Chung tay chia sẻ nỗi đau da cam

.

Hằng năm, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố giúp đỡ hơn 5.000 nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn và trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc 120 trẻ em nạn nhân chất độc da cam. Kinh phí của hoạt động này chủ yếu từ nguồn xã hội hóa với hàng trăm tổ chức, cá nhân chung tay góp sức chia sẻ nỗi đau da cam.

Cấp dưỡng của Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và Trẻ em bất hạnh thành phố Đà Nẵng chuẩn bị bữa ăn trưa cho trẻ tại trung tâm. Ảnh: LÊ VĂN THƠM
Cấp dưỡng của Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và Trẻ em bất hạnh thành phố Đà Nẵng chuẩn bị bữa ăn trưa cho trẻ tại trung tâm. Ảnh: LÊ VĂN THƠM

Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh thành phố Đà Nẵng (gọi tắt là Trung tâm) trực thuộc Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố có 2 cơ sở (tại quận Thanh Khê và huyện Hòa Vang), hiện đang nuôi dưỡng bán trú 120 trẻ em nạn nhân chất độc da cam. Tùy theo dạng tật, từng em được học văn hóa hoặc học các nghề phù hợp như kết hoa, kết cườm, may, làm nhang, tăng gia sản xuất. Hằng ngày, các em được hướng dẫn luyện tập vật lý trị liệu, phục hồi chức năng cũng như các kỹ năng tự phục vụ và làm những công việc đơn giản. Từ kết quả dạy nghề tại Trung tâm, đã có hàng chục em được các công ty, xí nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh trên địa bàn thành phố tuyển dụng.

Cán bộ, nhân viên ở Trung tâm coi các em như con của mình, nuôi dưỡng, chăm sóc các em bằng tất cả lòng yêu thương và sự tận tụy, chu đáo. Từ đó, tất cả các em đều có sự chuyển biến tích cực về thể trạng và nhận thức. Bà Nguyễn Thị T. (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) - mẹ của em T.T.T.H chia sẻ, trước kia, T.H thường lầm lì, biếng ăn, biếng nói. Tuy nhiên, sau 2 năm được nuôi bán trú tại Trung tâm, giờ đây T.H đã biết trả lời khi nghe hỏi và biết thể hiện tình cảm với cha mẹ. Trong khi đó, sau 3 năm được Trung tâm dạy nghề may, em L.T.N (16 tuổi, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang) có nhiều chuyển biến tốt về mặt nhận thức, tâm lý và đã may được những kiểu quần áo thông thường.

Trong các dịp đón xuân mới, Trung tâm thường nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà hảo tâm và cả những tổ chức phi chính phủ. Những tấm lòng vàng, những nghĩa cử chân thành đã giúp các nạn nhân chất độc da cam vơi bớt khó khăn trong cuộc sống, thêm vững niềm tin rằng xã hội vẫn luôn đồng hành, hỗ trợ. Trong đó, CLB Hoa Từ bi kết nối yêu thương, Gia đình Hàn Việt, Nhóm Phụ nữ thiện nguyện Hòa Thọ Tây đã nhiều lần tặng quà cho trẻ em nơi đây. Hay như chùa Phổ Quang (quận Sơn Trà), chùa Tân Thành (quận Thanh Khê), Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Sillver Shores, Nhóm từ thiện Chung một ước mơ... tích cực trợ giúp Trung tâm về gạo, tiền, quà bánh và các loại vật dụng thiết yếu.

Hằng năm, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố nỗ lực vận động xây dựng Quỹ Chăm sóc nạn nhân chất độc da cam với nhiều hình thức như tổ chức phong trào Tết Vì nạn nhân chất độc da cam, Ngày Vì nạn nhân chất độc da cam 10-8, Tết Thiếu nhi 1-6, Trung thu cho trẻ em da cam..., qua đó, vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân cùng chung tay giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam. Toàn bộ nguồn vận động được quản lý, sử dụng theo đúng các nguyên tắc tài chính, bảo đảm phương châm: Công khai, minh bạch, dân chủ, đúng đối tượng.

Thời gian qua, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố đã tiếp nhận hơn 100 tỷ đồng ủng hộ việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam từ các tổ chức, cá nhân người nước ngoài. Đồng thời, nhiều đơn vị, cá nhân trong nước cũng đã đến với nạn nhân chất độc da cam ở Đà Nẵng hằng năm với hàng ngàn suất quà chan chứa tình yêu thương và sự cưu mang đùm bọc. Từ các nguồn kinh phí vận động, Hội đã giúp đỡ hơn 5.000 nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn thành phố và trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc 120 trẻ em nạn nhân chất độc da cam. Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố kiêm Giám đốc Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và Trẻ em bất hạnh thành phố Tô Năm cho biết, bình quân mỗi năm, toàn Hội vận động gần 9 tỷ đồng phục vụ việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam.

Đồng thời, Hội vận động các cơ quan, đơn vị trợ dưỡng thường xuyên cho nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn thành phố. Có những năm thuận lợi, Hội vận động được 18 đơn vị nhận trợ dưỡng hằng tháng cho 285 em. Tuy nhiên, gần đây do sản xuất - kinh doanh gặp nhiều khó khăn, nhất là từ khi Covid-19 bùng phát, không ít đơn vị đã dừng việc trợ dưỡng. “Chúng tôi luôn nỗ lực vận động, kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ nhằm giúp tất cả nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn thành phố có cuộc sống ổn định và tích cực tìm kiếm các nhà tài trợ mới để thay thế những đơn vị ngưng trợ dưỡng”, ông Tô Năm nhấn mạnh.

LÊ VĂN THƠM

;
;
.
.
.
.
.