Thực hiện mục tiêu có việc làm, 15 năm qua, huyện Hòa Vang đã đào tạo nghề cho 12.800 người, hỗ trợ gần 35.000 người có việc làm ổn định. Kết quả này xuất phát từ sự phối hợp hiệu quả của các hội, ngành, đoàn thể ở địa phương trong việc đào tạo, giúp người dân có việc làm, cũng như chuyển đổi ngành nghề.
Chị Nguyễn Thị Cẩn, Tổ trưởng tổ đan lưới xuất khẩu (đứng) đang giao hàng cho hội viên đem về nhà đan. Ảnh: T.V |
Là huyện nông nghiệp, đa số người dân sống bằng nghề nông, vì vậy khi quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, diện tích đất sản xuất nông nghiệp thu hẹp đáng kể đã tạo áp lực không nhỏ đối với vấn đề việc làm của người nông dân. Để giải bài toán này, hằng năm huyện Hòa Vang đều có nghị quyết của Huyện ủy và HĐND huyện về chỉ tiêu dạy nghề, giải quyết việc làm, chuyển đổi ngành nghề và giao cho UBND huyện xây dựng kế hoạch thực hiện. Trên cơ sở này, UBND huyện đã phân bổ chỉ tiêu cụ thể về từng địa phương, sau đó UBND các xã sẽ giao chỉ tiêu về từng hội, đoàn thể để triển khai thực hiện. Nhờ việc giao chỉ tiêu cụ thể và đặc biệt đề cao tinh thần phối hợp để cùng nhau thực hiện nên suốt những năm qua, huyện Hòa Vang đều hoàn thành và vượt chỉ tiêu được giao về công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho người dân.
Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Tiến Nguyễn Thị Vân cho biết, nhờ sự phối hợp nhuần nhuyễn, hiệu quả của Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên..., những năm qua, xã đều hoàn thành chỉ tiêu đào tạo nghề và giới thiệu việc làm. Khoảng 10 năm trở lại đây, xã tăng cường phối hợp các trung tâm dạy nghề ở thành phố, nhờ đó, trung bình mỗi năm địa phương đào tạo nghề cho khoảng 100 người và giới thiệu việc làm cho hơn 200 người. Thông qua các “bà mối” là các hội, đoàn thể, người nông dân xã Hòa Tiến hiện nay đã chuyển đổi từ việc trồng lúa năng suất thấp sang trồng lúa giống, mang lại hiệu quả kinh tế. Nhiều hộ nông dân chuyển việc trồng rau sang trồng cây cảnh và hoa có giá trị kinh tế cao hơn. Đặc biệt, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã đã thành lập Tổ đan lưới xuất khẩu, giúp 15 hội viên có thu nhập ổn định từ 8 đến 10 triệu đồng/tháng. Nhiều năm qua xã duy trì số hộ nghèo luôn ở mức dưới 2%/tổng số hộ dân trên địa bàn.
Ông Phạm Văn Muộn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Phước đánh giá, Hòa Phước là địa phương có tốc độ đô thị hóa khá mạnh mẽ, với hơn hơn 50% đất sản xuất nông nghiệp phải “nhường” cho xây dựng hạ tầng giao thông và các hoạt động công nghiệp, dịch vụ. Tuy vậy, nhờ sự hỗ trợ tích cực từ Phòng Nông nghiệp huyện, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố..., trên địa bàn xã đã hình thành vùng rau chuyên canh ở thôn Giáng Nam 1 và vùng chuyên trồng hoa ở thôn Nhơn Thọ 1, giải quyết việc làm thường xuyên cho gần 100 nông dân. Đặc biệt, ở thôn Phước Kiểm đã thành lập Chi hội nghề nghiệp nuôi chim cuốc, tạo việc làm và thu nhập khá cao cho 40 hộ tại đây. Không những thế, nhờ tận dụng nguồn phân chim cuốc để bón cho cây lúa, Phước Kiểm cũng là thôn dẫn đầu xã trong việc chuyển đổi trồng lúa bón phân hóa học sang bón phân hữu cơ nên năng suất mỗi hecta lúa cao hơn 3-4 tạ so với cách bón phân hóa học trước đây.
Đặc biệt, tại hai thôn Tà Lang và Giàn Bí (xã Hòa Bắc)- nơi sinh sống của bà con người dân tộc Cơ tu, địa phương đã tranh thủ sự giúp đỡ của Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện và hợp tác với ngành du lịch thành phố phát triển du lịch cộng đồng. Hiện nay, tại hai thôn đã hình thành Tổ du lịch cộng đồng, thu hút 45 hộ gia đình tham gia, giúp hơn 100 người dân có việc làm. Trong năm 2019 đã đón hơn 500 khách đến tham quan giao lưu, tìm hiểu nền văn hóa Cơ tu. Theo ông Đinh Văn Như, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Giàn Bí, đây cũng là cách giúp người Cơ tu giảm lệ thuộc vào kinh tế rừng vốn rất bấp bênh, mở ra hướng làm ăn mới ổn định hơn.
Bên cạnh công tác đào tạo, giới thiệu việc làm trên địa bàn, từ năm 2016, huyện Hòa Vang đã ký văn bản thỏa thuận hữu nghị và hợp tác với quận Yeongyang (tỉnh Kyeongsanbuk, Hàn Quốc) về việc tiếp nhận nông dân của huyện sang học nghề, tiếp thu công nghệ mới về nông nghiệp. Đến nay, huyện đã tổ chức 6 đợt với 489 lượt nông dân sang Hàn Quốc học nghề nông. Việc đưa nông dân xuất ngoại bắt đầu có hiệu quả khi người nông dân Hòa Vang đã và đang triển khai trồng một số loại rau sạch, năng suất cao, thân thiện môi trường, được thị trường ưa chuộng.
Từ sự chung tay của các cấp chính quyền, các hội, đoàn thể với các cấp, các ngành có liên quan trong việc đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, cũng như giúp người dân chuyển đổi ngành nghề đã giúp Hòa Vang trở thành một trong những địa phương thực hiện tốt mục tiêu có việc làm. Mong rằng, trong thời gian đến huyện sẽ tiếp tục phát huy những thành quả đạt được, để không chỉ giúp cho người dân trong huyện mà còn là mô hình tốt để nhân ra các địa phương khác của thành phố.
THANH VÂN