Nỗi lo sống chung với ngập lụt

.

Sau những trận mưa bão lớn diễn ra thời gian qua, người dân một số xã trên địa bàn huyện Hòa Vang phải chịu cảnh sống chung với nước lụt. Trong đó, có thôn La Bông xã Hòa Tiến đã trải qua 8 đợt ngập, làm đảo lộn cuộc sống lẫn mưu sinh. Hiện đã sang tháng 12 nhưng những ngày qua người dân vẫn phải đón lụt với tâm trạng nặng trĩu.

Tình trạng ngập nước nhiều lần khiến đời sống của người dân ở thôn La Bông (xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang) bị ảnh hưởng. 			  Ảnh: VĂN HOÀNG
Tình trạng ngập nước nhiều lần khiến đời sống của người dân ở thôn La Bông (xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang) bị ảnh hưởng. Ảnh: VĂN HOÀNG

Những chiếc máy may được anh Nguyễn Đức Tiến (Tổ 5, thôn La Bông, xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang) treo lên cao bằng nhiều sợi dây thừng xanh và móc lên cột nhà, phía trên cái gác lửng cũ kỹ là đống nệm đang gia công dở dang. Anh Tiến nói, thời điểm này năm ngoái, xưởng của anh có 7-8 nhân công còn đang tăng ca để kịp đợt kinh doanh cuối năm, nay thì “treo máy” vì có lúc nước ngập vào xưởng cao tới 70cm, còn nước ở ngoài đường thôn khoảng 140cm. Thời điểm này, anh Tiến chỉ mong không có tổn thất nào về người và của, còn việc sản xuất thì không trông đợi gì được khi chỉ vài ngày lại có một trận lụt cao.

Gần xưởng sản xuất của anh Tiến, vườn cây 2000m2 thuộc hộ kinh doanh của chị Nguyễn Thị Hồng Nhạn tiêu điều giữa “biển nước”. Nhìn vào sẽ không nghĩ đây từng là vườn cây xanh tốt, cung cấp cây cảnh cho các khách hàng ở 7 tỉnh, thành phố miền Trung, tạo việc làm cho 15 nhân công. Theo chị Nhạn, thống kê thiệt hại hộ kinh doanh của chị khoảng gần 200 triệu đồng với 90% số chậu cảnh, cây cảnh chưa kịp xuất đi đã ngập trong nước và bùn. Hiện chị đang thuê đất ở địa điểm khác để tiếp tục công việc, bởi lẽ, nhu cầu của khách hàng vẫn còn nhiều. Tuy nhiên, việc tìm giống cây trong thời điểm này quá khó, không có ai sản xuất, cây cối thì đều hư hại. Chị Nhạn chia sẻ, 10 năm gắn bó với nghề trồng cây, ươm giống thì năm nay là năm khó khăn nhất với chị, mỗi ngày “lội” qua vườn cây ngập trong nước chị lại thấy xót xa. Hiện tại chị phải vay mượn để có tiền trả cho nhân công, còn bản thân thì đang nợ khoảng vài trăm triệu đồng. Chị cho biết, những nhân công chị thuê đa số đều là người có hoàn cảnh khó khăn nên chị không nỡ ngừng sản xuất vào thời điểm này.

Nước lụt kéo theo những thay đổi trong sinh hoạt của người dân, cụ thể là những bữa ăn, nỗi lo về dịch bệnh. Bữa cơm của gia đình chị Nguyễn Thị Thanh Thủy (Tổ 4, thôn La Bông, xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang) khoảng một tháng nay là những lần... đứng ăn. Chị kể, tất cả bàn ghế, đồ đạc trong nhà đã bỏ lên gác lửng cũ của nhà, mọi người ở nhà muốn ngồi chỉ có thể lên giường ngồi. Sau 2-3 lần dọn đồ lên, xuống từ đầu mùa lụt tháng 10 đến nay, chị và mọi người trong gia đình chẳng buồn dọn nữa, cứ để vậy khi nào qua mùa ngập lụt thì thôi vì dọn được 2 ngày lại có đợt ngập mới. Trường hợp của chị Thủy là còn may mắn vì vẫn dùng được bếp ga, còn với những nhà bị hư hỏng bếp, hết bình ga thì chỉ có ăn mỳ tôm, đồ khô, nhà nào siêng lắm thì... lội nước để ra đường mua đồ ăn đổi bữa, bởi nước ngập quá sâu nên không ai chở gas vào.

Ông Nguyễn Trường, Trưởng thôn La Bông (xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang) cho biết: “Bão lụt là chuyện xảy ra hằng năm, nhưng riêng trong năm 2020, tới thời điểm này đã lụt tại thôn La Bông 8 lần khiến đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn, phải sử dụng thuyền, bè để đi lại. Mặc khác, mỗi lần xảy ra lũ lụt, nguồn nước sạch bị thiếu thốn, điện bị cắt khiến người dân không cập nhật thông tin kịp thời”. Trước tình trạng mưa ngập ảnh hưởng tới đời sống của người dân, Chủ tịch UBND xã Hòa Tiến Ngô Ngọc Trúc cho hay, xã tổ chức di dời các hộ dân bị ngập sâu đến nơi trú ẩn an toàn và cũng đã chuẩn bị lương thực, thực phẩm bảo đảm đời sống cho người dân trong thời gian bị ngập; thường xuyên cử cán bộ xã theo dõi để hỗ trợ người dân vượt qua những khó khăn do thời tiết bất thường gây ra.

Thời gian qua, do bão và mưa lũ kéo dài, nhiều xã trên địa bàn huyện Hòa Vang bị ngập lụt. Theo thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hòa Vang, trong cơn bão số 9, toàn huyện có hơn 2ha bắp, rau màu bị thiệt hại; 2,5ha hoa và 5.000 chậu hoa ở các xã Hòa Phước, Hòa Châu, Hòa Liên bị hư hỏng; 89,7ha diện tích cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm bị ngã đổ, gãy cành; 43.000 bịch nấm bị hư hỏng... Đặc biệt, mưa lũ khiến cho diện tích canh tác, sản xuất lúa trên địa bàn bị ngập trong nước, gần 2.300m3 ruộng bị bồi lấp, ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Còn trong cơn bão số 13, ước tính tổng kinh phí thiệt hại trên địa bàn huyện lên đến 660 triệu đồng, trong đó, 22 ngôi nhà bị tốc mái từ một phần từ 50-70% trở xuống; một số cây xanh, công trình giao thông bị ngã đổ,...

MINH LÊ - VĂN HOÀNG

;
;
.
.
.
.
.