Đổi thay ở làng đá chẻ

.

Con đường đi lên làng đá chẻ Hòa Sơn quanh co qua 3 thôn: Phú Thượng, Phú Hạ, Xuân Phú. Mới “chạm” vào làng đá đã nghe… nhức lỗ tai. Vậy mà, hàng trăm con người ở đây vẫn ngày ngày cắm mặt vào đá, những mong, chẻ đá thành cơm.

Nếu chịu khó lao động, một thợ đá chẻ sẽ có thu nhập 300.000-500.000 đồng/ngày.  Ảnh: Q.T
Nếu chịu khó lao động, một thợ đá chẻ sẽ có thu nhập 300.000-500.000 đồng/ngày. Ảnh: Q.T

Mồ hôi thấm ướt đá xanh

Trời se lạnh. Ai nấy co ro trong chiếc áo ấm. Những phu đá ở đây thì khác. Họ chỉ mặc độc bộ quần áo mỏng. Trên lưng, trên mặt họ, mồ hôi túa ra, chảy thành dòng nước long tong. Tôi để ý, cứ vài phút, anh Lê Quốc Trưởng (SN 1982) lại lấy tay quẹt những dòng nước trên trán. Từng cơn gió rít qua lạnh thấu da thịt, anh vẫn nhẫn nại “thi gan” cùng thớ đá trơ lỳ. “Nếu thấy nghề này cực mà bỏ thì tôi đã bỏ từ 10 năm trước rồi. Còn theo đến bây chừ thì chẳng khi mô nghĩ đến chuyện bỏ nữa”, anh Trưởng cười hiền khô.

Bên cạnh, chị Đinh Thị Kim Ánh - vợ anh Trưởng cặm cụi dùng chiếc đục sắt lần tìm vân đá rồi vung búa gõ xuống. Những tiếng búa chát chúa lặp đi lặp lại liên hồi, bụi từ đá tỏa ra mù mịt. Chị Ánh không đeo khẩu trang. Trước cái nhìn ái ngại của chúng tôi, chị thở dài: “Ai cũng biết là bụi nhiều, hít bụi rồi tối về ho lụ khụ cả đêm, nhưng đeo khẩu trang lâu thì em lại không thở được. Miếng vải cứ bị hít vào mũi, khó chịu lắm. Mình phải chọn cách làm mình dễ chịu nhất thôi”.

“Cực quá chị ơi, sao chị không xin đi làm công nhân hay phụ buôn bán gì cho khỏe?”

“Nhiều hồi mình cũng định như vậy nhưng đi làm cho người ta bị gò bó giờ giấc quá, mình phải đưa đón hai đứa con nhỏ”. Nói rồi, chị đưa mắt về phía chồng, bẽn lẽn nói: “Với lại, mình đi cùng chồng cho có vợ có chồng. Trưa về sớm một chút, nấu cho ảnh miếng cơm. Chồng mình làm nặng lắm. Mình anh bê vác những tảng đá to. So với chồng, việc của mình còn nhẹ, còn nhàn hơn nhiều”.

Trong số mấy chục người đang hì hục đục đẽo, tôi đặc biệt chú ý đến những phu đá nữ. Những tưởng cái nghề nặng nhọc này chỉ dành cho nam giới nhưng không, phu nữ ở đây khá nhiều. Họ cũng đập, đẩy xe rùa, bê vác đá. Dưới lớp khẩu trang mỏng manh và chiếc mũ vải lụp xụp, họ làm việc trong im lặng. Ở đây, làm ăn theo sản phẩm, chẳng ai rảnh thời gian mà chuyện trò. Với lại, nói chuyện gì giữa tầng tầng lớp lớp bụi trắng, bụi đen, bụi bám đầy quần áo, tóc tai này?

