Ngày 18-12, tại Hà Nội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Tổng cục Thống kê (Bộ kế hoạch và Đầu tư) tổ chức Hội thảo công bố Báo cáo điều tra quốc gia về Lao động trẻ em lần thứ hai và định hướng công tác phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà. Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN |
Điều tra quốc gia về Lao động trẻ em lần thứ hai được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Tổng cục Thống kê thực hiện với sự hỗ trợ kỹ thuật của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) từ tháng 11 đến 12- 2018.
Kết quả điều tra cho thấy, năm 2018, ước tính có 9,1% trẻ em từ 5-17 tuổi trên cả nước (hơn 1,75 triệu) tham gia các hoạt động kinh tế, trong đó 5,3% trẻ em (hơn 1 triệu) là lao động trẻ em. Tỷ lệ này thấp hơn 2% so với tỷ lệ trung bình của khu vực châu Á và Thái Bình Dương.
Lao động trẻ em bao gồm các công việc gây tổn hại đến thể chất, tinh thần của trẻ, cản trở việc tiếp cận giáo dục và tác động tiêu cực đến sự phát triển của trẻ.
Đồng nhất với xu hướng chung của toàn cầu, điều tra về Lao động trẻ em năm 2018 cho thấy, 84% lao động trẻ em tại Việt Nam tập trung ở vùng nông thôn và hơn một nửa số đó làm việc trong khu vực nông, lâm, ngư nghiệp. Những khu vực khác có nhiều lao động trẻ em bao gồm: Dịch vụ, công nghiệp và xây dựng. Khoảng 40,5% lao động trẻ em là các lao động trong hộ gia đình không được trả lương.
Một vấn đề cần được quan tâm là cuộc điều tra cho thấy có gần 520.000 lao động trẻ em làm các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, có nguy cơ gây tổn hại đến sức khỏe, sự an toàn và đạo đức của trẻ. Lao động trẻ em làm các công việc độc hại thường xuất hiện trong khu vực công nghiệp và xây dựng. Số giờ làm việc của lao động trẻ em làm các công việc nặng nhọc độc hại nguy hiểm có xu hướng cao, với 40,6% trẻ trong nhóm này phải làm việc nhiều hơn 40 giờ một tuần.
Ngoài những nguy cơ về sức khỏe và sự an toàn của trẻ, cuộc điều tra đã nhấn mạnh những tác động tiêu cực của việc tham gia các hoạt động kinh tế đến việc đi học của trẻ. Cụ thể, khi mức độ tham gia các hoạt động kinh tế của trẻ em càng tăng, tỷ lệ trẻ được đến trường càng giảm. So sánh với tỷ lệ đi học bình quân trên toàn quốc là 94,4%, chỉ có một nửa số lao động trẻ em được đi học, con số này trong nhóm lao động trẻ em làm các công việc nặng nhọc độc hại nguy hiểm còn thấp hơn, chỉ có 38,6%. Tuy nhiên, số liệu điều tra năm 2018 cho thấy, xu hướng tiến triển tích cực khi tỷ lệ đi học của trẻ em tham gia lao động đã tăng lên 20% so với năm 2012.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh, việc trẻ em phải lao động sớm đã và đang để lại hậu quả nặng nề, ảnh hưởng đến sự phát triển hài hòa của trẻ; cản trở trẻ tiếp cận và thụ hưởng nền giáo dục phù hợp, chuẩn bị một tương lai tốt hơn cho chính các em; làm mất đi các quyền của trẻ và tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế, xã hội, nhất là chất lượng của nguồn nhân lực trong tương lai.
Bà Nguyễn Thị Hà cho rằng, công tác phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em luôn được Đảng, Quốc hội, Chính phủ quan tâm đầu tư. Việt Nam đang triển khai xây dựng các chương trình, đề án chuẩn bị thực hiện chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030 và 5 năm giai đoạn 2021-2025. Vì vậy, kết quả khảo sát quốc gia Lao động trẻ em năm 2018 đóng vai trò hết sức quan trọng; tạo cơ sở khoa học và thực tiễn để Việt Nam xây dựng các chiến lược, chính sách thực hiện các cam kết quốc tế về quyền trẻ em, phòng, chống lao động trẻ em. Đồng thời thực hiện mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030, giúp hoàn thiện hơn cơ sở dữ liệu về lao động trẻ em và đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về phân tích số liệu lao động trẻ em. Kết quả khảo sát cũng là cơ sở thuận lợi cho Việt Nam tham gia ký kết các hiệp định thương mại và Hội nhập toàn cầu.
Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế tại Việt Nam Chang Hee Lee cho rằng, tuy kết quả của cuộc điều tra cho thấy những tín hiệu tiến triển tích cực từ năm 2012 - 2018, nhưng lao động trẻ em hiện vẫn tiềm ẩn nguy cơ gia tăng trở lại do những tác động của đại dịch Covid-19 đến kinh tế - xã hội và ảnh hưởng của những trận lũ kinh hoàng tại Việt Nam thời gian qua. Trong thời kỳ khủng hoảng, cơ hội việc làm và thu nhập gia đình suy giảm khiến những nguyên nhân sâu xa của lao động trẻ em càng phát triển, nhiều gia đình buộc phải sử dụng lao động trẻ em như một cơ chế ứng phó, từ đó đẩy nhiều trẻ em vào lao động trẻ em; những trẻ em đã tham gia lao động có nguy cơ phải làm việc nhiều giờ hơn hoặc trong điều kiện độc hại hơn.
Ông Chang Hee Lee cho rằng, Việt Nam cần sớm có những hành động để giảm thiểu tổn hại của đại dịch và các thảm họa thiên nhiên đang đe dọa những thành tựu đã đạt được trong công cuộc phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em và nguy cơ gia tăng số lượng các trường hợp lao động trẻ em đã xác định trong năm 2018. Trong bối cảnh hiện tại, những bằng chứng mạnh mẽ của điều tra quốc gia về Lao động trẻ em sẽ là cơ sở để Việt Nam xây dựng các chiến lược, can thiệp và có chính sách hiệu quả nhằm giải quyết vấn đề lao động trẻ em khi xây dựng kế hoạch hành động quốc gia sắp tới, tạo đà cho việc hoàn thành Mục tiêu Phát triển bền vững (SDG) 8.7 về xóa bỏ lao động trẻ em dưới mọi hình thức.
Để nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết thúc đẩy những nỗ lực xóa bỏ lao động trẻ em khẩn cấp hơn bao giờ hết, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã chọn năm 2021 là Năm quốc tế về Xóa bỏ lao động trẻ em.
Theo Báo Tin Tức