Nâng tầm giá trị cảnh quan tự nhiên ao, hồ

.

Đà Nẵng có các ao, hồ, kênh thoát nước... vừa tạo cảnh quan tự nhiên trong đô thị, đồng thời có thể khai thác giá trị cảnh quan để hình thành điểm đến du lịch thu hút du khách trong tương lai.

Khai thác các giá trị cảnh quan nhằm tạo điểm đến sinh hoạt cộng đồng sẽ gia tăng giá trị hạ tầng đô thị của thành phố trong thời gian đến. Trong ảnh: Một góc hồ Thạc Gián - Vĩnh Trung, quận Thanh Khê. Ảnh: TRIỆU TÙNG
Khai thác các giá trị cảnh quan nhằm tạo điểm đến sinh hoạt cộng đồng sẽ gia tăng giá trị hạ tầng đô thị của thành phố trong thời gian đến. TRONG ẢNH: Một góc hồ Thạc Gián - Vĩnh Trung, quận Thanh Khê. Ảnh: TRIỆU TÙNG

Khơi gợi ý tưởng về “thành phố ngàn hồ”

Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cho biết, qua thống kê sơ bộ, toàn thành phố có khoảng 50 hồ, ao, bàu. Trong đó, huyện Hòa Vang: 19 hồ, quận Hải Châu: 3 hồ, quận Thanh Khê: 8 hồ, quận Sơn Trà: 1 hồ, quận Ngũ Hành Sơn: 4 hồ, quận Liên Chiểu: 8 hồ và quận Cẩm Lệ: 7 hồ.

Tại hội thảo “Lấy ý kiến đối với danh mục hồ, ao đầm không được san lấp trên địa bàn thành phố” do Sở TN&MT tổ chức vào giữa tháng 10 vừa qua, đại diện Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, hiện thành phố có thêm nhiều ao, hồ theo hiện trạng tự nhiên lẫn phát triển mới trong quá trình triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, nhiều ao, hồ, bàu chưa được Sở TN&MT tổng hợp, bổ sung số liệu thống kê, tổng hợp như: hồ Bồ, bàu Câu, bàu Tràm, bàu Lệ Sơn, bàu Lãnh, bàu nước trong đơn vị quân đội Lữ đoàn thông tin 575 (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu).

Theo Phó Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Quang Vinh, sở sớm hoàn thiện danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp trên địa bàn thành phố để bảo vệ cảnh quan, môi trường. Đồng thời đề xuất kế hoạch năm 2022 giao nhiệm vụ cho các địa phương để tiếp tục bổ sung, hoàn thiện danh mục hồ, ao, bàu nước... cập nhật quản lý, công bố để ngăn ngừa, chấm dứt tình trạng ao, hồ, đầm phá bị lấn chiếm, san lấp làm gia tăng nguy cơ ô nhiễm chất lượng nguồn nước, ô nhiễm môi trường xung quanh, giảm hiệu quả trong việc tiêu thoát nước, phòng, chống ngập úng trong mùa mưa và gây mất an toàn trong việc cung cấp nước cho các mục đích sử dụng; đặc biệt là trong thời điểm hạn hán, thiếu nước.

Từ nguồn tài nguyên này, suốt quá trình lập đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, nhiều chuyên gia chuyên ngành và quản lý Nhà nước đề xuất đơn vị tư vấn lập đồ án phát triển quy hoạch thành phố theo hướng khai thác điều kiện tự nhiên, xây dựng và phát triển thành phố sinh thái, “thành phố ngàn hồ”. Để phát triển ý tưởng, đơn vị tư vấn thiết kế lập đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đưa ra đề xuất theo 3 cấp độ thực hiện.

Thứ nhất là đề xuất tạo mới các hồ chứa ở khu vực miền núi phía tây thành phố. Thứ hai là các hồ công cộng hiện tại sẽ được bảo tồn và những hồ mới sẽ được tạo ra dựa trên các mạch nước và các con sông hiện tại trên khu vực bằng phẳng. Các hồ sau đó sẽ được tích hợp với các công viên công cộng để phục vụ cho người dân. Thứ ba thực hiện quy định đặc biệt yêu cầu tất cả các dự án phát triển kinh tế - xã hội từ 5ha trở lên sẽ để dành 10% diện tích đất cho mục đích giữ nước sẽ được thiết lập trên toàn thành phố. Tuy nhiên, việc triển khai hay tổ chức thực hiện lập quy hoạch theo ý tưởng “thành phố ngàn hồ” đặt ra nhiều thách thức, chưa bảo đảm các điều kiện thực hiện trong ngắn hạn.

Mở ra cách tiếp cận mới về khai thác cảnh quan ao, hồ

Là địa phương có nhiều ao, hồ ngay giữa trung tâm thành phố, quận Thanh Khê đã và đang mở ra cách tiếp cận mới về quản lý và khai thác giá trị cảnh quan. UBND quận Thanh Khê đã thực hiện các cuộc thi quy hoạch, thiết kế kiến trúc cảnh quan ao, hồ như Công viên 29 Tháng 3; hồ Thạc Gián - Vĩnh Trung, tuyến kênh Phần Lăng. Trong điều kiện quản lý Nhà nước tại địa phương, UBND quận Thanh Khê đang tập trung triển khai ý tưởng về quy hoạch và kiến trúc cảnh quan đối với khu vực ven hồ Thạc Gián - Vĩnh Trung và tuyến kênh Phần Lăng.

Chủ tịch UBND quận Thanh Khê Hồ Thuyên cho biết, thời gian qua, quận đã thành công trong nhiệm vụ chỉnh trang đô thị như mở rộng kiệt, hẻm, phát triển công viên cây xanh trong khu dân cư, tạo điều kiện sống tốt hơn cho cư dân. Với những tiềm năng về cảnh quan trên địa bàn, quận đã chọn không gian hồ Thạc Gián - Vĩnh Trung và tuyến kênh Phần Lăng để đầu tư, sớm hình thành không gian sinh hoạt cộng đồng và các hoạt động thường nhật phục vụ người dân địa phương cũng như du khách. Đây cũng là bước đi cụ thể để thành phố hình thành điểm đến du lịch được xác định trong Quy hoạch chung thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Việc lập quy hoạch, thiết kế kiến trúc tại các ao, hồ nhỏ do địa phương quản lý như hồ Thạc Gián - Vĩnh Trung được quận Thanh Khê chủ động thực hiện trên cơ sở có phương án thiết kế quy hoạch tối ưu, có tính sáng tạo và khả thi, bảo đảm các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc phù hợp, tạo được sự gắn kết hài hòa với không gian đô thị xung quanh, tạo lập hình ảnh đặc trưng riêng, kết nối đồng bộ với hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong khu vực. Qua đó, bảo đảm khả năng thực hiện, mang tính khả thi lâu dài, giải pháp phân khu cơ cấu chức năng hợp lý và giải quyết đồng thời bài toán về hiệu quả thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cũng như khắc phục ngập úng, ô nhiễm môi trường.

Theo Kiến trúc sư Bùi Huy Trí (Hội Kiến trúc sư thành phố), việc UBND quận Thanh Khê tổ chức thi tuyển phương án quy hoạch, thiết kế kiến trúc cảnh quan đối với các ao, hồ, tuyến kênh trên địa bàn đạt được đa mục tiêu và cần nhân rộng ra toàn thành phố để nâng tầm các giá trị không gian cảnh quan.

TRIỆU TÙNG

;
;
.
.
.
.
.