Chủ động ứng phó mưa lũ

.

Ngày 15-11, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn có công điện đề nghị các bộ, ngành và các tỉnh, thành phố từ Quảng Trị đến Khánh Hòa chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với diễn biến mưa lũ. Theo đó, các tỉnh, thành phố, bộ, ngành tổ chức khắc phục hậu quả thiệt hại do mưa, lũ vừa qua; tập trung chỉ đạo triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho người dân tại các khu vực có nguy cơ bị ngập lụt, chia cắt; kiểm tra công tác chuẩn bị lương thực, thực phẩm theo phương châm “4 tại chỗ”; rà soát các phương án ứng phó với tình huống lũ quét, sạt lở đất; chỉ đạo kiểm tra, triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập, vận hành các hồ chứa phải bảo đảm an toàn công trình và hạ du...

Trước đó, mưa lớn xảy ra từ ngày 8 đến 14-11 tại các tỉnh Nam Trung Bộ đã làm 1 người chết (Khánh Hòa) và 1 người mất tích (Ninh Thuận); 1 nhà bị sập (Lâm Đồng); gây ngập sâu, chia cắt và sạt lở nhiều vị trí trên các tuyến giao thông chính tại các tỉnh Bình Định, Phú Yên; 1,2km bờ sông, bờ biển và 755m kênh bị sạt lở; 742ha lúa, 88ha hoa màu và 64ha nho, táo bị ngập, 1.250 con gia cầm bị chết, cuốn trôi...

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với nhiễu động gió đông trên cao nên từ nay đến ngày 18-11, ở Trung Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Trong mưa giông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, ven sông. Trên các sông từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên có khả năng xuất hiện một đợt lũ với đỉnh lũ trên các sông ở Thừa Thiên Huế lên mức báo động (BĐ) 1 và cao hơn BĐ 1; các sông ở Quảng Nam và Phú Yên lên mức từ BĐ 1 - BĐ 2, có sông hơn BĐ 2; các sông ở Quảng Ngãi và Bình Định lên mức từ BĐ 2 - BĐ 3, có sông hơn BĐ 3.

HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.