Đúng như tên gọi, nghề làm đá chẻ được hiểu đơn giản là chẻ, cắt những khối đá lớn để trở thành đá trang trí nội thất. Có 3 công đoạn cơ bản để đá từ nguyên liệu đến thành phẩm gồm rã đá (đập đá), cắt đá, và chẻ đá thành phẩm. Các chủ cơ sở nhập đá nguyên liệu từ mỏ đá về trại làm đá. Thợ đập đá sẽ nhận khoán rã (đập) số đá nguyên liệu đó ra những bản nhỏ hơn. Sau đó, thợ cắt đá sẽ cắt các khối đá đã được rã nhỏ thành những khổ đá có kích thước bề ngang và dài cụ thể như 10 x 20 (cm), 15 x 30 (cm)… Khâu cuối cùng, các thợ chẻ đá lấy những viên đá đã được cắt thành khổ dùng búa nhỏ và đe để chẻ thành những viên đá có độ dày tùy theo đơn hàng (3mm, 5mm, 1cm, 2cm…). Đa số phu nữ làm khâu cuối cùng. Gặng hỏi mãi một phu nữ, chị mới cho biết tên là Lê Thị Loan (SN 1972). Mặc dù là người ở thôn Xuân Phú, chị Loan chỉ mới “bén duyên” nghề chẻ đá hơn 1 năm nay. Chị bảo, lớn tuổi rồi, đất ruộng không có, đi làm công chuyện chi cũng khó. Nhà còn 2 đứa con đang tuổi ăn học. Một mình chị phải cơm nước, đón đưa. “Nghề chẻ đá này nói cực thì rất cực, nhưng nói nhàn cũng có cái nhàn. Mình làm ăn theo sản phẩm, ngày nào thấy khỏe thì làm nhiều, còn nghe mà nhức đầu, nhức xương thì làm ít, thậm chí nghỉ làm. Dễ chi có chỗ mô linh động giờ giấc được như ri? Với lại nghề ni, mình chịu khó thì thu nhập cũng được lắm”, chị Loan cho hay.

Để nghề đá vươn xa

Làng nghề đá chẻ Hòa Sơn hay làng nghề đá trang trí Hòa Sơn được hình thành dọc tuyến đường liên xã Hòa Sơn - Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang). Theo những bậc cao niên trong xã, nghề chẻ đá là nghề… tự phát và phát triển tại địa phương chừng vài chục năm trở lại đây. “Nghề chẻ đá phát triển ở vùng này bởi đây là vùng tập trung các mỏ đá thiên nhiên lớn như mỏ đá Trường Bản, Hố Mùn. Trữ lượng của các mỏ đá trên địa bàn bảo đảm cung cấp cho sản xuất kinh doanh của các cơ sở làm đá. Các loại đá hiện đang được khai thác tại Hòa Sơn là đá thô (đá vàng), đá xanh, đá phiến. Hàng chục năm qua, người dân xã Hòa Sơn sống được nhờ cái nghề chẻ đá này”, ông Nguyễn Văn Ân, một người dân làng đá cho hay.

Hiện làng nghề đá chẻ Hòa Sơn là làng nghề thủ công truyền thống duy nhất của huyện Hòa Vang. Tuy là nghề nặng nhọc, nhưng nghề chẻ đá đang tạo việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương và các tỉnh, thành lân cận. Thu nhập của một “thợ đá” từ 300.000 - 500.000 đồng/ngày tùy vào năng suất lao động của từng người. Sản phẩm đá chẻ Hòa Sơn được dùng trong trang trí nội/ngoại thất như: ốp tường, lát nền sân cỏ, đường đi, đá cọc rào, đá xây bồn hoa, đá bậc thang, tranh áp tường nghệ thuật bằng đá, trang trí ở các khu nhà vườn, khu vui chơi giải trí và khu nghỉ dưỡng ven biển.

Cho đến bây giờ, đá chẻ Hòa Sơn đã vang danh khắp các tỉnh, thành, nhiều cơ sở sản xuất đã có đơn hàng đi nước ngoài. Mỗi năm, các hộ sản xuất trong làng cung cấp cho thị trường 300.000m2 đá trang trí các loại. Chỉ trong vòng 5 năm trở lại đây, làng nghề đá chẻ Hòa Sơn đã phát triển lên gần 150 hộ với gần 500 lao động.

