Cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao

.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Đại học (ĐH) Đà Nẵng lần thứ VI, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra nhiệm vụ xây dựng ĐH Đà Nẵng trở thành một trong ba trung tâm đào tạo, nghiên cứu, phát triển công nghệ hàng đầu cả nước để cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, phù hợp yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và trình độ phát triển khoa học, công nghệ của thế giới.

Sinh viên ngành Kỹ thuật ô-tô thuộc Khoa Cơ khí giao thông, Trường Đại học Bách khoa trong buổi học thực tế. (Ảnh chụp tháng 3-2021)             Ảnh: NGỌC HÀ
Sinh viên ngành Kỹ thuật ô-tô thuộc Khoa Cơ khí giao thông, Trường Đại học Bách khoa trong buổi học thực tế. (Ảnh chụp tháng 3-2021). Ảnh: NGỌC HÀ

Triển khai nghị quyết này, các trường thành viên ĐH Đà Nẵng chủ động lên kế hoạch đào tạo các ngành nghề đáp ứng nhu cầu thực tiễn, theo kịp xu hướng phát triển công nghệ 4.0. Trường ĐH Công nghệ thông tin và truyền thông Việt - Hàn (VKU) hiện nay chuyên đào tạo, nghiên cứu các ngành về công nghệ thông tin (CNTT), kinh tế số ở khu vực miền Trung và Tây nguyên như: CNTT, Trí tuệ nhân tạo và khoa học dữ liệu, Kỹ thuật phần mềm, IoT & Robotics, Kỹ thuật máy tính, An toàn thông tin, Mạng máy tính, Thiết kế mỹ thuật số... Quy mô tuyển sinh mỗi năm 1.200 sinh viên và kế hoạch sẽ tăng lên 1.500 cho các năm tiếp theo.

PGS, TS Huỳnh Công Pháp, Hiệu trưởng Trường VKU chia sẻ, nhà trường chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo để cung cấp nguồn nhân lực có khả năng hội nhập thị trường lao động CNTT quốc tế, đáp ứng yêu cầu của các nhà tuyển dụng trong và ngoài nước ngay khi tốt nghiệp, thậm chí khi sinh viên đang còn học năm thứ 2, năm thứ 3.

“Từ chương trình, phương thức đều hướng đến đào tạo ứng dụng, xây dựng các dự án thực (hơn 50% thời lượng) trên các hệ thống các phòng thí nghiệm với thiết bị, công nghệ hiện đại và tương thích với thực tế công nghệ của các doanh nghiệp. Nhà trường chú trọng mở rộng hợp tác nhiều tổ chức, doanh nghiệp hàng đầu trong và ngoài nước để triển khai đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu phát triển, trong đó có các dự án thuộc lĩnh vực trí tuệ nhân tạo”, PGS, TS Huỳnh Công Pháp cho biết.

Nắm bắt nguồn nhân lực tài chính trong kỷ nguyên số được dự báo ngày càng tăng, đặc biệt khi thành phố chủ trương xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm tài chính khu vực, Trường ĐH Kinh tế đã phát triển các chuyên ngành đào tạo mới chuyên sâu về công nghệ tài chính, ngân hàng số.

Ngoài ra, nhà trường cũng mở một số chuyên ngành đào tạo mới về thương mại điện tử, kinh doanh số, marketing số, khoa học dữ liệu... với mục đích phát triển nguồn nhân lực đa năng, không chỉ cho lĩnh vực tài chính mà còn đáp ứng cho mọi hoạt động kinh tế phù hợp với yêu cầu của một trung tâm tài chính.

PGS, TS Võ Thị Thúy Anh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế cho biết, nhà trường thực hiện những điều chỉnh quan trọng trong giảng dạy theo hướng chú trọng đến đào tạo mang tính ứng dụng cao, đào tạo liên ngành và bổ sung, lồng ghép các kiến thức về công nghệ thông tin, số hóa vào chương trình đào tạo, giúp sinh viên có cơ hội tiếp cận các ứng dụng công nghệ hay mô hình kinh doanh thực tế liên quan đến lĩnh vực tài chính - ngân hàng.

