa nô nức chuẩn bị bước vào năm học mới 2017-2018, ba em yêu cầu phải nghỉ học để dồn sức cho em trai tiếp tục đến trường. May mắn, cô giáo và cán bộ tổ dân phố nơi em sinh sống đã kịp thời nắm thông tin này. Chỉ trong thời gian ngắn, ba em được UBND phường tặng một chiếc xe máy để chạy xe ôm, H. được hỗ trợ đồng phục, sách vở, dụng cụ để tiếp tục đến trường. Giờ đây, H.T.M.H đã trở thành nữ sinh Trường THPT Phan Châu Trinh. Em đang nỗ lực từng ngày để vào ngưỡng cửa đại học mà em mơ ước.

Em N.T.N.Q, học sinh Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận Liên Chiểu) cũng suýt phải bỏ học giữa chừng vì ba mẹ ly hôn, kinh tế gia đình nhiều khó khăn. Để có thể tiếp tục đến trường, em phải đi rửa chén, phụ việc gia đình. Khó khăn càng chồng chất khi một lần đi làm em bị tai nạn giao thông. Lúc tưởng chừng không thể đến trường được nữa, em được gia đình em Trương Thị Bảo Châu - một bạn học cùng trường - đứng ra cưu mang, nuôi em ăn học. Nhà trường miễn giảm toàn bộ các khoản em cần đóng góp, đồng thời phân công giáo viên kèm cặp, động viên để em vừa củng cố lại kiến thức, vừa yên tâm tiếp tục đến trường.

Những câu chuyện cảm động như vậy diễn ra khá phổ biến trên địa bàn thành phố trong thời gian qua, đã và đang trở thành phong trào rộng lớn được chính quyền địa phương, những nhà hảo tâm hưởng ứng tích cực. Nhờ vậy, đã giúp nhiều học sinh được tiếp tục con đường học vấn. Báo cáo của Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố cho biết, trong 10 năm qua, Đà Nẵng đã thực hiện nhiều chương trình an sinh xã hội lớn như: Chương trình thành phố “5 không”, “3 có” và “4 an”, cùng với rất nhiều phong trào, cuộc vận động mang đậm tinh thần “lá lành đùm lá rách” như: “Tiếp sức đến trường”, “Đồng hành cùng bạn”, “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Quỹ vì người nghèo”, “Tháng cao điểm vì người nghèo”, “Heo vàng giúp đỡ hộ nghèo”... Những chương trình, phong trào này đã huy động được hàng trăm tỷ đồng để giúp các gia đình nghèo vươn lên. Từ nguồn huy động này, thành phố đã xây dựng, sửa chữa 12.582 ngôi nhà; hỗ trợ sinh kế cho gần 12.000 hộ gia đình khó khăn; tiếp sức đến trường hơn 11.000 lượt học sinh, sinh viên con hộ nghèo...

Thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố về việc thực hiện mục tiêu “Không có học sinh bỏ học giữa chừng vì lý do kinh tế” cho thấy kết quả đạt được rất đáng khích lệ. Năm 2009 - thời điểm thành phố thực hiện mục tiêu này - trung bình mỗi năm có hơn 600 em học sinh bỏ học vì lý do kinh tế gia đình khó khăn. Con số này liên tục giảm dần qua các năm, đến năm 2019, thành phố chỉ còn chưa đến 50 học sinh bỏ học.

Để có con số ấn tượng này, ngoài việc huy động nhiều nguồn lực xã hội để giúp hàng chục ngàn hộ nghèo cải thiện kinh tế, ổn định cuộc sống, từ đó giúp các em tiếp tục được đến trường, thời gian qua, các hội, đoàn thể, tổ chức... đã chung tay giúp sức bằng những cách làm rất thiết thực. Đầu mỗi năm học, ngành giáo dục phối hợp với các địa phương thống kê, lập danh sách học sinh trong diện khó khăn, có nguy cơ bỏ học để từ đó có phương án giúp đỡ về kinh tế, tổ chức ôn tập chương trình đã học; tư vấn động viên các trường hợp các em bị sang chấn tâm lý vì hoàn cảnh gia đình... Bên cạnh đó, lực lượng chức năng còn nhân rộng các mô hình khá thành công trong việc giúp các em đến trường như: “Người bạn đồng hành”, “Tổ tư vấn tâm lý”, “Dòng họ học tập”, “Tộc họ khuyến học”... Những mô hình này đã trở thành những “chiếc phao” được đưa ra rất đúng lúc để các em có hoàn cảnh khó khăn được quay trở lại trường học.

Theo ông Lê Văn Minh, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố, bằng các chương trình an sinh xã hội nói chung và việc chuyển mục tiêu từ “Không có người mù chữ” sang “Không có học sinh bỏ học vì lý do kinh tế”, mỗi năm thành phố đã giúp đỡ, ngăn chặn hàng trăm học sinh bỏ học. Việc giúp học sinh được đến trường là hoạt động nhân văn lớn của thành phố; không chỉ các em được tiếp tục con đường học vấn, trau dồi tri thức và kỹ năng để sau này bước vào đời vững chắc hơn mà còn giúp xã hội ổn định, góp phần xây dựng thành phố giàu đẹp, an bình.

THANH VÂN

;
;
.
.
.
.
.