Nhiều mô hình, sáng kiến phân loại rác tại nguồn

.

Các hội, đoàn thể, địa phương đã có những mô hình hay, sáng tạo để góp phần giải quyết khó khăn trong thu gom rác thải tái chế, thúc đẩy phong trào phân loại rác trong khu dân cư và cộng đồng.

Nhiều chi hội phụ nữ ở huyện Hòa Vang triển khai mô hình “Mái nhà xanh” thu gom rác tái chế thúc đẩy phân loại rác tại hộ gia đình. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Nhiều chi hội phụ nữ ở huyện Hòa Vang triển khai mô hình “Mái nhà xanh” thu gom rác tái chế thúc đẩy phân loại rác tại hộ gia đình. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Từ năm 2019, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) thành phố và một số địa phương đã phối hợp lắp đặt những lồng sắt hình hộp chữ nhật đặt trên vỉa hè các tuyến đường, để người đi đường thuận tiện bỏ vỏ chai nhựa, vỏ lon bia, nước ngọt vào. Từ mô hình này, các cấp hội phụ nữ và địa phương đã nghiên cứu những cách làm phù hợp, vừa thu gom các loại rác tái chế, vừa thuận tiện cho các hộ gia đình sử dụng, nhất là trong thời gian hạn chế tiếp xúc gần để bảo đảm công tác phòng, chống Covid-19.

Điển hình, từ tháng 3-2021, Hội LHPN phường An Khê (quận Thanh Khê) triển khai thí điểm mô hình “chai xanh yêu thương” thu gom rác tái chế thí điểm tại 2 khu vực dân cư An Xuân và Đông Xuân. Hai chi hội phụ nữ đã chế tạo một một lồng sắt và lưới thép hình dạng một cái chai lớn rồi đặt ở vị trí thuận lợi trong khu dân cư để người dân thuận tiện đem các loại rác tái chế như: vỏ lon bia, chai nhựa, các loại giấy... sau khi phân loại rác tại gia đình ra bỏ vào.

Định kỳ hằng tuần, chi hội phụ nữ mở “chai xanh yêu thương” ra lấy các loại rác tái chế đem bán phế liệu. Số tiền thu được dùng làm quỹ hỗ trợ phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Mô hình này đã được nhân rộng ra 4 khu dân cư khác với gần 10 “chai xanh yêu thương”, trở thành những địa điểm tập kết rác tái chế sau phân loại rác tại nguồn của các khu dân cư này.

Bà Hoàng Thị Sơn (trú khu dân cư Tân Hòa, phường An Khê) cho biết: “Trước đây, cứ đến ngày đã định thì các hội viên phụ nữ mang các loại rác tái chế sau phân loại tại gia đình ra để được thu gom mà không có địa điểm cố định. Sau khi đặt “chai xanh yêu thương” ở khu dân cư, các chị em cứ đem rác tái chế ra bỏ vào bất cứ khi nào. Hơn nữa, nhiều người đi đường có chai nước, vỏ lon... cũng thuận tay bỏ vào”.

Tương tự mô hình trên, các khu dân cư trên địa bàn phường Hòa Cường Bắc (quận Hải Châu) đã lắp đặt 40 lồng có kết cấu khung sắt và lưới thép ở các vị trí thuận lợi. 35 chi hội phụ nữ trên địa bàn huyện Hòa Vang đã thực hiện hàng chục mô hình “mái nhà xanh” với kết cấu lồng sắt có mái che mưa vừa thu gom rác tái chế sau khi phân loại rác tại các hộ gia đình, vừa gây quỹ hỗ trợ cho hội viên phụ nữ, học sinh nghèo...

Theo Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường), để phục vụ thu gom rác tái chế và thúc đẩy công tác phân loại rác tại nguồn, thời gian qua, đơn vị đã mua sắm và bố trí cho các quận, huyện nhiều trang thiết bị, dụng cụ như: 256.100 túi đựng rác tái chế dành cho hộ gia đình; 714 thùng đựng rác có 2 ngăn trên các tuyến đường chính; 330 thùng đựng rác có 3 ngăn phục vụ phân loại rác tại các cơ quan; 123 xe thu gom rác tái chế tại các khu dân cư...

Sau hơn 2 năm thực hiện phân loại rác tại nguồn, dù gặp khó khăn, nhất là những tác động bất lợi của Covid-19, các quận, huyện vẫn quan tâm chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện phân loại rác tại nguồn. Theo đó, giao các hội, đoàn thể tại từng địa bàn khu dân cư triển khai hướng dẫn phân loại, thu gom rác tái chế sau phân loại. Đến nay đã hình thành những mô hình, hoạt động với sự tham gia tích cực của cộng đồng dân cư, bước đầu tạo sức lan tỏa nhanh và đạt hiệu quả nhất định.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Nguyễn Thị Kim Hà cho rằng: “Trong quá trình thực hiện phân loại rác tại nguồn, đã xuất hiện nhiều mô hình, sáng kiến tốt của các hội, đoàn thể và địa phương. Trong đó, các mô hình, sáng kiến về thu gom, tập kết rác tái chế của các hội, đoàn thể, địa phương thúc đẩy phong trào phân loại rác tại nguồn. Vì thế, các mô hình này cần được duy trì và nhân rộng”.

Trong năm 2021, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp xây dựng, công bố quy trình chi tiết thực hiện thu gom rác sau khi phân loại theo từng phường, xã. Bên cạnh đó, hợp tác với các tổ chức trong và ngoài nước tiến hành nghiên cứu, triển khai các mô hình nhằm thúc đẩy phân loại rác tại nguồn trên địa bàn thành phố.

HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích