Đà Nẵng những ngày chống dịch đặc biệt

.

Bài 4: An dân khi thực hiện giãn cách

Người dân yên tâm thực hiện “ai ở đâu thì ở đó”, thành phố có những chính sách hỗ trợ kịp thời cũng như kêu gọi sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức hảo tâm. Đặc biệt, các đơn vị, địa phương thành lập hàng ngàn tổ cung ứng hàng hóa thiết yếu, lương thực, thực phẩm cho dân.

Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh (thứ ba, từ trái sang) kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà trong tháng 8-2021. Ảnh: PHAN CHUNG
Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh (thứ ba, từ trái sang) kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà trong tháng 8-2021. Ảnh: PHAN CHUNG

Đáp ứng nhu yếu phẩm cho nhân dân

Hình ảnh các bác, chú, anh, chị đi chợ, “ship” (giao hàng) hàng hóa thiết yếu, lương thực, thực phẩm, thuốc men về tận cửa nhà trong thời gian “ai ở đâu thì ở đó” đã trở nên quen thuộc với người dân. Không những thế, khi nhận hàng hỗ trợ của các địa phương, doanh nghiệp, lực lượng này còn tổ chức làm sạch, đóng gói trước khi đưa đến nhà dân. Tất cả những việc làm ý nghĩa này giúp người dân an tâm ở yên trong nhà, cùng thành phố phòng, chống dịch hiệu quả.

Ngay khi thành phố thực hiện biện pháp mạnh để phòng, chống dịch, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố triển khai mô hình “Đi chợ giúp dân” theo tần suất 3 ngày/lần/hộ gia đình trên toàn thành phố. Theo đó, mỗi chi hội phụ nữ vận động 2 tình nguyện viên trong tổ dân phố hỗ trợ người dân mua lương thực, thực phẩm. Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Nguyễn Thị Huyền cho biết: “Các tình nguyện viên tham gia mô hình chủ động phối hợp tổ dân phố bảo đảm về chất lượng, phân phối hàng hóa kịp thời. Khuyến khích các hộ gia đình và các tình nguyện viên sử dụng zalo đăng ký mua hàng, phản hồi thông tin. Qua đó giúp người dân yên tâm phòng, chống dịch khi lương thực, thực phẩm bảo đảm”.

Tuổi cao, tham gia nhiều hoạt động tại khu dân cư nhưng hằng ngày, ông Lê Ngọc Hạt, Tổ trưởng tổ 50 (phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà) vẫn dành nhiều thời gian rà soát từng đơn hàng, liên hệ các đầu mối để kịp thời cung ứng hàng hóa thiết yếu đến người dân. “Chúng tôi nhận đơn hàng trực tuyến, sau đó chuyển cho đơn vị cung ứng. Ngoài việc rõ ràng giá cả, chúng tôi còn kiểm tra chất lượng giúp bà con nên ai nấy đều yên tâm. Để có hàng tươi sống và giá cả hợp lý, chúng tôi liên hệ các đầu mối từ Quảng Nam để chủ động nguồn hàng cung ứng kịp thời cho người dân. Song song đó, chúng tôi kêu gọi các nhà hảo tâm giúp đỡ thêm những hộ khó khăn, những người ở trọ”, ông Lê Ngọc Hạt cho biết.

Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Tăng Hoàng Hôn Thắm cho biết, những ngày “ai ở đâu thì ở đó”, 1.425 cán bộ Mặt trận từ địa bàn khu dân cư đến các cấp quản lý đã tận tụy, trách nhiệm với việc kêu gọi, tiếp nhận, điều phối nguồn hàng. Công việc của họ diễn ra hằng ngày, hằng giờ, từ sáng sớm đến đêm muộn để không người dân nào bị bỏ lại phía sau.

“Chợ” đặc biệt của chiến sĩ công an

Trong thời gian giãn cách xã hội, hoạt động cung ứng hàng hóa, lương thực, thực phẩm của các trung tâm thương mại, siêu thị, công ty, doanh nghiệp không đủ đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Bên cạnh đó, mặc dù đã triển khai các biện pháp ổn định nguồn hàng và giá cả nhưng các loại hàng hóa, lương thực, thực phẩm còn ít, giá cả tăng, trong khi đời sống kinh tế của người dân gặp nhiều khó khăn; các ban điều hành phòng, chống dịch tại khu dân cư, chung cư, tổ dân phố dù đã nỗ lực tổ chức cung ứng hàng hóa, lương thực, thực phẩm nhưng không thể đáp ứng nhu cầu của người dân...

