Nông dân vào vụ hoa Tết

.

ĐNO - Những ngày này, người trồng hoa trên địa bàn thành phố vào vụ ươm trồng, chăm bón, chuẩn bị cho vụ hoa tết Nhâm Dần 2022.

Tưới nước hoa cúc mới trồng để bán vụ Tết Nhâm Dần 2022 ở phường Hoà Cường Bắc, quận Hải Châu. Ảnh: LÊ VĂN THƠM
Nông dân tưới nước hoa cúc mới trồng để bán vụ Tết Nhâm Dần 2022 ở phường Hoà Cường Bắc, quận Hải Châu. Ảnh: LÊ VĂN THƠM

Vùng hoa Dương Sơn (xã Hoà Châu, huyện Hoà Vang) hiện có 28 hộ canh tác, quanh năm trồng nhiều loại hoa đáp ứng nhu cầu thường nhật của người dân. Đến vụ hoa Tết, bà con tập trung trồng hoa cúc và một số loại hoa khác.

Năm nay, bà Nguyễn Thị Kỷ trồng 1.000 chậu cúc các loại cùng 400 chậu vạn thọ và thược dược. Những ngày qua, vợ chồng bà Kỷ tỉ mỉ trồng hoa giống vào chậu, chăm chút từng chậu hoa, nhiều hôm ăn cơm trưa ngay tại vườn để làm cho kịp thời vụ.

Theo bà Kỷ, trồng hoa cúc cần bón nhiều phân chuồng hoai mục, bón phân qua lá hằng tuần, tưới nước không để đất khô mặt. Sau khi trồng khoảng 20 ngày phải chong điện ban đêm (từ 5-7 tuần) để kích thích hoa phát triển chiều cao; gần Tết cần giảm phân, giảm nước tưới để canh hoa nở đúng ý định. “Nhiều vụ tôi canh trúng nhưng cũng có vụ canh trật do thời tiết mưa nắng thất thường”, bà Kỷ chia sẻ.

Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Ký đã hơn 10 năm gắn bó với vùng hoa Dương Sơn và canh tác gần 6.000m2. Hằng năm, từ tháng 2 đến tháng 8, ông Ký trồng nhiều loại hoa phục vụ nhu cầu cúng rằm của người dân, còn đến tháng 9 ông tập trung trồng hoa cúc bán vụ Tết.

Luôn tay xới đất và chỉnh sửa các chậu hoa, ông Ký bày tỏ: “Không chỉ riêng nỗi lo canh hoa nở cho đúng thời điểm, người trồng hoa còn lo gần Tết, hoa ở các nơi được chở về Đà Nẵng quá nhiều, sản phẩm làm ra không bán hết...”.

Hàng trăm lô đất chưa xây dựng trên địa bàn thành phố cũng được nông dân tận dụng trồng hoa Tết. Đồng thời, nhiều người dân nội thành đi thuê đất trồng hoa Tết ở các địa phương khác. Tại các khu đất trống cạnh đường 30 Tháng 4 (quận Hải Châu), có gần 20 hộ trồng hoa Tết.

Mới đầu tháng 6, người trồng hoa nơi đây đã lo đúc chậu, làm đất, ủ phân, giữa tháng 7 bắt đầu ươm con giống, đến tháng 9 tiến hành trồng hoa vào chậu. Ông Nguyễn Văn Beo vừa tưới hoa vừa chia sẻ: “Do ảnh hưởng Covid-19, nhu cầu chưng hoa năm nay chắc sẽ giảm, vì vậy vụ Tết này tôi chỉ trồng 1.000 chậu hoa cúc loại trung và loại nhỏ”.

Cạnh đó, ông Nguyễn Văn Châu đang tỉ mẩn chỉnh sửa từng chậu hoa. Các chậu hoa xếp theo từng luống bằng phẳng, ngay ngắn mới vừa trồng, trông thật bắt mắt, phía dưới trải bạt phủ kín mặt đất để chống cỏ. Nhiều người đang tất bật trồng trụ, kéo dây để chuẩn bị chong điện ban đêm. Ông Châu cho biết, hiện ông trồng 500 chậu cúc, chi phí ban đầu gần 30 triệu đồng…

Vụ Tết năm nay, nông dân trồng nhiều loại hoa như vạn thọ, ly ly, hồng, hướng dương, dạ yến thảo, bát tiên, đồng tiền, mào gà và nhiều nhất vẫn là hoa cúc. Từ khi trồng đến khi bán trải qua bao công đoạn nhọc nhằn, gian khó, trong đó lo lắng nhất là kỹ thuật canh cho hoa nở đúng thời điểm.

Hễ mới đầu tháng Chạp mà hoa cúc đã nở vàng đám thì mắt người trồng hoa cũng vàng theo. Còn đến giữa tháng Chạp mà cây hoa cứ đứng xanh rờn thì người trồng hoa cũng xanh cả mặt. 

Ông Nguyễn Văn Xí - một nông dân trồng hoa lâu năm ở phường Hoà Xuân (quận Cẩm Lệ) chia sẻ: “Việc canh cho hoa nở đúng Tết phụ thuộc nhiều vào thời tiết, trời nắng nóng thì hoa nở nhanh, còn khi rét lạnh thì hoa cứ đứng miết, không chịu bung nụ”.  

Chi phí lắm, lo lắng nhiều là điểm chung của những người trồng hoa Tết. Nỗi lo lớn nhất là làm sao cho hoa nở đúng dịp. Nỗi lo thứ hai là khi đã canh được hoa nở đúng Tết thì làm sao bán hết hoa, không bị ế thừa.

                                                                                                  LÊ VĂN THƠM

;
;
.
.
.
.
.