Đổi thay từ giao thông ở Hòa Vang

.

Những con đường nông thôn chật hẹp ngày nào ở huyện Hòa Vang giờ đây đã trở thành những tuyến đường rộng rãi, khang trang, được thảm nhựa hoặc bê-tông hóa, tạo thuận lợi cho người dân trong sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.   

Tuyến đường ĐH8 ở xã Hòa Khương rộng 7,5 mét, giúp thúc đẩy giao thương, phát triển kinh tế - xã hội huyện Hòa Vang.				Ảnh: LÊ VĂN THƠM
Tuyến đường ĐH8 ở xã Hòa Khương rộng 7,5 mét, giúp thúc đẩy giao thương, phát triển kinh tế - xã hội huyện Hòa Vang. Ảnh: LÊ VĂN THƠM

Nhà nước và nhân dân cùng làm

Trên địa bàn huyện Hòa Vang, việc đầu tư xây dựng, mở rộng đường giao thông theo chuẩn nông thôn mới được đông đảo các tầng lớp nhân dân hưởng ứng. Nơi đây, hầu hết các công trình giao thông được xây dựng theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm. Cụ thể, thành phố và huyện đầu tư xi-măng, cát, sạn, nhà thầu xây dựng, người dân hiến đất, tháo dỡ vật kiến trúc, dọn cây trồng và tham gia lao động trong quá trình thi công. Theo tổng hợp của Văn phòng Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Hòa Vang, nhân dân toàn huyện đã hiến gần 232.000m2 đất và đóng góp hơn 70.000 ngày công để làm đường giao thông, tổng giá trị đất hiến hơn 210 tỷ đồng, người hiến nhiều nhất là ông Chu Văn Hệ ở thôn 5, xã Hòa Khương. Chia sẻ về việc làm của mình, ông Chu Văn Hệ cho biết, cuộc sống gia đình ông vẫn còn không ít khó khăn nhưng ông đã vận động cả gia đình đồng thuận ủng hộ 1.800m2 đất nhằm chung tay, góp sức xây dựng hệ thống giao thông, hơn nữa, khi có con đường lớn đi qua thì giá trị phần đất còn lại của gia đình ông cũng tăng lên nhiều lần.

Con đường ĐH8 chạy ngang qua thôn 5, xã Hòa Khương (huyện Hòa Vang) trước đây nhỏ hẹp, lồi lõm, quanh năm nắng bụi mưa bùn, nay đã trở thành con đường thảm nhựa bằng phẳng, rộng 7,5m, chạy giữa những xóm làng xanh tươi, trù phú. Nhiều đoạn trên tuyến đường này đã phát triển theo hướng đô thị, sớm chiều rộn rã các hoạt động thương mại, dịch vụ. Ông Trần Văn Mười, cán bộ xã Hòa Khương cho biết, khi triển khai kế hoạch nâng cấp con đường này, nhân dân đều đồng tình hưởng ứng, tự nguyện hiến đất, tháo dỡ vật kiến trúc, bàn giao mặt bằng, tham gia thi công và chỉ sau hai tháng, tuyến đường đã hoàn thành. Tiếp đó, các hộ dân hai bên đường nhộn nhịp sửa nhà, xây hàng rào, kiến tạo cảnh quan, con đường thêm phần thẩm mỹ.

Ở xã Hòa Phước, nông dân đã hiến hàng ngàn mét vuông đất để mở rộng các tuyến đường giao thông, nâng chuẩn nông thôn mới. Trong đó, con đường liên thôn Tân Hạnh - Trà Kiểm rộng hơn 7m, đã bê-tông hóa kiên cố với phần lớn kinh phí xây dựng do nhân dân đóng góp. Chỉ vào chiếc cổng làng có gác lầu và mái ngói, Trưởng thôn Trà Kiểm Ngô Định chia sẻ, kinh phí xây chiếc cổng làng này gần 180 triệu đồng, hoàn toàn từ nguồn tiền của nhân dân. Đặc biệt, tuyến đường từ thôn Thái Lai đến thôn Diêu Phong (xã Hòa Nhơn) dài gần 5km không chỉ rộng rãi, khang trang mà còn có nhiều bồn hoa, cây xanh hai bên đường như những điểm nhấn về cảnh quan nông thôn mới...        

