Chính trị - Xã hội

PHÁT TRIỂN DU LỊCH TỪ VĂN HÓA CƠ TU

Cơ hội và thách thức

08:01, 22/04/2021 (GMT+7)

Văn hóa Cơ tu được chọn làm sản phẩm du lịch để thu hút du khách. Tuy nhiên, vấn đề này không dễ thực hiện nếu không có tình yêu cũng như sự thấu hiểu để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc Cơ tu, từ đó góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của thành phố.

Tái hiện tục dựng cây nêu và múa tung tung-da dá của đồng bào Cơ tu tại chương trình “Mùa yêu” tổ chức ở Toom Sara, Khu du lịch Suối Hoa (xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang) vào cuối tháng 3-2021. Ảnh: Ngọc Hà
Tái hiện tục dựng cây nêu và múa tung tung-da dá của đồng bào Cơ tu tại chương trình “Mùa yêu” tổ chức ở Toom Sara, Khu du lịch Suối Hoa (xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang) vào cuối tháng 3-2021. Ảnh: NGỌC HÀ

Những bước đi đầu tiên...

Gần 2 năm kể từ khi chính thức hoạt động vào tháng 10-2019, homestay Alăng Như của anh Đinh Văn Như - người đồng bào Cơ tu (thôn Tà Lang, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang) dần dần được du khách biết đến. Anh Như chia sẻ, tùy theo nhu cầu của du khách, sẽ có chương trình trải nghiệm tương ứng như: thăm làng Cơ tu tìm hiểu về lịch sử, văn hóa của đồng bào; trải nghiệm dệt thổ cẩm, đan lát cùng các nghệ nhân; thưởng thức văn hóa ẩm thực thông qua các món ăn đặc sản của đồng bào (bánh sừng trâu, các loại rau rừng, cá suối...); hòa cùng vũ điệu cồng chiêng truyền thống của người Cơ tu hay trekking các địa điểm hoang dã (suối Vũng Bọt, Khe Đương)...

Homestay Alăng Như ra đời là thí điểm của đề án Phát triển du lịch cộng đồng kết hợp bảo tồn văn hóa cộng đồng người Cơ tu tại thôn Tà Lang và Giàn Bí (xã Hòa Bắc) do UBND huyện Hòa Vang triển khai. Đến thời điểm hiện tại, mô hình này giúp văn hóa của đồng bào Cơ tu được biết đến rộng rãi hơn cũng như tạo việc làm cho đồng bào Cơ tu. “Trước đây, người dân chưa có việc làm ổn định, chỉ đi làm thuê làm mướn, làm nông. Hiện nay, mô hình giải quyết cho khoảng 40 lao động tại địa phương”, anh Như cho biết.

Tuy không phải là người dân bản địa nhưng anh Huỳnh Tấn Pháp, người phát triển mô hình du lịch tại Toom Sara (Suối Hoa, thôn Phú Túc, xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang), khá nặng lòng với văn hóa Cơ tu. Tiếp quản Khu du lịch sinh thái Suối Hoa chưa bao lâu thì bị ảnh hưởng Covid-19 nên trong giai đoạn đó, anh Pháp lặn lội đến các vùng có đồng bào Cơ tu sinh sống tại Tây Giang, Đông Giang (Quảng Nam) tìm hiểu thêm về văn hóa Cơ tu cũng như thuyết phục các nghệ nhân, đồng bào Cơ tu về làm việc tại Toom Sara. Từ đó, từng bước một, anh Pháp cho ra đời sản phẩm văn hóa mang đậm bản sắc nền văn hóa này.

Dưới bàn tay khéo léo của các nghệ nhân Cơ tu, mô hình một ngôi làng Cơ tu truyền thống với 1 nhà Gươl và nhiều nhà Moong xung quanh được phục dựng đầy sức sống. Vào cuối tháng 3 vừa qua, tại Khu du lịch Suối Hoa, trong khuôn khổ chương trình “Mùa yêu”, anh Huỳnh Tấn Pháp và các cộng sự đã mang đến cho du khách những trải nghiệm mới mẻ thông qua tái hiện các phong tục truyền thống của đồng bào Cơ tu như: lễ dựng cây nêu, tục cưới hỏi, tục đi Sim...

Chương trình “Mùa yêu” ở Toom Sara tái hiện tục đi Sim của đồng bào Cơ tu tại xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang.					      Ảnh: NGỌC HÀ
Chương trình “Mùa yêu” ở Toom Sara tái hiện tục đi Sim của đồng bào Cơ tu tại xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang. Ảnh: NGỌC HÀ

Trăn trở về bảo tồn, phát huy văn hóa Cơ tu

Ông Đỗ Thanh Tân, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hòa Vang, người nhiều năm nghiên cứu cũng như đồng hành cùng đồng bào Cơ tu trong bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, thừa nhận làm du lịch từ văn hóa là điều không dễ dàng nhưng đó là cách tốt nhất để bảo tồn bản sắc văn hóa.

Bởi lợi ích kinh tế từ du lịch là động lực thúc đẩy người dân giữ gìn bản sắc văn hóa của mình. Sau khi thu được tiền từ làm du lịch thì chính họ quay trở lại bảo vệ truyền thống văn hóa của cộng đồng mình một cách bền vững; điều dễ thấy trước tiên đó là về trang phục, kiến trúc nhà ở và tiếng nói...

