Trao 'cần câu' cho người sau cai nghiện

.

Những năm gần đây, nhiều địa phương triển khai tìm hiểu cụ thể nhu cầu, khả năng cũng như điều kiện của người sau cai nghiện để bảo đảm tất cả được hỗ trợ hiệu quả.

Học viên ở Cơ sở xã hội Bầu Bàng được học nghề làm giày để khi hoàn thành chương trình cai nghiện có thể sống được với nghề. 					          Ảnh: T.S
Học viên ở Cơ sở xã hội Bầu Bàng được học nghề làm giày để khi hoàn thành chương trình cai nghiện có thể sống được với nghề. Ảnh: T.S

Sau khi đi cai nghiện tập trung ở Cơ sở xã hội Bầu Bàng, năm 2018, T.T.Đ (trú quận Liên Chiểu) là một trong những người được UBND quận trao tiền hỗ trợ để cải thiện kinh tế gia đình. Thế nhưng, do không có kinh nghiệm nên chỉ hơn 2 tháng kinh doanh cà phê, Đ. thất bại. Rất may, đó là câu chuyện quá khứ. UBND phường Hòa Khánh Bắc đã tư vấn, động viên và giới thiệu Đ. làm bảo vệ ở công ty gần nhà, hỗ trợ vốn để vợ Đ. mở tiệm tạp hóa. Cuộc sống của gia đình Đ. ngày càng ổn định.

Trường hợp của T.P ở thôn An Ngãi Tây 2, thôn Hòa Sơn (huyện Hòa Vang) cũng là một ví dụ điển hình về việc trao nhầm “cần câu” cho người sau cai. Sau 12 tháng cai nghiện tại Cơ sở xã hội Bầu Bàng, trở về nhà, T.P được gia đình tạo điều kiện để mở quán bán cà phê. Tuy nhiên, chỉ sau ba tháng, T.P không chỉ hết vốn mà còn tái nghiện. Sau đợt cai nghiện lần thứ hai trở về, T.P được chính quyền địa phương đến động viên, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng và thống nhất hỗ trợ em kinh phí nuôi gà và heo tại nhà. Bây giờ đàn heo của T.P có 10 con, đàn gà cũng lên đến 200 con.

Chia sẻ về công việc và cuộc sống hiện tại, T.P nói: “Em thật may mắn khi được gia đình và cả chính quyền địa phương giúp đỡ. Gần đây do ảnh hưởng dịch bệnh, thu nhập có giảm chút ít. Tuy nhiên, em vẫn mừng khi mình có công việc ổn định, đúng sở thích và khả năng, xa lánh hoàn toàn quá khứ nghiện ngập”.

Đánh giá về việc trao “cần câu” cho người sau cai ở thành phố trong những năm qua, ông Ngô Quang Sang, Phó Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội thành phố cho rằng, ban đầu, ở một số địa phương, công tác này chưa phát huy hiệu quả như mong đợi. Bởi hầu hết đều có chung suy nghĩ, giúp người sau cai có được “cần câu” để họ tự mưu sinh thì họ sẽ xa rời cám dỗ của ma túy.

Thế nhưng, không ít trường hợp, do chưa tìm hiểu thật kỹ nguyện vọng của người sau cai, điều kiện, môi trường sống của họ nên những chiếc “cần câu” chưa thực sự phù hợp. Sau thời gian trao nhầm “cần câu”, các địa phương đã có sự thay đổi. Theo đó, đại diện chính quyền địa phương làm việc với từng cá nhân, lắng nghe mong muốn của từng đối tượng, trên cơ sở đó, chính quyền cân nhắc nguyện vọng, khả năng của người sau cai, từ đó tư vấn để họ chọn công việc phù hợp.

Hỗ trợ theo quy trình chặt chẽ

Ông Trần Ngọc Dương, Phó phòng Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) quận Hải Châu cho biết, khoảng 5 năm trở lại đây, việc hỗ trợ người sau cai được quận thực hiện chặt chẽ, phù hợp khả năng, điều kiện của từng trường hợp nên mang lại hiệu quả cao. Trước hết, những người sau cai phải chứng minh với chính quyền địa phương về sự tiến bộ (test nhanh ma túy không bị dương tính, không gây rối trật tự...) thì mới được UBND quận hỗ trợ. Trên cơ sở này, các cán bộ chuyên trách sẽ đến làm việc với từng trường hợp cụ thể để bàn cách mưu sinh hiệu quả nhất. Ngoài ra, thông qua việc giới thiệu của chính quyền địa phương và các hội, đoàn thể, một số các cơ sở sản xuất kinh doanh đã đồng ý tiếp nhận người sau cai vào làm việc. Tuy nhiên, việc người sau cai làm nghề gì, tại đơn vị nào... đều có sự bàn bạc, tư vấn của cán bộ chuyên trách ở địa bàn để bảo đảm phù hợp với khả năng của từng người.

Nhận xét về công tác tìm cách thức hỗ trợ phù hợp cho người sau cai, một cán bộ chuyên trách lĩnh vực tệ nạn xã hội của quận Cẩm Lệ cho rằng, đây là công việc đòi hỏi sự chịu khó và kiên trì của cán bộ chuyên trách cấp phường và tổ dân phố. Trên thực tế, nguồn kinh phí hỗ trợ người sau cai không đáp ứng được tất cả mọi người. Vì vậy, phải có sự sâu sát, công tâm của các bộ địa bàn để chọn ra người thực sự quyết tâm từ bỏ ma túy, chí thú làm việc. Từ đó, bảo đảm việc hỗ trợ đúng đối tượng. Không những vậy, trong thời gian đầu “khởi nghiệp”, những người sau cai thường rất lúng túng, thậm chí tự ti, mặc cảm.

Vì vậy, các cán bộ chuyên trách, các hội, đoàn thể, tổ dân phố phải thường xuyên lui tới động viên, giúp đỡ để họ vượt qua khó khăn. Thực tế tại quận đã có trường hợp chị H.T.M (phường Hòa Thọ Tây), sau khi được hỗ trợ kinh phí, chị mở quán cà phê nhỏ tại nhà, để động viên chị, thời gian đầu khách của quán toàn là cán bộ của phường, các hội, đoàn thể ở quận... Bây giờ, quán đã hoạt động hơn 2 năm, không chỉ mang lại thu nhập tốt cho bản thân chị mà còn tạo việc làm cho 2 người bạn của chị M, vốn quen nhau trong thời gian cai nghiện.

Để giúp người sau cai có việc làm ổn định, hòa nhập tốt cộng đồng và tránh tình trạng “nhàn cư vi bất thiện”, những năm qua thành phố triển khai nhiều chính sách hỗ trợ bằng tiền, học nghề, giới thiệu việc làm... Đặc biệt trong 5 năm trở lại đây, trung bình mỗi năm thành phố có khoảng 250-300 người sau cai được các địa phương hỗ trợ tái hòa nhập tốt với cộng đồng.

Người sau cai cắt đứt hoàn toàn với ma túy, hòa nhập tốt với cộng đồng chưa bao giờ là điều đơn giản mà đòi hỏi rất nhiều sự nỗ lực từ chính họ và cả sự chung tay của toàn xã hội. Tuy nhiên, hy vọng rằng, việc trao hỗ trợ sinh kế phù hợp với từng người cũng như thường xuyên động viên, giám sát sẽ là liều thuốc đủ mạnh để giúp họ đoạn tuyệt với “cái chết trắng”, sống hòa nhập tích cực vào cộng đồng.

THANH VÂN

;
;
.
.
.
.
.