Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 11, chiều 30-3, với đa số đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi).
Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thuý Anh trình bày Tờ trình Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi). Ảnh: Dương Giang/TTXVN |
Cụ thể, 456 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 95% tổng số đại biểu Quốc hội), trong đó 453 đại biểu tán thành (bằng 94,38% tổng số đại biểu Quốc hội).
Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) gồm 8 chương, 55 điều; quy định về phòng, chống ma túy; quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy; cai nghiện ma túy; trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức trong phòng, chống ma túy; quản lý nhà nước và hợp tác quốc tế về phòng, chống ma túy... Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2022.
Trước đó, việc kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy (Chương III) là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, cho ý kiến tại phiên thảo luận.
Giải trình về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát kỹ lưỡng dự thảo Luật, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan.
Cụ thể, trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ Y tế trong kiểm soát hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy cơ bản được thực hiện theo pháp luật về dược. Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng: Điều 15 quy định nguyên tắc dẫn chiếu pháp luật về dược; các Điều 17, 18, 20 và 21 chỉ quy định những hoạt động, nội dung mà Luật Dược chưa điều chỉnh.
Về trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý Điều 16 của dự thảo Luật để bảo đảm phù hợp với thẩm quyền của Chính phủ và linh hoạt trong quá trình điều hành thực tiễn.
Trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ Công Thương trong việc kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy được thực hiện theo pháp luật về hóa chất; do vậy, xin phép Quốc hội cho giữ quy định như dự thảo Luật.
Liên quan đến việc quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy (Chương IV), Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh chỉ rõ, việc xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể không phải là biện pháp xử lý vi phạm hành chính và là biện pháp duy nhất hiện nay giúp xác định một người có sử dụng ma túy hay không để có biện pháp quản lý phù hợp. Việc xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể được thực hiện theo quy trình chuyên môn và được chỉ định phù hợp với đối tượng được xét nghiệm, loại chất ma túy được xét nghiệm. Trường hợp đối tượng có nhân thân tốt, tuân thủ quá trình theo dõi quản lý sẽ khác với đối tượng có tiền sử phức tạp, nguy cơ cao. Ngoài ra, việc xét nghiệm chất ma túy mới, ma túy tổng hợp sẽ mất thời gian, số lần xét nghiệm có thể nhiều hơn so với các loại ma túy thông thường. Do đó, nếu quy định cứng số lần xét nghiệm trong luật sẽ không bảo đảm tính khả thi, có trường hợp có thể bị lạm dụng nhưng có trường hợp sẽ không đáp ứng yêu cầu xét nghiệm.
Với những lý do nêu trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin phép Quốc hội được giữ như dự thảo Luật và giao Chính phủ quy định chi tiết. Đồng thời, trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu, cân nhắc kỹ để bảo đảm quy định cụ thể, chặt chẽ, phù hợp trong thực tiễn, tránh việc lạm dụng, tùy tiện và lãng phí.
Theo baotintuc.vn