Tuy nhiên, việc sản xuất đá tại Hòa Sơn đang tồn tại nhiều bất cập. Từ khi làng đá chẻ xuất hiện, kinh tế nhiều hộ dân phát triển lên rõ rệt, giải quyết được việc làm cho người lao động tại địa phương và cả các tỉnh lân cận nhưng những hệ lụy kéo theo cũng không hề nhỏ. Với số lượng hộ sản xuất kinh doanh khá nhiều như vậy, nhưng chỉ có những doanh nghiệp và hộ sản xuất kinh doanh lớn có quy trình sản xuất quy mô, an toàn vệ sinh lao động, có phương án xử lý nước, chất thải, bảo đảm được vệ sinh môi trường; còn lại, hầu hết các hộ sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ sản xuất không bảo đảm, đổ đá, nước thải ra khu vực dân cư sinh sống và các tuyến đường gây cản trở giao thông, ô nhiễm môi trường, tiếng ồn, bụi đá, nước thải... nghiêm trọng, làm mất cảnh quan hai bên đường dẫn vào các thôn Phú Thượng, Xuân Phú, Phú Hạ. “Nói thiệt, nghề đá chẻ là nguồn thu nhập chính của người dân xã Hòa sơn lâu nay. Nhưng nó cũng là “nguồn cơn” gây mất tình làng nghĩa xóm. Trước đây, các hộ sản xuất chủ yếu chẻ đá trong khu đất vườn của gia đình, tiếng ồn, nước thải, bụi mịn… ảnh hưởng nhiều đến các gia đình khác. Họp tổ, họp thôn chúng tôi bị xét nét, phê bình miết. Nhưng biết làm răng được, công chuyện mưu sinh mình vẫn phải làm thôi”, ông Nguyễn Văn Ân thiệt thà nói.

Trước thực trạng nói trên, từ Đề án quy hoạch, sắp xếp lại làng sản xuất đá chẻ Hòa Sơn của UBND huyện Hòa Vang, việc thành lập Hợp tác xã dịch vụ đá trang trí Hòa Sơn được coi là cấp bách nhằm xây dựng mô hình sản xuất tiểu thủ công nghiệp tập trung, tạo điều kiện cho các hộ sản xuất kinh doanh được hoạt động có hệ thống, tập trung, bền vững.

Ông Nguyễn Duy Phương, Chủ tịch UBND xã Hòa Sơn cho hay, để trở thành một làng nghề đá chẻ bài bản, có sức cạnh tranh trên thị trường và xa hơn nữa là trở thành cụm công nghiệp, làng nghề đá chẻ còn rất nhiều việc phải làm. Địa phương đang mong chờ đề án “Phát triển Làng nghề đá chẻ Hòa Sơn” đã được UBND thành phố phê duyệt sớm được triển khai thực hiện. Bởi, chỉ khi nào được quy hoạch bài bản, bài toán ô nhiễm môi trường mới được giải quyết. Theo đó, việc xử lý ô nhiễm môi trường sẽ được tính toán kỹ càng, xây dựng các khu xử lý nước thải tập trung, hệ thống đấu nối nước thải vào khu xử lý nước thải… Và có như vậy, làng nghề mới phát triển bền vững, tạo nguồn sinh kế lâu dài cho người dân.

Đề án “Phát triển Làng nghề đá chẻ Hòa Sơn” được UBND thành phố phê duyệt ngày 13-4-2020 với mục đích phát triển nghề đá chẻ trên cơ sở khai thác hiệu quả, bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên. Dự án sẽ quy hoạch, sắp xếp đưa các hộ sản xuất và hộ bị ảnh hưởng giải phóng mặt bằng dự án đường ĐH2 vào hoạt động sản xuất đá chẻ tập trung tại khu vực quy hoạch; góp phần giải quyết việc làm, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường; tiến đến xa hơn là thành lập Cụm công nghiệp Làng nghề đá chẻ Hòa Sơn.

QUỲNH TRANG

;
;
.
.
.
.
.