Chính trị - Xã hội

Luật Cảnh sát cơ động sẽ đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới

10:38, 26/10/2021 (GMT+7)

ĐNO - Luật Cảnh sát cơ động sẽ tạo hành lang pháp lý vững chắc hơn, giúp phát huy tối đa sức mạnh, khả năng tác chiến đặc biệt của lực lượng Cảnh sát cơ động cũng như xác định rõ phạm vi, mức độ quyền hạn của lực lượng này trong thực hiện nhiệm vụ.

Đó là ý kiến của đại biểu Trần Đình Chung, Phó Giám đốc Công an thành phố trong buổi thảo luận trực tuyến về dự thảo Luật Cảnh sát cơ động tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV diễn ra sáng 26-10.

Tại tổ đại biểu thành phố Đà Nẵng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu thành phố Nguyễn Văn Quảng tham dự.

Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Văn Quảng (giữa) và các đại biểu tham dự phiên thảo luận trực tuyến sáng 26-10. Ảnh: NGỌC PHÚ
Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Văn Quảng (giữa) và các đại biểu tham dự phiên thảo luận trực tuyến sáng 26-10. Ảnh: NGỌC PHÚ

Đại biểu Trần Đình Chung cho biết, những năm gần đây, hoạt động chống phá, kêu gọi biểu tình, bạo loạn, phá rối an ninh trật tự (ANTT) của các thế lực thù địch, phản động, các băng nhóm tội phạm sử dụng vũ khí nóng, các yếu tố an ninh phi truyền thống diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường và gia tăng.

Trong nhiều vụ việc phức tạp về ANTT, các tình huống xã hội đặc biệt như dịch bệnh vừa qua, lực lượng Cảnh sát cơ động phát huy vai trò rất lớn trong giải quyết, sử dụng những biện pháp quyết liệt, mạnh mẽ để ổn định tình hình.

Vì vậy, việc ban hành Luật Cảnh sát cơ động thay cho Pháp lệnh Cảnh sát cơ động năm 2013 rất cần thiết và quan trọng đối với sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc trong bối cảnh tình hình mới.

Luật Cảnh sát cơ động sẽ tạo hành lang pháp lý vững chắc hơn, giúp phát huy tối đa sức mạnh, khả năng tác chiến đặc biệt của lực lượng Cảnh sát cơ động cũng như xác định rõ phạm vi, mức độ quyền hạn của lực lượng này trong thực hiện nhiệm vụ.

Tuy nhiên, tại Điều 3 của dự án Luật quy định về vị trí, chức năng của Cảnh sát cơ động, đại biểu Trần Đình Chung đề nghị ban soạn thảo tiếp tục chỉnh lý làm sáng tỏ hơn yếu tố “chuyên trách”, “tính đặc thù” trong việc sử dụng biện pháp vũ trang của Cảnh sát cơ động so với các lực lượng khác.

Ngoài ra, tại điểm c, khoản 2; điểm b, khoản 3 Điều 18 quy định về việc tư lệnh Cảnh sát cơ động và giám đốc công an các tỉnh, thành phố điều động Cảnh sát cơ động thực hiện nhiệm vụ trong các trường hợp cấp bách.

Đại biểu Trần Đình Chung cho biết, qua nghiên cứu các văn bản luật liên quan quy định về các trường hợp, tình huống ANTT, chưa có các quy định giải thích cụ thể về “các trường hợp cấp bách”, do đó đề nghị cần quy định cụ thể các trường hợp như thế nào là trường hợp “cấp bách” được quy định tại luật này.

Đại biểu Trần Đình Chung (bên trái ngoài cùng) phát biểu thảo luận trực tuyến về dự thảo Luật Cảnh sát Cơ động. Ảnh: NGỌC PHÚ
Đại biểu Trần Đình Chung (bìa trái) phát biểu thảo luận trực tuyến về dự thảo Luật Cảnh sát cơ động. Ảnh: NGỌC PHÚ

“Với tính chất của lực lượng Cảnh sát cơ động là lực lượng tác chiến sử dụng biện pháp vũ trang, nhiều trường hợp sử dụng vũ khí đặc chủng, hỏa lực mạnh, hoạt động của lực lượng Cảnh sát cơ động liên quan đến quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công an thì việc quy định cụ thể các trường hợp cấp bách trong việc điều động các đơn vị Cảnh sát cơ động là rất cần thiết để làm căn cứ xác định phạm vi, quy mô điều động và công tác lãnh đạo, chỉ huy, chỉ đạo triển khai Cảnh sát cơ động phù hợp với quy mô, tính chất và vụ việc”, đại biểu Trần Đình Chung nói.

Ngoài ra, tại khoản 2, Điều 10 quy định về việc Cảnh sát cơ động được quyền mang theo vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị, kỹ thuật vào cảng hàng không và lên tàu bay dân sự trong trường hợp giải bị can, bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, đại biểu Trần Đình Chung đề nghị ban biên soạn đánh giá, cân nhắc việc mở rộng thêm đối với các trường hợp đối tượng áp giải.

Vì trên thực tế, nhiều trường hợp Cảnh sát cơ động phải mang theo vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị, kỹ thuật lên tàu bay dân sự để áp giải các đối tượng chưa bị khởi tố như đối tượng khủng bố, đối tượng hoạt động nguy hiểm có yếu tố chính trị hoặc các đối tượng khác có khả năng đe dọa sự an toàn của Cảnh sát cơ động và những người khác trên tàu bay…

Theo tờ trình của Bộ Công an, Dự thảo Luật gồm 5 chương, 31 điều; xác định 7 nhóm nhiệm vụ cơ bản của Cảnh sát cơ động, trong đó kế thừa những nhiệm vụ còn phù hợp của Pháp lệnh Cảnh sát cơ động, đồng thời bổ sung 2 nhiệm vụ cho Cảnh sát cơ động. Đây là các nhiệm vụ trên thực tế Cảnh sát cơ động đang thực hiện, nay cần được luật hóa để bảo đảm tính ổn định, đồng bộ, thống nhất, nâng cao hiệu quả, hiệu lực thực thi.

NGỌC PHÚ

.