Giai đoạn 2015-2020, Hội Tù yêu nước thành phố tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực, đạt hiệu quả cao. Trong đó, Hội thường xuyên chăm lo bồi dưỡng chủ nghĩa anh hùng cách mạng và niềm tự hào dân tộc cho thanh, thiếu niên, phối hợp chính quyền, đoàn thể địa phương hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà cho gần 400 hội viên.
Ra mắt Ban Chấp hành Hội Tù yêu nước thành phố nhiệm kỳ 2015-2020. Ảnh: LÊ VĂN THƠM |
Giáo dục truyền thống
Trong nhiệm kỳ qua, Hội thường xuyên tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống, tập trung vào hai lĩnh vực: giáo dục truyền thống cho hội viên và giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Qua những hoạt động này, đội ngũ hội viên tù yêu nước vừa được ôn lại cuộc chiến đấu kiên cường trong tù ngục quân thù và truyền thống anh hùng của quân dân ta trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, vừa được quán triệt tình hình và nhiệm vụ trong giai đoạn mới; qua đó, tăng thêm niềm tin đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Các cấp Hội thường xuyên tổ chức nói chuyện về Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh và phát động toàn Hội thi đua phấn đấu thực hiện Di chúc của Người; tổ chức các chương trình “Về lại chiến trường xưa”; tiến hành nhiều hoạt động uống nước nhớ nguồn như báo công dâng Bác, thắp nến tri ân, dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ... Qua đó, bồi dưỡng cho hội viên tâm nguyện sống xứng đáng với đồng chí, đồng bào đã hy sinh vì Tổ quốc và xứng đáng với quá khứ vẻ vang của chính mình.
Đặc biệt, Hội Tù yêu nước thành phố biên soạn, ấn hành 5 tập hồi ký “Những ngày tù ngục”, đồng thời các Hội quận, huyện, phường, xã cũng biên soạn nhiều hồi ký, kỷ yếu kể lại những kỷ niệm sâu sắc về cuộc đấu tranh trong tù ngục, động viên nhau phát huy tinh thần trung kiên bất khuất trong cuộc sống hôm nay. Toàn Hội hiện có hơn 300 hội viên tham gia công tác địa phương, 100% hội viên luôn gương mẫu thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp; 100% gia đình hội viên hằng năm đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”.
Giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng cho thế hệ trẻ là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong chương trình công tác hằng năm của Hội. Các cấp Hội Tù yêu nước và Đoàn Thanh niên thường xuyên phối hợp tổ chức giao lưu, kể chuyện truyền thống, gặp mặt nhân chứng lịch sử. Chuyện kể của những người tù yêu nước - những chứng nhân lịch sử - làm cho thanh, thiếu niên thấu hiểu cuộc chiến đấu khốc liệt giữa những con người trong tay không một tấc sắt với kẻ thù hung ác có đầy đủ phương tiện tra tấn dã man, hiểu được phẩm chất kiên trung bất khuất của những chiến sĩ cách mạng trước bao cực hình man rợ của kẻ thù.
Những chương trình giao lưu với đoàn viên, thanh niên giúp lớp trẻ thấy lại hình ảnh một thế hệ đầy nhiệt huyết diệt thù cứu nước và hết sức mưu trí, dũng cảm trong cuộc đấu tranh giải phóng đất nước. Cũng từ đó, thế hệ trẻ tỏ rõ sự cảm phục, biết ơn thế hệ cha anh đã chiến đấu không tiếc máu xương để giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc. Những chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày còn kể lại phương pháp tổ chức, hoạt động của các chi bộ, chi đoàn trong lao tù đế quốc năm xưa và liên hệ với công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo hôm nay. Chủ tịch Hội Tù yêu nước thành phố Hoàng Thanh Thụy khẳng định, khi lý tưởng cách mạng và niềm tin thắng lợi tỏa sáng trong tim thì sức mạnh được nhân lên gấp bội. Chính vì vậy, những chiến sĩ bị sa vào tay giặc vẫn đủ sức chiến thắng mọi cực hình man rợ của quân thù.
Tại các buổi kể chuyện truyền thống có cả những đoạn phim, những bài thơ, bài hát và khá nhiều hình ảnh tư liệu về cuộc chiến đấu trong tù ngục quân thù, làm cho lớp trẻ hiểu sâu sắc hơn về sự chiến đấu, hy sinh của bao thế hệ để có nền độc lập, tự do và cuộc sống thanh bình, yên ấm hôm nay. Võ Văn Tuấn, sinh viên Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng) chia sẻ: “Nghe các hội viên tù yêu nước kể lại cuộc chiến đấu trong những năm tháng bị giặc bắt tù đày, tôi rất cảm phục và tự hào về tinh thần dũng cảm, kiên cường của thế hệ cha anh”.
Cán bộ, hội viên Hội Tù yêu nước thành phố đặt vòng hoa tại Nghĩa trang liệt sĩ Phú Quốc trong chuyến thăm nhà tù Phú Quốc vào năm 2019. Ảnh: LÊ VĂN THƠM |
Chăm lo đời sống hội viên
Trong nhiệm kỳ qua, Hội Tù yêu nước thành phố tổ chức nhiều hoạt động nghĩa tình đồng đội và luôn chú trọng vận động các nguồn lực chăm lo đời sống hội viên. Các cấp Hội phối hợp chính quyền, đoàn thể địa phương hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà cho gần 400 hội viên với tổng kinh phí hơn 10 tỷ đồng; tặng quà 100% hội viên vào dịp Tết Nguyên đán và kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ hằng năm; kịp thời hỗ trợ các hội viên đau ốm dài ngày và trao tặng hàng trăm sổ tiết kiệm cho những hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Mỗi năm, Hội phối hợp Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố giải quyết trợ cấp đột xuất cho hơn 500 lượt hội viên bị bệnh hiểm nghèo.
Quỹ Nghĩa tình đồng đội toàn Hội hiện có hơn 1,5 tỷ đồng, cao nhất là quận Ngũ Hành Sơn với 363 triệu đồng. Các quận, huyện Hội đều tổ chức tốt hoạt động thăm đau, viếng tử, hỗ trợ hội viên khó khăn. Riêng Thành Hội trong 5 năm qua trợ cấp 223 lượt hội viên đau ốm, khó khăn với tổng kinh phí 235 triệu đồng. Đồng thời, những hội viên có điều kiện kinh tế luôn nhiệt tình trợ giúp hội viên nghèo khó, tỏa sáng tình đồng đội trong cuộc sống đời thường.
Giai đoạn 2015-2020, Hội tổ chức 8 cuộc hành quân về nguồn, tạo điều kiện cho hội viên xem lại những nơi mình từng bị giam cầm, tra tấn trong các thời kỳ kháng chiến. Đồng thời, Hội phối hợp cơ quan chức năng giải quyết chế độ nghỉ dưỡng cho 450 hội viên. “Chúng tôi luôn chú trọng thắt chặt quan hệ đồng đội giữa đời thường, kịp thời giúp đỡ những hội viên gặp khó khăn, rủi ro, hoạn nạn, thường xuyên giữ gìn truyền thống: Ở trong tù kiên trung, bất khuất/ Ở ngoài đời tình nghĩa thủy chung”, ông Hoàng Thanh Thụy nhấn mạnh.
Hội Tù yêu nước thành phố Đà Nẵng hiện có 7 quận, huyện Hội, 56 Hội cơ sở với tổng số 3.519 hội viên. Trong đó có 5 cán bộ lão thành cách mạng, 7 Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, 8 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 910 đảng viên và hơn 1.000 thương, bệnh binh. |
LÊ VĂN THƠM