KỶ NIỆM 46 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG (29-3-1975 - 29-3-2021)

Phát huy tinh thần tháng Ba lịch sử, xây dựng thành phố Đà Nẵng ngày càng hiện đại, thông minh và đáng sống

.

Nhân dịp kỷ niệm 46 năm ngày Giải phóng thành phố Đà Nẵng, với lòng thành kính, biết ơn các thế hệ tiền bối đi trước, mỗi người chúng ta xúc động nhìn lại bước đường đấu tranh cách mạng lâu dài và oanh liệt mà Đảng bộ và nhân dân Đà Nẵng nói riêng, cả nước nói chung đã vượt qua dưới sự lãnh đạo của Đảng là vô cùng vẻ vang, cao cả, là trang sử vàng chói lọi, là tài sản vô giá cho thế hệ hôm nay và mai sau của thành phố Đà Nẵng.

Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đà Nẵng ra sức thi đua xây dựng thành phố ngày càng phát triển. Ảnh: KIM LIÊN
Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đà Nẵng ra sức thi đua xây dựng thành phố ngày càng phát triển. Ảnh: KIM LIÊN

Đã gần nửa thế kỷ trôi qua, kể từ ngày quê hương được giải phóng vào tháng 3-1975, thành phố Đà Nẵng không ngừng chuyển mình vươn lên với tinh thần mới, khí thế mới, trong bối cảnh mới, với nhiều thời cơ lẫn thách thức trong bối cảnh chung đất nước và thế giới song chúng ta đã cơ bản đáp ứng được mục tiêu “nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành” như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng kỳ vọng. Trong quá trình đó, việc “nhìn lại chính mình” có ý nghĩa vô cùng sâu sắc, giúp chúng ta biết phát huy những giá trị lịch sử và những bài học vô giá của tháng Ba lịch sử, nhất là tinh thần tiến công thần tốc, linh hoạt, tự lực và chắc thắng, được gợi ý từ sự kiện quan trọng này.

Cuộc tổng tiến công và nổi dậy giải phóng Đà Nẵng tháng 3-1975 cho thấy tinh thần chớp lấy thời cơ, chỉ đạo quyết liệt và trí tuệ cao của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt Đặc khu Quảng Đà và Khu ủy Khu 5. Trong những ngày tháng Ba lịch sử ấy, sau khi căn bản giải phóng tỉnh Đắk Lắk vào ngày 10-3, Bộ Chính trị điện cho đồng chí Võ Chí Công - Bí thư Khu 5 vào họp với Bộ Tổng Tư lệnh tiền phương tại Buôn Ma Thuột để bàn phát triển kế hoạch Chiến dịch Xuân 1975. Tuy nhiên trên đường đi vào Đắc Lắk, lúc 11 giờ đêm 18-3-1975, sau nghe tin quân địch ở Huế dao động nặng, số đông nhân dân chạy lánh nạn vào Đà Nẵng, lập tức đồng chí đề nghị Bộ Chính trị cho tấn công giải phóng Đà Nẵng ngay, vì đây chính là một thời cơ cách mạng, không những giải phóng Đà Nẵng nhanh nhất, gọn nhất, ít tổn thất nhất, mà còn là “điểm nút” có tính chiến lược, làm sụp đổ chính quyền Sài Gòn trên khắp miền Nam, đề xuất này đã vượt ra ngoài dự kiến của Bộ Chính trị trước đó.

Sau khi được Bộ Chính trị chấp thuận về chủ trương, để gấp rút triển khai kế hoạch, ngày 21-3-1975, Khu ủy 5 triệu tập phiên họp khẩn cấp, đồng chí Võ Chí Công chỉ đạo: “Thọc thẳng, địch tan rã Đà Nẵng rồi”. Ngày 27-3-1975, đồng chí Võ Chí Công cùng với bộ phận chỉ huy tiền phương của Khu ủy 5 về Quảng Đà, cùng với các đồng chí Hồ Nghinh - Bí thư Đặc khu ủy Quảng Đà để trực tiếp chỉ đạo cuộc tổng tấn công và nổi dậy giải phóng Đà Nẵng. Tại thời điểm đó, đồng chí Võ Chí Công quả quyết rằng: “Tối 29 tiếp cận, sáng 30 đánh và tiến công giải phóng Đà Nẵng”, đây là thời gian dự kiến nhanh nhất của Khu ủy. Tuy nhiên, với tinh thần chớp lấy thời cơ, tiến công thần tốc và chắc thắng, việc giải phóng Đà Nẵng lại sớm hơn dự kiến này ít nhất là một ngày.

