Chính trị - Xã hội

Hiệu quả hội nghị, họp trực tuyến

08:51, 27/07/2021 (GMT+7)

Từ đầu năm đến nay, thành phố đã thực hiện 162 cuộc họp, hội nghị trực tuyến, kết nối với điểm cầu chính ở Trung ương, từ thành phố với 7 quận, huyện; 56 phường, xã và nhiều cơ quan, đơn vị. Đây là phương thức làm việc hiện đại, không chỉ phù hợp với điều kiện dịch bệnh như hiện nay mà nội dung được truyền đạt nhanh chóng, đối tượng mở rộng, tiết kiệm thời gian, chi phí.

Ban Thường vụ Thành ủy tổ chức hội nghị trực tuyến thông báo kết quả Hội nghị lần thứ 3,  Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Ảnh: NGỌC PHÚ
Ban Thường vụ Thành ủy tổ chức hội nghị trực tuyến thông báo kết quả Hội nghị lần thứ 3, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Ảnh: NGỌC PHÚ

Họp trực tuyến ngày càng phổ biến

Cuối tháng 4-2021, Covid-19 có dấu hiệu bùng phát trở lại. Ngay sau đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố phát đi thông báo sẽ tổ chức các buổi tiếp xúc vận động tranh cử giữa người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND thành phố nhiệm kỳ 2021-2026 với cử tri bằng hình thức trực tuyến. Đây là hình thức hoàn toàn mới, lần đầu tiên áp dụng trong công tác bầu cử. Theo đánh giá của cử tri ở nhiều địa phương, hình thức tiếp xúc trực tuyến vẫn bảo đảm tương tác hai chiều giữa cử tri với ứng cử viên.

Theo ông Dương Đình Liễu, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố, UBND thành phố đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng phương án, bố trí trang thiết bị, kỹ thuật bảo đảm tín hiệu đường truyền được kết nối đến các điểm cầu, từ điểm cầu chính đến cơ sở an toàn và thông suốt.

Ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, sở phải huy động nhân lực, trang thiết bị từ nhiều nguồn khác nhau và xây dựng phương án triển khai khoa học, hợp lý để bảo đảm kỹ thuật phục vụ cho 131 đầu cầu nhánh và 23 điểm cầu chính để tổ chức các hội nghị tiếp xúc cử tri trực tuyến.

“Đây là công việc mới, chưa có tiền lệ, thời gian thực hiện ngắn, phạm vi triển khai rộng, nguồn lực hiện có chưa bảo đảm, song chúng ta đã làm rất thành công”, ông Thanh nói.

Hiện nay, hạ tầng công nghệ viễn thông của thành phố là hạ tầng số và điện toán đám mây, bảo đảm kết nối truyền dẫn và năng lực xử lý, tính toán lưu trữ, năng lực tính toán và dung lượng lưu trữ phục vụ xây dựng chính quyền đô thị và đang được nâng cấp, mở rộng để triển khai các ứng dụng thành phố thông minh.

Theo ông Nguyễn Quang Thanh, thành phố có hạ tầng công nghệ kết nối mạng đô thị đến 145 đơn vị gồm UBND thành phố, các sở, ban, ngành, quận, huyện và 56 phường, xã, các cơ quan Đảng thuộc Thành ủy và các quận, huyện ủy, bảo đảm tổ chức, kết nối các hội nghị trực tuyến với mức độ tập trung cao, quy mô lớn.

“Chuyển đổi số là việc ứng dụng công nghệ mới, thay đổi mô hình quản trị, dựa trên các nền tảng, trong đó có các hội nghị truyền hình trực tuyến. Việc thành phố chủ động triển khai nền tảng này và một số nền tảng chính quyền điện tử cho thấy Đà Nẵng chủ động trong tâm thế “số”, thay đổi “số” để đáp ứng trong các tình huống khẩn cấp”, ông Thanh chia sẻ.

