Kỷ niệm 76 năm ngày Cách mạng Tháng Tám thành công (19-8-1945 - 19-8-2021)

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Đà Nẵng và một số bài học về phòng, chống Covid-19

.

ĐNO - Trên địa bàn thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương ngày nay, khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã diễn ra ở nhiều thời điểm khác nhau. Sớm nhất là khởi nghĩa giành chính quyền ở huyện Hòa Vang đương thời thuộc tỉnh Quảng Nam.

Hình ảnh các đồng chí trong Ban bạo động khởi nghĩa giành chính quyền tại Quảng Nam - Đà Nẵng năm 1945 được trưng bày tại Bảo tàng Đà Nẵng. Người đứng giữa là ông Lê Văn Hiến. Ảnh tư liệu
Hình ảnh các đồng chí trong Ban bạo động khởi nghĩa giành chính quyền tại Quảng Nam - Đà Nẵng năm 1945 được trưng bày tại Bảo tàng Đà Nẵng. Người đứng giữa là ông Lê Văn Hiến. Ảnh tư liệu

Sự kiện trước tiên diễn ra tại tổng An Phước (nay là ba xã Hòa Khương, Hòa Phong và Hòa Phú) vào sáng ngày 16-8-1945. Một cuộc mít-tinh được tổ chức tại sân vận động Cẩm Toại và chuyển thành cuộc biểu tình thị uy của hàng nghìn quần chúng cách mạng, lần lượt kéo đến từng xã trong tổng để tuyên bố thành lập ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời.

Thắng lợi của khởi nghĩa giành chính quyền ở tổng An Phước đã góp phần đưa tỉnh Quảng Nam thành một trong bốn tỉnh khởi nghĩa sớm nhất nước ta (Quảng Nam, Bắc Giang, Hải Dương, Hà Tĩnh). Tổng Phước Tường là tổng cuối cùng của huyện Hòa Vang khởi nghĩa giành được chính quyền vào ngày 21-8-1945.

Điều đáng nói là Ủy ban Bạo động huyện Hòa Vang đã tiến hành việc giành chính quyền ở huyện đường là trung tâm đầu não của chính quyền thân Nhật (địa điểm là trường Tiểu học Nguyễn Du phường Hòa Thuận Đông quận Hải Châu ngày nay) theo một cách khác hẳn với cách đã làm ở các tổng/xã trong huyện.

Huyện đường Hòa Vang nằm sát thành phố Đà Nẵng, nơi đang có khoảng 5.000 quân Nhật đồn trú chờ giải giáp. Lực lượng ta nắm được tin Tri huyện Hòa Vang Ngô Khắc Trâm [1] có ý trông chờ đại diện Việt Minh đến để bàn giao chính quyền, sáng sớm ngày 22-8-1945, Ủy ban Bạo động huyện đã cử người vào huyện đường gặp Tri huyện Ngô Khắc Trâm.

Nhờ vậy việc giành chính quyền cấp huyện ở Hòa Vang diễn ra rất êm thấm, thực hiện thành công “mục tiêu kép”, vừa giành được chính quyền về tay nhân dân vừa không để quân đội Nhật tạo cớ can thiệp dẫn tới khả năng gây thương vong không cần thiết [2].

Ngày 24-8-1945, Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời huyện Hòa Vang đã chính thức ra mắt đồng bào tại sân vận động Cẩm Toại. 

Đối với thành phố Đà Nẵng là căn cứ quân sự lớn thứ hai của Nhật Bản ở Trung Kỳ (sau Cam Ranh), việc thực hiện “mục tiêu kép” vừa nêu còn khó khăn hơn. Để đổi lại việc quân Nhật chịu án binh bất động theo yêu cầu của Tư lệnh quân đội Nhật tại Đà Nẵng trong cuộc thương thuyết ngày 21-8-1945 qua trung gian của Đốc lý Đà Nẵng Nguyễn Khoa Phong, Trưởng ban Bạo động thành phố Thái Phiên Lê Văn Hiến phải tức tốc vào tận nơi để trao đổi thống nhất với Việt Minh Quảng Ngãi.

Lãnh đạo thành phố đã hai lần quyết định “không chờ”. Trước hết là ngoại ô “không chờ” nội thành, nơi nào ở khu Đông hay khu Tây có điều kiện thì cứ tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền. Do vậy, ngày 22-8-1945, xã Mỹ Khê ở khu Đông và các xã Thanh Khê, Hà Khê, An Khê… ở khu Tây đã tranh thủ thời cơ giành được chính quyền rất thuận lợi.

Từ việc đánh giá tình hình ở Hòa Vang cũng như ở khu Đông và khu Tây, Ủy ban Bạo động thành phố Thái Phiên quyết định sẽ tiến hành khởi nghĩa vào ngày 23-8-1945, nhưng sau đó phải hoãn lại vì Trưởng ban Lê Văn Hiến đi Quảng Ngãi vẫn chưa về kịp.

