Vai trò của Công đoàn khi đối thoại trong giai đoạn khủng hoảng

.

Tọa đàm “Đối thoại trong giai đoạn khủng hoảng và vai trò của Công đoàn” do Liên đoàn Lao động (LĐLĐ)thành phố vừa tổ chức là diễn đàn để các cấp Công đoàn thành phố, đặc biệt là Công đoàn cơ sở các doanh nghiệp có thể thông tin, báo cáo thực trạng công tác đối thoại về việc làm, tiền lương của người lao động (NLĐ) trong giai đoạn bị ảnh hưởng của Covid-19; đồng thời chia sẻ những cách làm hay trong việc bảo vệ quyền lợi NLĐ.

Quang cảnh buổi tọa đàm “Đối thoại trong giai đoạn khủng hoảng và vai trò của Công đoàn” do Liên đoàn Lao động thành phố vừa tổ chức. Ảnh: NGỌC CHÂN
Quang cảnh buổi tọa đàm “Đối thoại trong giai đoạn khủng hoảng và vai trò của Công đoàn” do Liên đoàn Lao động thành phố vừa tổ chức. Ảnh: NGỌC CHÂN

Theo Chủ tịch LĐLĐ thành phố Nguyễn Duy Minh, trong 9 tháng đầu năm 2020, các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đã đối mặt với 2 đợt dịch Covid-19, trong đó ảnh hưởng nặng nề nhất là đợt diễn ra trong 2 tháng 7 và 8-2020, khi Đà Nẵng là tâm dịch của cả nước. Theo thống kê chưa đầy đủ, toàn thành phố có 2.446 doanh nghiệp (DN), đơn vị bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, các DN trong khối dịch vụ, du lịch với 154.000 lao động bị ảnh hưởng việc làm và thu nhập...

“Bối cảnh trên đã đặt ra cho các cấp Công đoàn nhiệm vụ hết sức khó khăn đó là phải đối thoại với người sử dụng lao động nhằm chăm lo, bảo vệ quyền lợi cho đoàn viên, NLĐ bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh song song với các chế độ, chính sách của Công đoàn hỗ trợ cho NLĐ”, ông Minh nói.

Theo ông Nguyễn Duy Minh, công tác đối thoại tại các DN đã có tác động trực tiếp đến tình hình quan hệ lao động tại các DN trong thời kỳ khó khăn do dịch bệnh. Đặc biệt, công tác đối thoại định kỳ, đột xuất trong 9 tháng đầu năm 2020 cũng được LĐLĐ thành phố tích cực triển khai. Trong 9 tháng đầu năm, đã có 425 lượt DN tổ chức 684 cuộc đối thoại cho hơn 30.000 lao động.

Nội dung đối thoại về tiêu chuẩn của DN, đơn vị khi đề nghị hưởng gói hỗ trợ của Chính phủ; về đề nghị DN và vận động, tuyên truyền NLĐ thực hiện tốt các quy định phòng, chống dịch; về việc làm và tiền lương của NLĐ trong thời gian dịch bệnh; về việc lựa chọn đối tượng NLĐ ở lại làm việc và phải tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ không lương, chấm dứt hợp đồng lao động và các chính sách, quyền lợi của NLĐ...

Ở quy mô toàn quốc, ông Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, thời gian qua, LĐLĐ các tỉnh, thành phố đã chỉ đạo các cấp Công đoàn nắm bắt thông tin và tuyên truyền cho công nhân lao động không cầm cố, thế chấp, mua bán sổ bảo hiểm xã hội (BHXH), hạn chế lĩnh BHXH một lần để có thể nhận lương hưu khi hết tuổi lao động. Công đoàn thương lượng với người sử dụng lao động để sắp xếp, bố trí các phương án lao động phù hợp nhằm bảo vệ việc làm cho NLĐ; tư vấn, hướng dẫn hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp và trả lời thắc mắc của NLĐ nhằm đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho NLĐ, tránh xảy ra tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự.

Công đoàn đã thực hiện tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cho đoàn viên, NLĐ bị ảnh hưởng bởi Covid-19, như các vấn đề về tiền lương ngừng việc; quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng của NSDLĐ; tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động; NLĐ nghỉ việc vì lý do thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc lý do kinh tế... Tham gia giải quyết tranh chấp lao động tập thể, ngừng việc tập thể, đình công tại các DN.

Có thể thấy, đối thoại là giải pháp quan trọng trong giai đoạn khủng hoảng, từ đối thoại sẽ giúp các bên đưa ra nhiều phương án giải quyết khó khăn do Covid-19 gây ra. Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hoàng Hữu Nghị cho rằng, bài học kinh nghiệm rút ra trong hai đợt dịch vừa qua ở Đà Nẵng là muốn đối thoại mang lại kết quả, cán bộ Công đoàn phải sâu sát cơ sở, nắm bắt kịp thời tình hình sản xuất kinh doanh và thực hiện chế độ chính sách đối với NLĐ của các DN để có giải pháp phối hợp giải quyết.

Công đoàn phải thường xuyên gần gũi, liên hệ mật thiết với đoàn viên, NLĐ, phát huy vai trò tập thể trong việc đối thoại, thương lượng. Công đoàn các cấp phải tăng cường giúp đỡ, tư vấn cho cán bộ Công đoàn cơ sở về quy trình, kỹ năng thương lượng, tập trung vào các chế độ, chính sách liên quan đến NLĐ như chế độ tiền lương, bảo hiểm, thời gian làm việc.

NGỌC CHÂN

;
;
.
.
.
.
.