Trước tình hình đó, Công an thành phố nêu ra sáng kiến và được sự đồng ý của Bộ Công an, Thành ủy, UBND thành phố, sự phối hợp, hỗ trợ của các sở, ban, ngành, đoàn thể và đại diện Công ty CP dịch vụ Funi Bamboo, chỉ trong 2 ngày, 30 container (tương ứng 30 điểm cung ứng hàng hóa, lương thực, thực phẩm cho nhân dân tại 34 phường thuộc 4 quận, huyện) đã được hình thành. Để bảo đảm các “chợ” đặc biệt này hoạt động thông suốt, Công an thành phố trưng dụng gần 200 cán bộ, chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ phân loại 5 danh mục hàng hóa gồm thịt (heo, gà, vịt), cá, trứng, rau củ và đồ khô (gạo, mì ăn liền) và nhu yếu phẩm khác. Tại một số khu vực, cán bộ, chiến sĩ chia nhau theo nhiều hướng vận chuyển bằng xe máy giao hàng cho tổ cung ứng.

Trong 8 ngày hoạt động, Công an thành phố cung ứng khối lượng lớn hàng hóa thiết yếu, bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, kịp thời và nhanh chóng đến từng người dân với tinh thần, trách nhiệm cao, đúng mục tiêu không lợi nhuận, hỗ trợ giá và tạo thêm nguồn hàng hóa để nhân dân lựa chọn. Bên cạnh đó, Công an thành phố chủ động liên hệ Công an tỉnh Quảng Nam, một số tổ chức, cá nhân thiện nguyện hỗ trợ 47 tấn rau xanh, củ, quả; 2.000 chai dầu ăn và 2.000 suất quà là các mặt hàng thiết yếu miễn phí cho nhân dân. “Đây là dịp để Công an thành phố phục vụ nhân dân bằng những hành động, việc làm cụ thể. Những việc làm này đều xuất phát từ tâm, tinh thần vì nhân dân phục vụ, nhân dân là trọng tâm, là chủ thể mà lực lượng công an hướng tới. Kênh cung ứng này của Công an thành phố góp phần giải quyết nhu cầu cấp thiết về lương thực, thực phẩm để người dân yên tâm ở nhà chống dịch”, Thiếu tướng Vũ Xuân Viên, Giám đốc Công an thành phố bày tỏ.

Không ai bị bỏ lại phía sau

Với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”, thành phố ban hành hàng loạt chính sách để an dân như Kế hoạch số 135/KH-UBND, Quyết định số 2828/QĐ-UBND, Quyết định số 2840/QĐ-UBND, Quyết định số 2903/QĐ-UBND, kịp thời hỗ trợ người dân cũng như lực lượng phòng, chống dịch trong những ngày “ai ở đâu thì ở đó”.

Việc thực hiện giãn cách xã hội ảnh hưởng lớn đến các hộ gia đình, đặc biệt là các hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, lao động tự do... Do vậy, bên cạnh việc yêu cầu Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, UBND các quận, huyện và các sở, ngành liên quan khẩn trương triển khai kế hoạch hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ, Đà Nẵng thực hiện nhiều chính sách riêng nhằm hỗ trợ cho các nhóm đối tượng bị ảnh hưởng bởi Covid-19; tạo điều kiện hỗ trợ cho những người dân gặp khó khăn, nhất là lao động ở những ngành nghề có thu nhập không cao, không có giao kết hợp đồng lao động bảo đảm ổn định đời sống.

Theo Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh, đến nay tổng số kinh phí đã hỗ trợ cho các đối tượng theo Nghị quyết số 68/NQ-CP, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch số 135/KH-UBND của UBND thành phố là 78,5 tỷ đồng. Riêng trong 20 ngày thực hiện giãn cách nghiêm ngặt, thành phố hỗ trợ cho tất cả các hộ gia đình, kể cả hộ ở trọ, học sinh, sinh viên bằng tiền mặt hoặc hàng hóa với giá trị 500.000 đồng/hộ, tổng kinh phí thực hiện hơn 247 tỷ đồng. Ngoài ra, thành phố cũng nhanh chóng triển khai cấp 1.630 tấn gạo từ nguồn Trung ương cho 108.709 người, hỗ trợ 96,4 tỷ đồng cho các hộ khó khăn trong vùng cách ly y tế.

Đặc biệt, trong thời gian quận Sơn Trà thực hiện cách ly y tế tại 5 phường, để bảo đảm đời sống cho người dân, Đà Nẵng quyết định chi hỗ trợ 40.000 đồng/người/ngày trong thời điểm cách ly, theo Quyết định số 3100/QĐ-UBND ngày 22-8-2020 của UBND thành phố. Theo UBND quận Sơn Trà, tính đến 21-9, tổng kinh phí chi trả theo Quyết định số 3100/QĐ-UBND là 67,5 tỷ đồng. Cụ thể, tại phường Phước Mỹ: 3,56 tỷ đồng; Mân Thái: 10,72 tỷ đồng; Nại Hiên Đông: 19,3 tỷ đồng; An Hải Tây: 350,5 triệu đồng; An Hải Đông: 740,2 triệu đồng; Thọ Quang: 19,03 tỷ đồng; An Hải Bắc: 13,81 tỷ đồng. Trong điều kiện khó khăn, nhận những món quà hỗ trợ, ai cũng cảm thấy hạnh phúc, may mắn khi mình được sinh sống tại thành phố giàu nghĩa tình.

