Những phụ nữ lặng lẽ vác tù và...

.

Thành phố Đà Nẵng có gần 20 trung tâm bảo trợ xã hội, với hơn 150 cán bộ, nhân viên chăm sóc, nuôi dưỡng khoảng 600 trẻ em bất hạnh. Trong số này phụ nữ chiếm hơn 2/3, với công việc chính là trực tiếp chăm sóc, dạy dỗ các em.

Với bà Nguyễn Thị Gương, niềm vui trong công việc chính là nhìn thấy các cháu bé khỏe mạnh.
Với bà Nguyễn Thị Gương, niềm vui trong công việc chính là nhìn thấy các cháu bé khỏe mạnh.

“Ở nhà nhớ mấy đứa nhỏ không chịu được”

Ở tuổi 64, bất kể ngày nắng mưa, đến phiên trực, đúng 6 giờ 30, bà Nguyễn Thị Gương (thôn Hòa Hải, xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang) lại đến Trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi (thuộc Sở Lao động, Thương Binh và Xã hội) tại 56 Thủ Khoa Huân (quận Sơn Trà) để làm việc. Suốt 12 năm như vậy, bà Gương vẫn cần mẫn đi trên quãng đường khoảng 30km để bắt tay vào ca trực 24 giờ quần quật với trên dưới chục trẻ. Con cháu trong nhà, bà con hàng xóm thấy bà Gương cực quá khuyên bà nên nghỉ ngơi tuổi già. Lần nào cũng vậy, bà chỉ cười rồi lại tiếp tục hành trình của mình bởi: “Ở nhà nhớ mấy đứa nhỏ lắm, không chịu được”.

12 năm trước, đang là nông dân với nghề trồng keo rừng, rồi một ngày con dâu đang làm việc tại Trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi nghỉ việc đi làm công nhân, thế là bà nghe lời con dâu gợi ý: “Hay mẹ thử chăm mấy đứa nhỏ mồ côi”. “Không hiểu sao tôi gật đầu ngay. Ngày đầu bước vào Trung tâm tôi thực sự sốc, trong không gian chưa đến 50m2, có gần 15 đứa trẻ, trong đó, em lớn nhất không quá hai tuổi, em nhỏ nhất vẫn còn đỏ hỏn với vài ngày tuổi trên đời. Nhưng rồi, tôi chẳng có thời gian để suy nghĩ, đắn đo khi xung quanh mình, đứa khóc, đứa đòi ăn... Thế là tôi xắn tay lên làm cho đến hôm nay. Quần quật từ sáng sớm, mãi đến khuya mới được ngả lưng nhưng chỉ một chốc lại có trẻ khóc, trẻ cần thay tã, trẻ bất ngờ sốt... Hết giờ làm, dắt xe ra cổng, bước chân tôi cứ lảo đảo như say, vậy mà về nhà, ngủ một giấc, lấy lại sức là tôi lại muốn đến với mấy đứa nhỏ”, bà Gương kể.

Cũng tình cờ khi được một người bạn giới thiệu, chị Trần Thị Chi Lan (tổ 32, phường Thuận Phước, quận Hải Châu) đến làm việc tại Trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi. Đến nay cũng tròn 4 năm gắn bó với những em bé bị bỏ rơi. “Ai đã từng làm mẹ thì có thể hiểu việc chăm 1 đứa bé cực thế nào, vậy mà 4 chị em chúng tôi chia ra làm 2 ca, mỗi ca 2 người, làm việc trong 24 giờ, với hàng chục đứa trẻ. Cứ bước vào ca trực thì gần như chẳng còn thời gian suy nghĩ việc gì ngoài cuốn theo các con. Chúng tôi làm việc luôn tay, luôn chân, nhiều khi đến bữa chẳng buồn ăn, nhưng bù lại khi nhìn những đứa trẻ đỏ hỏn, bị ba mẹ bỏ rơi, vào Trung tâm chỉ vài ngày đã thay đổi, vài tháng sau đã bụ bẫm, biết lật, biết bò thì mọi cực khổ lại tiêu tan. Niềm vui của chúng tôi đơn giản vậy đó”, chị Lan vui vẻ khoe.

Cực khổ, bận rộn là vậy, thế nhưng thu nhập của những bà mẹ của các em bé bị bỏ rơi này lại có thể khiến người khác chạnh lòng. Tổng thu nhập của mỗi nhân viên chăm trẻ ở đây khoảng 3,5 triệu đồng/tháng. Hơn một năm nay, với sự cố gắng của lãnh đạo Trung tâm, mỗi người được tăng thêm 1 triệu đồng/tháng. Ấy vậy mà khi trả lời câu hỏi lương vậy sao đủ sống, tất cả đều vui vẻ đáp: “Đủ sống qua ngày là được rồi, nhưng bù lại chúng tôi hạnh phúc, bình yên trong tâm vì có rất nhiều con, cháu”.

