HIỆU QUẢ ĐỀ ÁN PHÂN BỔ DÂN CƯ

Bài cuối: Khơi dậy tiềm lực vùng ven trung tâm thành phố

.

Để phân bổ dân cư hợp lý, giảm tập trung dân cư vào khu vực nội thành, thời gian qua thành phố đã đầu tư nhiều dự án hạ tầng đô thị ở các khu vực ven đô. Cùng với đó, quan tâm chu đáo để làm tốt công tác giảm nghèo, chuyển dịch lao động ra vùng ven.

Phố mới Hòa Xuân

Sau hơn 10 năm thực hiện chủ trương di dời, giải tỏa để tái thiết đô thị, phường Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ) từ một vùng nông thôn trở thành một khu đô thị mới khá sôi động với 90% dân cư hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ. Ông Nguyễn Phú Sanh, chuyên viên Văn phòng - Thống kê UBND phường Hòa Xuân cho biết: Trước khi thành phố triển khai giải tỏa, phường chỉ có khoảng 4.000 hộ với 11.000 dân. Trên địa bàn có 4 trường học (1 mầm non, 2 tiểu học, 1 THCS), nhưng chưa đến 1.000 học sinh. Về hạ tầng giao thông chỉ có vài ba tuyến đường bê-tông, số hộ nghèo còn khá nhiều. Sau hơn 10 năm triển các các chủ trương giải tỏa, di dời, đến nay bộ mặt phường Hòa Xuân được thay da, đổi thịt theo hướng văn minh, hiện đại hơn với nhiều ngôi nhà khang trang, các tuyến đường rộng mở được xây dựng đã thúc đẩy giao thương trong khu vực.

Điều thấy rõ nhất là dân số toàn phường tăng gấp 4 lần, với hơn 40.000 hộ dân. Đáng nói, trong số này, 50% là dân cư từ các nơi khác đến nhập cư, cho thấy sức hút rất lớn của vùng đất mới này. Toàn phường có hơn 400 tuyến đường thảm nhựa, nhỏ nhất từ 5,5m và không có kiệt, hẻm. Đây là điều hiếm không chỉ riêng ở Đà Nẵng mà còn so với cả nước. Từ 4 trường học cũ, đến nay đã được xây mới, từ mỗi trường chỉ 5-7 lớp học đã tăng lên từ 30-35 phòng học; nâng số học sinh lên khoảng 5.000 em, tăng gấp 7 lần, phát triển thêm 4 trường mầm non tư thục chất lượng cao. Hòa Xuân đã có chợ mới khang trang, thoáng rộng, đặc biệt, hệ thống 20 siêu thị mi ni đáp ứng đủ nhu cầu nhu yếu phẩm hằng ngày của người dân. Đến nay, phường Hòa Xuân đã hoàn thành đề án giảm nghèo của thành phố, chỉ còn 52 hộ nghèo theo chuẩn giảm nghèo đa chiều mới.

“Phường Hòa Xuân đang bước vào giai đoạn phát triển mới với lợi thế về địa lý, quỹ đất dồi dào, hệ thống đường sông bao quanh, hình thành các khu trung tâm dịch vụ, du lịch mới, đáp ứng yêu cầu phát triển không gian đô thị của thành phố về phía tây nam. Hòa Xuân sẽ còn đổi thay nhiều hơn nữa, hướng đến trở thành hình mẫu của quy hoạch đầu tư phát triển đô thị theo hướng văn minh, hiện đại”, Chủ tịch UBND phường Hồ Thị Cẩm Nhung chia sẻ.

Cùng với việc phát triển hạ tầng đô thị ra vùng ngoại thành, thành phố thực hiện chủ trương tái thiết các khu đô thị cũ không bảo đảm đáp ứng hạ tầng, tập trung thực hiện các công trình tại các nút giao thông để giải quyết vấn đề kẹt xe, xúc tiến dự án di dời ga đường sắt để tái phát triển khu vực ga cũ; phê duyệt quy hoạch xác định lộ giới và các quy định về xây dựng tại các kiệt, hẻm trên địa bàn thành phố, đầu tư nâng cấp các dịch vụ cơ bản về chiếu sáng, cấp thoát nước, vệ sinh môi trường…

Thành phố đã đưa vào khai thác các công trình trọng điểm như cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý, cầu Nguyễn Tri Phương, cầu Khuê Đông, đường Võ Chí Công, dự án xây dựng nút giao thông ngã ba Huế, tuyến đường Hoàng Văn Thái nối dài lên khu du lịch Bà Nà, nút giao thông phía tây cầu Sông Hàn, nút giao thông Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương - Lê Độ... Bên cạnh đó, nhiều tuyến đường nội thị được đầu tư, nâng cấp hoàn chỉnh tạo cảnh quan cho thành phố và kết nối mở rộng với các khu dân cư mới hình thành. Thành phố phối hợp với Bộ Giao thông vận tải thực hiện một số công trình giao thông lớn nhằm kết nối hệ thống giao thông các khu vực của thành phố kết nối với các tỉnh lân cận như đường cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi, đường Hồ Chí Minh (đoạn La Sơn - Túy Loan), đường vành đai phía bắc, đường vành đai phía tây (đoạn từ QL14B đến đường Hồ Chí Minh), đường Mai Đăng Chơn - giai đoạn 2, dự án mở rộng hầm lánh nạn Hải Vân... Hiện nay, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có 12 tuyến xe buýt trợ giá, tạo thành mạng lưới giao thông công cộng bao phủ các hướng và đi qua khu vực trung tâm tất cả các quận huyện, đồng thời kết nối khu vực ngoại thành với khu vực nội đô.

Phát triển đô thị hài hòa, theo hướng bền vững

Từ góc nhìn tổng thể xuyên suốt chiều dài quá trình triển khai đề án Phân bổ dân cư theo tinh thần Nghị quyết số 29/2012/NQ-HĐND của HĐND thành phố, khóa VIII, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Lê Minh Trung đánh giá: Thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ đề ra tại đề án, các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện đã không ngừng tăng cường công tác quản lý, tuyên truyền, kiểm tra việc đăng ký thường trú, tạm trú, nhập cư; huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển, quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội; tạo lập môi trường kinh doanh và đầu tư thông thoáng để thu hút các nhà đầu tư nhằm tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội...

Theo Phó Chủ tịch HĐND thành phố Lê Minh Trung, những kết quả đạt được cho thấy định hướng, mục tiêu của đề án đặt ra đã góp phần định hình bức tranh tổng thể về đô thị Đà Nẵng ngày càng hài hòa, phát triển theo hướng bền vững. Công tác đăng ký, quản lý cư trú thực hiện có hiệu quả vừa bảo đảm thi hành Luật Cư trú, vừa định hướng phân bổ dân cư của thành phố cân đối việc nhập cư một cách có chọn lọc nhằm bảo đảm hài hòa giữa dân số và điều kiện chất lượng cuộc sống, giảm tải dân số tại các quận trung tâm. Các dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, giáo dục, lao động ngày càng được được quan tâm như mạng lưới y tế được củng cố và hoàn thiện, các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa và trung tâm y tế quận, huyện, phường, xã đều được đầu tư nâng cấp…, góp phần giảm tải cho tuyến trên, đồng thời triển khai nhiều mô hình hoạt động chăm sóc sức khỏe nhân dân. Nhờ vậy, chất lượng dân số ngày càng được nâng cao, tuổi thọ bình quân tăng dần qua từng năm. Lĩnh vực giáo dục được quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học, nhất là tại huyện Hòa Vang và các quận Liên Chiểu, Ngũ Hành Sơn, Cẩm Lệ, tạo điều kiện thuận lợi hơn trong công tác dạy và học ở các khu vực xa trung tâm. Khoảng cách chất lượng giáo dục giữa nội thành và ngoại thành dần thu hẹp, nhiều học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế.

Phó Chủ tịch HĐND thành phố Lê Minh Trung cho rằng, môi trường kinh doanh đầu tư thông thoáng đã thu hút các nhà đầu tư vào Đà Nẵng, các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, chính sách tín dụng ưu đãi, các dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo, lao động được giải quyết việc làm ngày càng tăng, đặc biệt việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đời sống của người lao động ngày càng được cải thiện. Cùng với đó, hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, giao thông được đầu tư xây dựng đồng bộ ở các khu vực ở xa trung tâm thành phố từng bước kéo giãn dân cư ra các khu vực ngoại thành, nhu cầu đi lại của nhân dân giữa các khu vực được thuận lợi hơn, cùng với việc đầu tư phát triển đường đô thị, mạng lưới giao thông nông thôn được quan tâm đầu tư xây dựng góp phần xây dựng nông thôn mới theo hướng văn minh, hiện đại.

Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn, tồn tại phát sinh trong quá trình triển khai đề án cần hạn chế, khắc phục như một số chỉ tiêu như dân số trung bình hằng năm, diện tích đất bình quân đầu người so với dự báo phân bổ tại đề án có sự chênh lệch. Một số căn cứ pháp lý trước đây để xây dựng đề án đã bị điều chỉnh hoặc không còn hiệu lực, bị thay thế và một số quy định mới được ban hành dẫn đến một số nội dung của đề án không còn phù hợp với thực tiễn phát triển của thành phố. Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2357/QĐ-TTg ngày 4-12-2013 hiện nay không còn phù hợp với tình hình thực tiễn của thành phố, dẫn đến việc phân bổ dân cư cho từng khu vực có sự thay đổi. Quy định của Luật Cư trú và các văn bản pháp luật liên quan đến quản lý dân cư đã được sửa đổi, bổ sung theo hướng thông thoáng hơn, trong khi lực lượng quản lý của cơ quan chức năng còn mỏng đã ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả quản lý. Theo Phó Chủ tịch HĐND thành phố Lê Minh Trung, công tác quy hoạch và đầu tư chưa đồng bộ; chưa có cơ chế, chính sách hiệu quả để huy động, kêu gọi đầu tư từ nguồn xã hội hóa để phát triển và bảo trì hệ thống hạ tầng giao thông. Tiến độ đầu tư xây dựng một số dự án nằm trong quy hoạch được duyệt, có tác động thúc đẩy toàn vùng nhưng triển khai chậm.

Mặc dù còn những khó khăn và hạn chế, tuy nhiên có thể khẳng định, hiệu quả của đề án Phân bổ dân cư của thành phố là một trong những chủ trương rất đúng đắn và kịp thời, mang lại sự đổi thay tích cực, đóng góp lớn vào thành quả phát triển kinh tế, hạ tầng đô thị và an sinh xã hội của Đà Nẵng trong thời gian qua. Đây sẽ là tiền đề quan trọng để thành phố tiếp tục phát huy và triển khai sâu rộng trong thời gian đến, góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Đà Nẵng lần thứ XXII đã đề ra.

TRỌNG HUY - NGUYỄN QUANG

;
;
.
.
.
.
.