Có thể nói, hình thức họp trực tuyến phát huy hiệu quả trong việc nâng cao chất lượng cuộc họp, công tác chỉ đạo kịp thời, trực tiếp đến cơ sở, giảm việc tiếp xúc trực tiếp, hạn chế di chuyển. Trong bối cảnh dịch bệnh, việc họp trực tuyến trong công tác lãnh đạo, điều hành phát huy hiệu quả tối đa, giúp UBND thành phố và các sở, ngành, địa phương điều hành rất nhanh chóng, thuận lợi.

Đây là phương thức mới, hiệu quả cao, vừa bảo đảm công tác giãn cách phòng, chống Covid-19, đồng thời phù hợp xu thế thời đại, nhất là khi Đà Nẵng hướng đến chính quyền điện tử. Các hội nghị trực tuyến sẽ được phát huy trong tương lai, kể cả khi không còn dịch bệnh.

Tác động đến các báo cáo viên

Thông qua các cuộc họp, hội nghị được tổ chức trực tuyến, các thông tin nghị quyết, chỉ thị, tổng kết... về cơ bản được báo cáo đầy đủ đến người tham dự. Điều này đặt ra yêu cầu các báo cáo viên, tuyên truyền viên trước khi thực hiện báo cáo, nói chuyện chuyên đề phải nghiên cứu sâu nội dung, đề cập đến những vấn đề phù hợp với thực tiễn của địa phương, đơn vị đó.

Bà Hoàng Giang Yên Thủy, Trưởng ban Tuyên giáo Quận  ủy Hải Châu chia sẻ: “Thực ra hội nghị trực tuyến có nhiều ưu điểm nhưng cũng có khó khăn, vì nghị quyết cần được quán triệt theo đối tượng đảng viên, người nghe khác nhau, nên sau hội nghị trực tuyến, báo cáo viên cần phân loại đối tượng để dễ dàng truyền tải nội dung, thời lượng phù hợp, tránh lan man, dài dòng, dẫn đến thiếu sự thu hút, làm người nghe nhàm chán”.

Ông Lê Văn Hùng Vương, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Hòa Vang nhấn mạnh đến lợi ích của các hội nghị trực tuyến, khi các đảng viên, cán bộ, công chức dự họp nắm được thông tin nhanh, chính xác.

“Nếu trước đây mỗi nghị quyết khi triển khai theo từng cấp mất thời gian khoảng 2 tháng, thì nay chỉ cần một buổi. Các báo cáo viên được mời đi nói chuyện chỉ cần đề cập đến một số nội dung cơ bản trong nghị quyết đó, còn lại sẽ đề cập đến các vấn đề của địa phương khi triển khai nghị quyết. Báo cáo viên nói được nhiều hơn, đi sâu vào từng vấn đề, cụ thể hóa công việc cần làm ở địa phương”, ông Vương cho biết.

Theo ông Phạm Quý, nguyên Trưởng ban Dân dận Thành ủy, hiện nay báo cáo viên cần kiến thức rộng, tư duy tổng hợp. Khi báo cáo phải chọn các vấn đề khác nhau, phải trăn trở, suy nghĩ về nó, chọn nói cái gì trong thời gian ngắn.

“Cán bộ, đảng viên học nghị quyết trực tuyến là phương án tối ưu, ai cũng nắm được nội dung căn bản. Do đó, báo cáo viên phải nghiên cứu sâu, kỹ tài liệu về các luật hay nghị quyết, chương trình hành động… gắn với từng địa phương, đơn vị thì bài nói chuyện mới bảo đảm hay, đúng, hấp dẫn”, ông Quý chia sẻ.

Từ năm 2020 đến tháng 7-2021, thành phố tổ chức 315 cuộc họp trực tuyến, bao gồm cuộc họp giao ban, chỉ đạo điều hành, hội nghị chuyên đề, họp điều hành chỉ đạo chống Covid-19 và các hội nghị trực tuyến với các đối tác quốc tế của thành phố và các sở, ban, ngành, địa phương. Trong đó có 4 hội nghị trực tuyến quán triệt, triển khai học tập nghị quyết cho đảng viên trên địa bàn thành phố với 70 điểm cầu/lần, có khoảng 12.000 người/lần họp.

HOÀNG NHUNG

.