Ngăn chặn chặt phá cây ươi mùa sai quả

.

ĐNO - Hiện nay, cây ươi ở các cánh rừng của huyện Hòa Vang đang mùa sai quả và bay, rụng. Quả ươi có giá trị kinh tế và nhiều công dụng cho sức khỏe người nên có nhiều người vào rừng để thu, nhặt đem về bán. Công tác bảo vệ, chống chặt phá cây ươi để hái quả vì vậy được triển khai nghiêm ngặt.

Các lực lượng chốt chặn bảo vệ nghiêm ngặt rừng ươi mùa sai quả.

Video: HOÀNG HIỆP

Ngày 25-6, Ban Quản lý Rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa (Ban quản lý) cho biết đã tổ chức 10 điểm chốt chặn ngay tại lối vào các cánh rừng ở xã Hòa Bắc, Hòa Phú, Hòa Ninh và có nhiều tổ tuần tra lưu động chống chặt phá cây và bảo vệ quá trình tái sinh tự nhiên các cánh rừng ươi.

Một cây ươi chuyển màu khi sai quả. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Một cây ươi chuyển màu khi sai quả. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Theo đó, đơn vị huy động hơn 40 cán bộ, kiểm lâm viên, bảo vệ rừng chuyên trách cùng 280 hộ dân nhận khoán bảo vệ rừng ở các xã nói trên và thôn Ka Dong, xã Tư, huyện Đông Giang (tỉnh Quảng Nam) tham gia túc trực tại 10 điểm chốt chặn nói trên trong 24 giờ mỗi ngày để bảo vệ các cây ươi phân bố rải rác ở nhiều cánh rừng.

Bên cạnh việc ngăn chặn người vào rừng trái phép, Ban quản lý luân phiên tổ chức tuần tra, kiểm tra tại khu vực có nhiều cây ươi chuẩn bị rụng quả nhằm kịp thời không cho các đối tượng chặt hạ cây để hái quả.

Đồng thời treo nhiều tấm băng-rôn ở các tuyến đường, khu dân cư gần rừng để tuyên truyền chống chặt phá, xâm hại cây ươi.

Các cây ươi sai quả tô điểm các cánh rừng đẹp như tranh. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Các cây ươi sai quả tô điểm vẻ đẹp cho các cánh rừng. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Ban Quản lý đã tổ chức nhiều cuộc họp với các hộ dân nhận khoán bảo vệ rừng để phân công nhiệm vụ, hướng dẫn nội dung, biện pháp bảo vệ cây ươi mùa sai quả.

Phối hợp với Ban nhân dân các thôn Tà Lang, Giàn Bí (xã Hòa Bắc); thôn Phú Túc (xã Hòa Phú), thôn Ka Dong (xã Tư) tổ chức họp dân để tuyên truyền, quán triệt việc không chặt hạ cây ươi để thu hái quả; kịp thời phát hiện và thông tin đến các cơ quan chức năng các trường hợp tổ chức thu gom hạt ươi trái phép để ngăn chặn, xử lý.

Những quả ươi cùng đài hoa bị gió thổi bay hoặc rụng xuống đất sẽ nảy mầm, tái sinh sau những cơn mưa. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Những quả ươi cùng đài hoa bị gió thổi bay hoặc rụng xuống đất sẽ nảy mầm, tái sinh sau những cơn mưa. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Được biết, cây ươi sinh trưởng từ 15-20 năm tuổi mới ra quả và cứ 4 năm mới ra quả một lần. Việc bảo vệ này sẽ giúp cho hàng triệu cây ươi được tái sinh, nảy mầm từ phần lớn quả ươi được tiếp đất ở những khoảng trống trong rừng sau các cơn mưa.

Một điểm chốt chặn được lập trên lối vào rừng ở phía ngoài đèo Mũi Trâu. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Một điểm chốt chặn được lập trên lối vào rừng ở phía ngoài đèo Mũi Trâu. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Trong những ngày qua, lực lượng chốt chặn đã ngăn chặn, đẩy đuổi ra khỏi rừng nhiều nhóm người ở huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế và huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam mang theo tấm bạt (dùng trải hứng quả ươi rụng, phơi quả ươi...), rìu (để chặt hạ cây)…

Lực lượng chốt chặn bảo vệ rừng ươi giáp với Vườn Quốc gia Bạch Mã. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Lực lượng chốt chặn bảo vệ rừng ươi giáp với Vườn Quốc gia Bạch Mã. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Việc chốt chặn, tuần tra bảo vệ, chống chặt hạ cây ươi dự kiến sẽ kết thúc vào giữa tháng 7-2021, khi quả ươi trên cây ở các cánh rừng bị gió thổi bay hoặc rụng hết.

HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.