Xử lý tình huống này như thế nào cho thật tối ưu cũng là một câu hỏi đặt ra đối với Phó Trưởng ban Thường trực Huỳnh Ngọc Huệ cùng các thành viên của Ủy ban Bạo động thành phố Thái Phiên. Phương án được quyết định vào đêm 25-8-1945 là “không chờ”, không thể chần chừ hơn nữa mà phải khởi sự ngay sáng hôm, nếu không sẽ có khả năng đánh mất thời cơ đang đến rất gần. Khi Ủy ban Bạo động đương còn họp, Trưởng ban Lê Văn Hiến đã kịp trở về cùng dự họp.

8 giờ sáng ngày 26-8-1945, khi tiếng còi tầm thành phố vừa cất lên, tất cả các cơ sở, nhà máy đều bị các toán Việt Minh đột nhập, chiếm lĩnh, treo cờ, giăng biểu ngữ, tập hợp công nhân, viên chức đọc lệnh khởi nghĩa, tuyên bố xóa bỏ chính quyền điều hành cũ, thiết lập trật tự mới của cách mạng. Đến 9 giờ sáng, cờ đỏ sao vàng treo ngập khắp thành phố báo tin mảnh đất “nhượng địa” từ đây trở về với Tổ quốc Việt Nam độc lập.

Có thể nói đấy là những quyết định rất đúng đắn và sáng suốt của lãnh đạo thành phố Thái Phiên trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã gợi ý cho hậu thế nhiều bài học kinh nghiệm đáng trân quý.

Từ khi đại dịch Covid-19 hoành hành ở nước ta cũng như trên toàn thế giới, người Đà Nẵng đã hai lần kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ngay trong lúc phải căng mình “chống dịch như chống giặc”.

Ôn cố tri tân, càng nhớ lại và suy ngẫm về cách nghĩ cách làm đầy sáng tạo, về những bài học kinh nghiệm mang tính đột phá vì lợi ích chung của cha ông xưa, người Đà Nẵng càng tự tin vào sức mình qua mấy đợt chống bùng phát dịch bệnh.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng (ngoài cùng, bên trái) kiểm tra thực tế công tác phòng, chống dịch tại quận Liên Chiểu, chiều 1-8. Ảnh: LÊ HÙNG
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng (bìa trái) kiểm tra thực tế công tác phòng, chống dịch tại quận Liên Chiểu, chiều 1-8-2021. Ảnh: LÊ HÙNG

Đứng trước yêu cầu phải khẩn trương truy vết người có nguy cơ lây nhiễm, từ đó khoanh vùng, sàng lọc, cách ly… để nhanh chóng kiểm soát được nguồn lây, đòi hỏi việc xét nghiệm phải được tiến hành một cách có hiệu quả nhất, từ cuối tháng 7 đầu tháng 8 năm 2020, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Đà Nẵng là đơn vị đầu tiên trong cả nước triển khai thành công việc xét nghiệm mẫu gộp. 

Kế thừa bài học “để đời” từ các thế hệ lãnh đạo ưu tú của chính quyền cách mạng trong và sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Đà Nẵng là chỉ có thể tạo được sự đồng thuận của người dân khi chính quyền thực sự vì dân, biết chăm lo cho dân, biết lắng nghe dân, ngày 30 tháng 7 vừa qua, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TU về tăng cường một số biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, đặc biệt thể hiện rất rõ tinh thần Cách mạng Tháng Tám qua các giải pháp:

“Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện thật tốt công tác an sinh xã hội; bảo đảm cung ứng kịp thời, đầy đủ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân, nhất là ở khu phong tỏa, cách ly, người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn; nắm chắc tình hình, xử lý nhanh, không để bất cứ người dân nào thiếu ăn; xem xét trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy Đảng, các cơ quan, địa phương nếu để xảy ra những tình trạng này.

Đẩy nhanh việc hỗ trợ cho đối tượng bị ảnh hưởng dịch bệnh, nhất là cho người lao động bị mất việc làm, người lao động tự do, người có hoàn cảnh khó khăn theo chủ trương của Trung ương và thành phố, trong đó cần rút ngắn thời gian, đơn giản hóa thủ tục hành chính, với tinh thần rõ đối tượng đến đâu thì hỗ trợ ngay đến đó”.

Biết sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm, biết truyền cảm hứng từ các thông điệp thấm đẫm tinh thần Cách mạng Tháng Tám và biết lan tỏa quyết tâm chính trị từ những người đứng đầu thành phố, chắc chắn Đà Nẵng sẽ đủ sức vượt qua thách thức trong công cuộc ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh, sớm đưa thành phố về trạng thái bình thường mới.

BÙI VĂN TIẾNG

[1] Xem Bùi Văn Tiếng, Một dấu son Tháng Tám, Báo Đà Nẵng điện tử ngày 19-8-2018.

[2] Xem Lịch sử Đà Nẵng (1858-1945), TS. Ngô Văn Minh (chủ biên), Nxb Đà Nẵng, 2007, trang 295, 296.

;
;
.
.
.
.
.