Ký ức ngày chiến thắng tại Côn Đảo

.

Đã 46 năm trôi qua, ông Nguyễn Văn Minh (70 tuổi, trú phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu) vẫn còn nhớ nguyên vẹn ký ức ngày chiến thắng 30-4-1975 tại nhà lao Côn Đảo. Khí thế sôi sục, quyết liệt trong những ngày tháng Tư lịch sử năm xưa như mới vừa diễn ra trước mắt người cựu tù nơi địa ngục trần gian.

Ông Nguyễn Văn Minh (phải) và người bạn cùng là cựu tù Côn Đảo thăm lại nhà lao Côn Đảo năm 2017. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Ông Nguyễn Văn Minh (phải) và người bạn cùng là cựu tù Côn Đảo thăm lại nhà lao Côn Đảo năm 2017. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Ông Minh (quê xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang) nhập ngũ hồi mới 16 tuổi, cùng đồng đội lập nhiều chiến công trên chiến trường Quảng Đà. Năm 1971, ông trở thành cán bộ biệt động cánh tây Đà Nẵng, thường xuyên ra vào thành phố làm nhiệm vụ phát triển lực lượng trong nội thành.

Ngày 23-1-1973, ông bị địch bắt tại khu vực xã Hòa Thọ (nay thuộc phường Hòa Thọ Đông, quân Cẩm Lệ). Dẫu bị quân thù tra tấn dã man nhưng trước sau ông vẫn một lòng trung thành với cách mạng. Ông bị đày ra Côn Đảo ngày 24-7-1973 với mức án 20 năm tù khổ sai.

Ông Minh kể, tại nhà lao Côn Đảo, anh em tù kiên quyết đấu tranh chống lao động khổ sai, yêu cầu cai ngục thực hiện đúng Công ước quốc tế về chế độ tù chính trị, đòi trao trả tù binh theo tinh thần Hiệp định Paris…

Quân thù đàn áp điên cuồng, đánh đập và đối xử với tù nhân hết sức man rợ; nhốt những người mà chúng cho là ngoan cố vào trong các chuồng cọp. Mỗi chuồng cọp chỉ rộng khoảng 2m2, bên trên chằng chịt dây thép gai và mái tôn sắt, suốt ngày nóng hầm hập. Đã vậy, địch còn đổ ớt bột và các chất bẩn gây nóng rát, ngứa ngáy, hôi hám, hết sức khó chịu.

“Tôi cùng anh Phan Quý (cán bộ Tổng đoàn học sinh Đà Nẵng) và anh Phan Xuân Bôi (cán bộ huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) bị giam chung trong một chuồng cọp hàng tháng trời. Ba chúng tôi động viên nhau dù có chết cũng quyết giữ tròn khí tiết người chiến sĩ cách mạng”, ông Minh nhấn mạnh.

Vị nhân chứng lịch sử kể tiếp, từ giữa tháng 3-1975, anh em tù biết được quân ta đang đánh mạnh, Mỹ - ngụy thua chạy ở nhiều nơi. Đến cuối tháng 3-1975, nghe tin Tây Nguyên, Huế và Đà Nẵng được giải phóng, anh em tù vô cùng phấn khởi và càng tin tưởng ngày thắng lợi đang đến gần.

Trong các phòng giam, tù chính trị hát vang những bài ca cách mạng mà nhiều tên cai ngục và trật tự viên vẫn làm lơ. Anh em ta càng thêm tin tưởng ngày toàn thắng đã cận kề. “Chiều 30-4-1975, qua radio của binh sĩ phản chiến, chúng tôi biết được miền Nam đã được giải phóng, liền phá cửa nhà lao, ào ra ngoài, nhanh chóng quản lý các cơ sở, kho tàng, vũ khí, đạn dược của địch và tổ chức lực lượng tự vệ làm nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự”, ông Minh kể.

Sáng 1-5-1975, Đảng ủy nhà lao Côn Đảo thành lập Ban quản lý Côn Đảo, do đồng chí Lê Câu làm trưởng ban. Ông Minh được phân công tham gia lực lượng tự vệ, hăng hái đi tuần tra truy bắt tàn binh địch và bảo vệ trật tự trị an trên vùng đảo vừa sạch bóng quân thù. Tiếp đó, khi bộ đội ta từ đất liền ra, được anh em tù chính trị dẫn đường, truy đuổi và bắt được hàng trăm tên địch lẩn trốn tại các bãi, cồn chung quanh Côn Đảo.

Gần 1 tháng sau, ông Minh cùng hơn 1.000 cựu tù Côn Đảo quê các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên được trở về đất liền. Các chiến sĩ hải quân sử dụng tàu vận tải thu được của địch chở anh em về Đà Nẵng. Chiều 30-5-1975, tàu cập cảng Bạch Đằng (sông Hàn) trong sự chào đón nồng nhiệt của chính quyền, đoàn thể, cơ quan, đơn vị của hàng ngàn đồng đội và người thân. Tất cả cùng reo hò, phấn khởi, vỡ òa trong nỗi vui mừng gia đình đoàn tụ hòa quyện với niềm vui non sông thống nhất.

Sau đại thắng mùa Xuân 1975, ông Minh công tác tại nhiều đơn vị, từng làm Trưởng phòng Xuất nhập khẩu Công ty Xuất nhập khẩu Tổng hợp 1 (Bộ Ngoại thương). Từ khi về hưu (năm 2008), ông tiếp tục tham gia công tác địa phương, hiện đang làm Chủ tịch Hội Tù yêu nước phường Nam Dương (quận Hải Châu).

Nhắc lại kỷ niệm ngày chiến thắng 30-4-1975, ông Nguyễn Văn Minh nhấn mạnh: “Hội viên tù yêu nước không bao giờ quên những ký ức sâu sắc trong cuộc đấu tranh biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng. Chúng tôi thường xuyên động viên nhau phát huy truyền thống trung kiên bất khuất của những chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày giữa cuộc sống đời thường, ra sức phấn đấu phát triển kinh tế gia đình và tích cực tham gia xây dựng quê hương”.

LÊ VĂN THƠM

;
;
.
.
.
.
.