Đảng bộ thành phố luôn phát huy truyền thống anh hùng để xây dựng và phát triển Đà Nẵng ngày càng giàu đẹp, an bình, văn minh, hiện đại.  Ảnh: XUÂN SƠN
Đảng bộ thành phố luôn phát huy truyền thống anh hùng để xây dựng và phát triển Đà Nẵng ngày càng giàu đẹp, an bình, văn minh, hiện đại. Ảnh: XUÂN SƠN

Lúc 11 giờ 30 phút ngày 29-3-1975, lá cờ “quyết chiến, quyết thắng” của quân và dân ta đã phất phới tung bay trên nóc Tòa thị chính Đà Nẵng. Từ thực tế lịch sử đó cho thấy, tầm nhìn chiến lược, biết chớp lấy thời cơ, huy động mọi nguồn lực cho những nhiệm vụ trước mắt của người đứng đầu là một bài học điển hình không những trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc mà cả trong xây dựng và phát triển hiện nay.

Hiện nay thành phố Đà Nẵng đang khẩn trương thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025 của Đảng bộ thành phố, trên cơ sở quán triệt và ra sức triển khai thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đây cũng chính là thời cơ và thách thức không nhỏ đối với Đảng bộ và nhân dân thành phố.

Phát huy bài học về phát hiện và tận dụng thời cơ, linh hoạt trong hành động, quyết liệt trong triển khai thực hiện, chúng ta cần tập trung thực hiện một cách bài bản, có kết quả Nghị quyết 119/2020/QH14 của Quốc hội về thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù, nhất là tranh thủ thời cơ về tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền đô thị nhằm huy động cao nhất mọi nguồn lực cho sự phát triển nhanh và bền vững Đà Nẵng.

Đồng thời, trên cơ sở Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hướng đến xây dựng thành phố Đà Nẵng thực sự là trung tâm kinh tế lớn của quốc gia, chúng ta cần vận động toàn diện hệ thống chính trị vào cuộc với tâm thế quyết liệt nhất, khẩn trương nhất theo tinh thần “thần tốc”, “chắc thắng” của tháng Ba lịch sử năm nào.

Để làm được điều đó, mọi cấp ủy Đảng, chính quyền và địa phương cần phát huy hơn nữa tinh thần tự lực, tự cường của mình theo hướng “tỉnh giải phóng tỉnh, huyện giải phóng huyện, xã giải phóng xã” của tháng 3-1975. Còn nhớ, để giải phóng Đà Nẵng, Khu ủy 5 cùng Đặc khu ủy Quảng Đà đã đề xuất Bộ Chính trị chủ trương “bao vây tấn công Đà Nẵng bằng lực lượng tại chỗ”, có sự hỗ trợ của Trung ương. Từ cơ sở đó, quân và dân Quảng Đà đã thực hiện ba yêu cầu: “Phải tiêu diệt và làm tan rã đại bộ phận quân địch; chống âm mưu cưỡng ép dân chạy theo địch; bảo vệ tài sản và trật tự trị an đến mức cao nhất”; “phải huy động lực lượng tại chỗ nổi dậy bao vây, gọi hàng bức rút làm tan rã toàn bộ quân địch đóng trên địa bàn”, mở đường cho quân chủ lực tấn công giải phóng Đà Nẵng với phương châm “táo bạo, bất ngờ, kịp thời, chắc thắng”.