“Nhà trường luôn chú trọng đến việc đào tạo cho sinh viên các kỹ năng mềm, kỹ năng tư duy, suy nghĩ sáng tạo, đột phá, khả năng thích ứng với sự thay đổi và giải quyết vấn đề phát sinh trong các tình huống bất ngờ. Bởi sự thay đổi, phát triển về kiến thức, nghiệp vụ và công nghệ trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng diễn ra thường xuyên, liên tục”, PGS, TS Võ Thị Thúy Anh nhấn mạnh.

Đối với Trường ĐH Bách khoa, từ năm học 2018-2019, nhà trường thực hiện cải tiến các chương trình chất lượng cao, áp dụng phương pháp dạy học theo dự án (Project-based learning), tích hợp liên môn. Hiện mô hình được triển khai mở rộng cho tất cả các chương trình đào tạo trình độ đại học tại trường.

Đồng thời, nhà trường mở mới các ngành/chuyên ngành đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội, thị trường lao động, nhằm cung cấp nguồn nhân lực khoa học - kỹ thuật công nghệ chất lượng cao như: chuyên ngành Khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo, Kỹ thuật cơ khí - chuyên ngành Cơ khí hàng không, Kỹ thuật hệ thống công nghiệp, Kỹ thuật máy tính, Kỹ thuật ô-tô...

Theo PGS, TS Nguyễn Hồng Hải, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa, thời gian qua, các tập đoàn lớn như: Universal Alloy Corporation (UAC - Hoa Kỳ), Fujikin Incorporated (Nhật Bản) có những ký kết quan trọng về đào tạo nguồn nhân lực với nhà trường. Tới đây, nhà trường tiếp tục mở rộng, tăng cường hợp tác với doanh nghiệp trong và ngoài nước thông qua hình thức mời doanh nghiệp tham gia xây dựng, cải tiến chương trình đào tạo; tiếp nhận sinh viên thực tập và làm đồ án tốt nghiệp tại doanh nghiệp; tham gia giảng dạy các chuyên đề, hướng dẫn thực tập, đồ án, dự án, đồ án tốt nghiệp...

PGS, TS Nguyễn Ngọc Vũ, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc ĐH Đà Nẵng cho biết thêm, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ ĐH Đà Nẵng lần thứ VI, nhiệm kỳ 2020-2025 đối với nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, ĐH Đà Nẵng chú trọng mục tiêu đào tạo và ngành nghề đào tạo. Trên tinh thần đó, ĐH Đà Nẵng chuyển hướng từ đào tạo nhắm đến việc làm sẵn có sang hun đúc tinh thần khởi nghiệp, sáng tạo.

Đó chính là đào tạo nên thế hệ sinh viên mới có đủ phẩm chất, tư duy sáng tạo, có năng lực làm việc tự chủ, có khả năng dẫn dắt, lãnh đạo để không chỉ tự tạo việc làm cho mình mà còn đem lại nhiều cơ hội việc làm, khởi nghiệp vì cộng đồng. ĐH Đà Nẵng ưu tiên tập trung nâng cao chất lượng đào tạo để sinh viên tốt nghiệp có thể chủ động thích ứng, hội nhập và có năng lực cạnh tranh cao trên thị trường lao động trong nước và quốc tế.

Về ngành nghề đào tạo, ĐH Đà Nẵng định hướng dựa trên nền tảng giáo dục STEM (kết hợp giữa khoa học công nghệ - kỹ thuật và toán học), các ngành mũi nhọn, công nghệ cao, công nghệ nguồn và các dịch vụ có nhu cầu nhân lực lớn, phù hợp với xu thế toàn cầu hóa, bám sát các lĩnh vực, ngành nghề được nêu tại Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

NGỌC HÀ

;
;
.
.
.
.
.