Theo chị Mai Thị Ân, dạy may cho trẻ em bị ảnh hưởng chất độc da cam, ngoài sự kiên trì cần có tấm lòng thương yêu các em thì mới trụ được với nghề.  Ảnh: THANH VÂN
Theo chị Mai Thị Ân, dạy may cho trẻ em bị ảnh hưởng chất độc da cam, ngoài sự kiên trì cần có tấm lòng thương yêu các em thì mới trụ được với nghề. Ảnh: THANH VÂN

“Tôi muốn giúp các em”

Công việc “vác tù và” hầu hết đến với những người có trái tim nhân hậu đều tình cờ như vậy, nhưng rồi gần như là sự sắp đặt của số phận để họ trở thành những người bà, người mẹ thứ hai chăm lo cho những em bé bất hạnh khi vừa cất tiếng khóc chào đời đã không có bố mẹ bên cạnh. Gần 30 năm trước, khi còn là cô gái trẻ, chị Mai Thị Ân đã có cửa tiệm may khá đông khách trên đường Ông Ích Khiêm, một hôm có người bạn giới thiệu đến Trung tâm bảo trợ trẻ em đường phố để dạy may cho trẻ em ở đây, vậy mà chị nhận ngay không chút suy nghĩ. Chị giải thích: “Không hiểu sao cái tên “trẻ em đường phố” lại khiến tôi tò mò, muốn tiếp cận thử xem sao, nhưng rồi khi làm việc với các em mới hiểu ra rằng dưới cái vỏ bất cần đời, xù xì kia là những tâm hồn bị tổn thương. Điều này đã khiến tôi muốn giúp các em”.

Đến năm 2006, Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh thành phố thành lập, thông báo tuyển dụng giáo viên dạy may cho trẻ em bị ảnh hưởng chất độc da cam, lần nữa chị lại muốn thử thách mình. Dù đã có kinh nghiệm, thế nhưng khi về đây thời gian đầu, chị Ân đã rất bối rối vì cứ dạy xong, mai đến lớp lại dạy lại bài cũ, bởi với trẻ bị ảnh hưởng chất độc da cam mọi việc đều rất khó khăn. Đôi khi để dạy các em một đường cắt cho thẳng, cả cô và trò phải đánh vật cả tuần. Nhiều lúc mệt quá, chị Ân đã muốn từ bỏ nhưng rồi nhìn các em cặm cụi, kiên trì, bặm môi để làm cho được, chị Ân lại quyết định tiếp tục công việc.

Không riêng gì chị Ân, gần 30 con người đang làm việc “gõ đầu trẻ” ở Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh thành phố đều có lối rẽ bất ngờ công việc như vậy, để rồi tất cả đều gắn bó với các em suốt những năm qua. Họ âm thầm, tận tụy hết mình với công việc khá đặc biệt mà quên đi cả quyền lợi của riêng mình. Nói về công việc và thu nhập của những nhân viên, chị Nguyễn Thị Thu, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh tỏ ra khá áy náy nhưng cũng không kém tự hào: “Người thâm niên hàng chục năm, thu nhập cao nhất cũng chỉ 2,2 triệu đồng/tháng, người mới vào làm chỉ có 1,5 triệu đồng/tháng. Ấy vậy mà không ai kêu ca, vẫn tận tụy hết mình với các em như người thân yêu, ruột thịt trong gia đình. Chúng tôi là một gia đình yêu thương nhau nên mọi khó khăn đều bước qua được”.

Thành phố Đà Nẵng hiện có gần 20 trung tâm bảo trợ xã hội, với hơn hơn 150 cán bộ, nhân viên chăm sóc nuôi dưỡng khoảng 600 trẻ em bất hạnh. Trong số này, phụ nữ chiếm hơn 2/3 với công việc chính là trực tiếp chăm sóc, dạy dỗ các em. Suốt những năm qua đã có cả ngàn em trưởng thành từ những tổ ấm như thế để bước vào đời, có những em trở thành cán bộ quản lý ở các doanh nghiệp, có em lập gia đình, có em hiện là sinh viên các trường đại học trong và ngoài nước. Và cũng có những em chẳng may tật nguyền, phải gắn chặt với các trung tâm, trong vòng tay yêu thương của bà Gương, chị Ân và còn nhiều người phụ nự thầm lặng khác mà chưa thể kể hết. Sinh ra trên cõi đời, các em đã bất hạnh khi bị chính bố mẹ đẻ bỏ rơi, bị tật nguyền, bị ảnh hưởng của chất độc da cam. Nhưng các em cũng còn may mắn khi bên em vẫn có những bà, những mẹ tự nguyện “vác tù và” để đồng hành cùng các em. Chỉ có điều còn áy náy, còn chưa vui khi cuộc sống của chính các bà, các mẹ này còn quá khó khăn, vất vả vì tiền lương chủ yếu còn thấp.

THANH VÂN

;
;
.
.
.
.
.