Chính chủ trương “huyện giải phóng huyện, xã giải phóng xã” đã phát huy cao nhất tính chủ động, tự lực tự cường của mỗi địa phương, đơn vị, là một mẫu mực về sự kết hợp giữa biết chớp thời cơ, nhận thức rõ tình hình và phát huy tinh thần tự chủ, sức mạnh nội lực của từng cấp địa phương, để hoàn thành mục tiêu đề ra. Đây có lẽ cũng là một bài học quý cho Đảng bộ và nhân dân thành phố Đà Nẵng trong việc thực hiện Nghị quyết 43 cũng như Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XXII Đảng bộ thành phố. Bởi lẽ, chỉ có chúng ta hiểu biết rõ nhất tiềm năng, thế mạnh cũng như những trắc trở khó khăn của chính mình, trên cơ sở đó mới động viên các giai tầng xã hội từ mỗi người dân, cán bộ, công chức, đảng viên đến các cấp ủy, người đứng đầu Đảng bộ; từ từng tổ dân phố đến các quận, huyện, xã, phường và các sở, ban, ngành thực hiện những mục tiêu mà Đảng bộ đã đề ra; chỉ có như vậy mới mong phát hiện, xử lý những vướng mắc và đề xuất các cách thức tháo gỡ trong quá trình thực hiện một cách chủ động, kịp thời.

Chiến thắng Đà Nẵng mùa Xuân năm 1975 còn là một thành công lớn của sự kết hợp giữa tiến công và nổi dậy của quần chúng, của thế trận lòng dân. Cần thẳng thắn thừa nhận rằng, trong suốt hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, cội nguồn của sức mạnh ấy chính là nhân dân, chính khát vọng hòa bình, độc lập, thống nhất là kim chỉ nam quy tụ mọi người dân đến với Đảng, với Bác Hồ, để họ hết lòng hy sinh cho cách mạng, cho quê hương, đất nước. Nhân dân đã đùm bọc, chia sẻ các thế hệ cán bộ, đảng viên để xây dựng cơ sở, ra sức chiến đấu và chiến thắng. Chính tinh thần yêu quê hương, đất nước, sẵn sàng hy sinh vì lợi ích chung của cách mạng, của thành phố nên các thế hệ người dân Đà Nẵng sẵn sàng ‘nhà tan cửa nát cũng ừ”, sẵn sàng nhận về mình những  thua thiệt để có được một Đà Nẵng hôm nay, nên cái được lớn nhất của Đà Nẵng hôm nay vẫn là “được lòng dân” ấy!

Trong những ngày tháng Ba lịch sử này, cũng là thời điểm toàn thành phố tập trung thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện mục tiêu “kép” khi cùng với cả nước lo đối phó với Covid-19 gây ảnh hưởng nghiêm trọng và kéo dài; chính trong khó khăn này hơn lúc nào hết, sự sẻ chia, đồng hành, đồng thuận, sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp cùng thành phố là nhân tố quyết định đến sự phát triển của Đà Nẵng trong giai đoạn này. Vì lẽ đó, bài học “được lòng dân” mà các thế hệ đi trước đã từng thực hiện, đúc kết và được phát huy trong thời gian qua luôn là bài học quý giá.

Thiết nghĩ rằng, việc phát huy bài học về lòng dân hiện nay đòi hỏi người đứng đầu các cấp ủy Đảng, tổ chức, địa phương, đơn vị phải thực sự gương mẫu, là trung tâm của sự đoàn kết, là nơi người dân có thể gửi gắm những ý kiến chính đáng và được lắng nghe, đúng như phương châm của Đại hội lần thứ XXII Đảng bộ thành phố đề ra “đoàn kết, kỷ cương, nêu gương, hành động” vì sự phát triển của thành phố. Hơn lúc nào hết, chúng ta cần phát huy hơn nữa tinh thần chớp lấy thời cơ, “thần tốc”, “táo bạo”, “chắc thắng” của những ngày tháng Ba lịch sử năm 1975 để Đà Nẵng phát triển “đi lên nhanh và mạnh hơn, vững chắc hơn” trong thời gian đến. Đó cũng chính là tình cảm, trách nhiệm của chúng ta đối với các thế hệ cha anh đi trước - người người hy sinh quên mình để có được quê hương, đất nước tươi đẹp hôm nay.

NGUYỄN ĐÌNH VĨNH
Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy

;
;
.
.
.
.
.