Với Alăng Như, có thời điểm anh từng muốn bỏ cuộc khi chọn đi con đường mà gia đình cho là mạo hiểm này. “Nhưng “cái bụng” tôi thật lòng muốn làm điều gì đó cho đồng bào mình. Tôi muốn cho họ thấy rằng văn hóa truyền thống của làng mình hay lắm, thiên nhiên làng mình đẹp lắm thì người dân nơi khác mới về tham quan; qua đó, kỳ vọng đồng bào bảo tồn văn hóa cũng như không chặt phá cây rừng...

Rồi đây, có thể có nhiều mô hình du lịch tương tự sẽ mọc lên ở làng tôi nhưng tôi chỉ mong khi đã chọn văn hóa làm nền tảng phát triển du lịch thì hãy làm bằng cái tâm, để văn hóa được sống đúng với bản chất vốn có của nó”, Alăng Như trải lòng.

Cùng tâm trạng, anh Huỳnh Tấn Pháp khá băn khoăn về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa Cơ tu thông qua du lịch. Bởi theo anh, nói thì dễ nhưng khi làm rồi mới thấy khó; vì để truyền tải hết cái hay, cái đẹp của văn hóa đồng bào Cơ tu phải làm “cho tới” - nghĩa là đầu tư bài bản, cần nguồn kinh phí khá cao trong khi khách trong nước chưa mặn mà với trải nghiệm văn hóa bản địa. Hơn nữa, đòi hỏi chính đồng bào bản địa phải thiết tha muốn bảo tồn văn hóa của mình mới thổi hồn vào từng điệu múa, từng tiếng cồng chiêng...

“Tôi có ý tưởng để đồng bào Cơ tu sống như cuộc sống vốn có của họ nơi núi rừng, họ dựng nhà, trồng lúa, dệt thổ cẩm, chăn nuôi, đàn hát... ngay trong khu Suối Hoa. Du khách nếu muốn sẽ cùng trải nghiệm cuộc sống thường ngày với họ. Tôi cũng dành một khoảnh đất ở Suối Hoa để trồng lúa, phục vụ cho tái hiện lễ hội mừng lúa mới. Nói chung có rất nhiều điều tôi muốn làm đối với văn hóa Cơ tu nhưng cần nhiều yếu tố hỗ trợ về chủ quan lẫn khách quan”, anh Pháp chia sẻ.

Tiếp tục hỗ trợ mô hình du lịch cộng đồng

Để phát huy các giá trị văn hóa Cơ tu, ông Đỗ Thanh Tân cho biết, huyện Hòa Vang sẽ kế thừa những kết quả đạt được của đề án Xây dựng mô hình du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn văn hóa truyền thống người Cơ tu tại thôn Tà Lang và Giàn Bí (xã Hòa Bắc) và tiếp tục triển khai mô hình du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn văn hóa truyền thống người Cơ tu.

Mục tiêu đưa vùng đồng bào dân tộc Cơ tu ở thôn Tà Lang - Giàn Bí trở thành làng du lịch cộng đồng dân tộc thiểu số, khai thác và quản lý tốt các điều kiện tự nhiên, điều kiện xã hội của bản làng để kinh tế du lịch trở thành kinh tế chủ yếu, tạo điều kiện xóa đói, giảm nghèo, tăng sự hấp dẫn đối với khách du lịch.

Theo Sở Văn hóa và Thể thao thành phố, sau kế hoạch về bảo tồn và phát triển văn hóa cộng đồng người Cơ tu thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2015-2020, sở tiếp tục ban hành kế hoạch triển khai công tác bảo tồn, phát triển văn hóa vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2030.

Trong đó, một số nhiệm vụ cụ thể được đặt ra như: sưu tầm, phục dựng và truyền dạy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào đã hoặc có nguy cơ bị mai một cao (tiếng nói, nghề truyền thống, trình diễn dân gian, phong tục...); sưu tầm, phục hồi và hỗ trợ tổ chức các lớp học truyền dạy một số loại hình nghệ thuật truyền thống, đặc trưng có nguy cơ bị thất truyền (nghệ thuật cồng, chiêng, múa tung tung - da dá).

Đồng thời, hỗ trợ khôi phục, tổ chức các lễ hội truyền thống, đặc trưng của đồng bào dân tộc Cơ tu như: lễ ăn mừng lúa mới (Chaaha roo tơmêê), lễ ăn thề kết nghĩa anh em giữa hai làng người Cơ tu (Pơ-ngoót), lễ ăn mừng được mùa (Bhuối a ví)... bảo đảm tính trung thực của lễ hội truyền thống, đồng thời loại bỏ những hủ tục lạc hậu.

Ông Hà Vỹ, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao thành phố cho biết, các đơn vị sự nghiệp trực thuộc sở sẽ phối hợp có hiệu quả với UBND huyện Hòa Vang tổ chức thực hiện các giải pháp bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc Cơ tu.

Việc triển khai các giải pháp tuân thủ theo nguyên tắc: phát huy tối đa vai trò của đồng bào, Nhà nước hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi, phù hợp để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đặc trưng của cộng đồng người Cơ tu, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của thành phố.

NGỌC HÀ

.