Giữa tháng 8-2021, Tập đoàn Sun Group trao gói hỗ trợ trị giá 45 tỷ đồng mua lương thực, thực phẩm và kit xét nghiệm Covid-19 để tiếp sức Đà Nẵng chống dịch. Cuối tháng 8 và đầu tháng 9-2021, Công ty CP Đô thị FPT Đà Nẵng trao 3.000 suất quà cho người dân thành phố, tổng trị giá gần 1 tỷ đồng. Dịp này, Quỹ an sinh “Sức sống mới” của Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) và Tập đoàn BRG trao tặng trang thiết bị hỗ trợ thành phố phục vụ điều trị bệnh nhân Covid-19 trị giá 10 tỷ đồng; trao hơn 5.000 phần quà trị giá 1 tỷ đồng cho người dân huyện Hòa Vang và hỗ trợ 600 triệu đồng đến 3 quận Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà, Liên Chiểu. Song song đó, hàng chục ngàn tấn lương thực, thực phẩm của cộng đồng doanh nghiệp, các địa phương tỉnh bạn, tổ chức hảo tâm ủng hộ cũng đã đến tận tay người dân trong giai đoạn khó khăn nhất.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Ngô Xuân Thắng cho biết, sau khi UBND thành phố ban hành Chỉ thị số 05/CT-UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố đã gửi Thư kêu gọi đến toàn thể nhân dân thành phố “San sẻ yêu thương, vượt qua đại dịch”, với phương châm phát huy nội lực tại chỗ “người có điều kiện hơn giúp người khó khăn hơn”, Ban công tác Mặt trận khu dân cư làm đầu mối tiếp nhận và kết nối; qua đó đã vận động được rất nhiều tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp hỗ trợ những gia đình khó khăn ở các khu dân cư. Kết quả, Mặt trận toàn thành phố đã vận động và tiếp nhận hơn 64 tỷ đồng. Ngoài ra, Mặt trận các cấp thành phố tiếp nhận hỗ trợ các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp ủng hộ 436,5 tấn gạo, 400,4 tấn rau củ quả, 44.205 suất quà, 8,352 tấn thịt, 568.000 quả trứng, 650 lít dầu phụng và các nhu yếu phẩm khác... Ngoài ra từ ngày 6-8 đến 15-9, các ban công tác Mặt trận khu dân cư đã vận động hơn 150.000 suất quà, suất ăn và các loại rau củ quả, nhu yếu phẩm… tổng trị giá hơn 21 tỷ đồng; vận động hơn 9.800 chủ nhà trọ cho thuê miễn giảm số tiền hơn 27,4 tỷ đồng.

" Sự quan tâm, theo dõi của Trung ương, sự hỗ trợ của địa phương khác, của cộng đồng doanh nghiệp và người dân… đã tạo nên nguồn động viên, nguồn lực lớn, nhất là trong việc giải quyết các vấn đề an sinh cho chính quyền và nhân dân Đà Nẵng”

Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh

4.800 tấn rau, củ, quả

Là con số qua 4 đợt hỗ trợ của các doanh nghiệp được thành phố phân bổ, trong đó các quận, huyện 4.550 tấn; các đơn vị công an, quân đội 10 tấn; các doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ” trong các khu công nghiệp 240 tấn. Ngoài ra, các quận, huyện còn được phân bổ 30.000 suất quà gồm thực phẩm và đồ khô.

Vận động chủ trọ giảm gần 27 tỷ đồng

Sau gần 1 tháng triển khai vận động nhân dân có nhà trọ, phòng trọ đang cho thuê giảm giá tiền cho người thuê trọ gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi Covid-19, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã vận động 9.786 chủ hộ cho thuê trọ miễn, giảm tiền thuê cho 28.282 phòng trọ và căn hộ với tổng số tiền hơn 27 tỷ đồng.

Bảo đảm cung ứng hàng hóa cho nhân dân

Trong thời gian 8 ngày (từ 25-8 đến ngày 4-9), Công an thành phố tiếp nhận, cung ứng cho nhân dân gần 44.000 đơn hàng (trung bình gần 1.500 đơn hàng/1 điểm cung ứng) với số lượng hàng hóa tiêu thụ gồm: gần 120 tấn gạo, 100 tấn thịt (heo, gà, vịt), hơn 57 tấn cá, 67 tấn rau, củ quả; hơn 1,1 triệu quả trứng, 6.745 thùng mì ăn liền, hơn 35,3 ngàn chai dầu ăn, nước mắm và hàng chục mặt hàng thực phẩm khô các loại…

L.HÙNG - N.PHÚ - P.CHUNG

;
;
.
.
.
.
.