Nâng cao chất lượng cuộc sống

Đến nay, ở Hòa Vang, không chỉ đường liên xã, liên thôn có hệ thống chiếu sáng mà nhiều tuyến đường, ngõ xóm cũng được lắp điện chiếu sáng từ nguồn kinh phí của nhân dân đóng góp. Tất cả các tuyến đường lớn nhỏ trong huyện đã được xây dựng kiên cố. Hệ thống giao thông phát triển tạo ra nhiều thuận lợi cho nhân dân trong sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.

Ông Nguyễn Văn Tường (thôn Trà Kiểm, xã Hòa Phước) - người nông dân nổi bật về nuôi chim cút quy mô lớn, nhớ lại: Trước kia, đường sá chật hẹp, đi lại khó khăn, ông phải trang trải nhiều chi phí để vận chuyển sản phẩm đến bán tại các chợ, còn nay, với những con đường rộng rãi, bằng phẳng, người dân nơi đây có thể dễ dàng vận chuyển nông sản đến tiêu thụ tại nội thành Đà Nẵng. “Mỗi ngày, tôi chở 500.000 - 700.000 trứng cút ra bán tại chợ đầu mối Hòa Cường (quận Hải Châu) và các điểm giao dịch khác một cách thuận lợi, nhanh chóng”, ông Tường nhấn mạnh. Cùng quan điểm, bà Nguyễn Thị Lý, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Phú cho biết, từ khi có hệ thống đường giao thông thông suốt, Hòa Phú đẩy mạnh xây dựng các thiết chế cơ sở hạ tầng như trường học, trạm y tế, nhà văn hóa cộng đồng, khu vui chơi giải trí, tạo động lực thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt mức tăng bình quân 14,2%/năm. Trong đó, các mô hình trang trại tổng hợp, trồng rừng kết hợp chăn nuôi, sản xuất rau sạch ứng dụng công nghệ cao phát triển mạnh mẽ trên địa bàn xã...

Người dân Hòa Vang cư trú ở các địa phương khác mỗi lần về quê đều không giấu sự ngạc nhiên, xúc động trước sự thay da đổi thịt của quê hương. Nhiều người trong số họ đã đóng góp hàng chục tỷ đồng cho các công trình xây dựng, mở rộng đường giao thông trên mảnh đất chôn nhau cắt rốn. Trước thềm xuân mới Tân Sửu 2021, ông Lê Hữu Bang, quê xã Hòa Phước, hiện ở Thành phố Hồ Chí Minh nhận xét: “Mỗi lần về thăm quê, tôi lại thấy huyện nhà có thêm nhiều công trình mới, đặc biệt, hệ thống hạ tầng giao thông trong toàn huyện ngày càng được xây dựng hoàn thiện và đồng bộ. Nhờ đó, diện mạo nông thôn, môi trường sống chuyển biến rõ rệt, chất lượng cuộc sống người dân được nâng lên đáng kể. Hy vọng rằng, trên nền tảng đó, huyện Hòa Vang sẽ sớm phát triển thành đô thị mang bản sắc riêng nhưng thống nhất, đồng bộ, phù hợp với quy hoạch phát triển chung của thành phố”.   

Nhân dân và cán bộ huyện Hòa Vang đang nỗ lực phấn đấu để hoàn thành các tiêu chí nâng chuẩn nông thôn mới và tiếp tục dốc tâm sức hướng đến những thành quả mới. Theo Bí thư Huyện ủy Phạm Nam Sơn, dẫu còn nhiều việc phải làm để vươn tới những mục tiêu cao hơn, nhưng nhiều vùng đất trên địa bàn huyện đã và đang trở thành những nơi đáng sống.

LÊ VĂN THƠM

;
;
.
.
.
.
.