Từ ngày đón chuyến bay đầu tiên chở công dân Việt Nam tại Hàn Quốc (tháng 2-2020) về tránh Covid-19, Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố tổ chức tiếp nhận, cách ly 20 đợt với gần 4.800 công dân tại hai khung cách ly. Quân số phục vụ chỉ gần 70 người, nhiệm vụ thường xuyên quá tải nhưng cán bộ, chiến sĩ luôn nêu cao tinh thần quyết tâm, vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trong số đó có Trung úy chuyên nghiệp Huỳnh Thị Toàn, nhân viên quản lý Trung tâm Giáo dục quốc phòng - an ninh, Trung đoàn 971.
Trung úy Huỳnh Thị Toàn (bìa trái) chuẩn bị bữa ăn cho công dân cách ly tại Trung tâm Giáo dục quốc phòng - an ninh, Trung đoàn 971, Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố. Ảnh: ANH ĐỨC |
Hằng ngày, Trung úy Huỳnh Thị Toàn vừa trực tiếp làm nhiệm vụ quản lý, chi tiêu, vừa lên thực đơn, đi chợ tiếp phẩm và tham gia nấu ăn. Để có những bữa cơm ngon phục vụ công dân khu cách ly, công việc một ngày của các chiến sĩ nuôi quân luôn vất vả. Có đợt cao điểm, trung tâm tiếp nhận 250-300 công dân, chị Toàn phải dậy đi chợ từ 3 giờ 30 sáng. Mỗi ngày ba bữa, tổng cộng 800-900 suất ăn, số lượng thực phẩm phải mua rất lớn nên nữ quân nhân này làm việc rất trách nhiệm.
Chị Toàn lựa chọn kỹ lưỡng từng miếng thịt, con cá đến mớ rau. Cả ngày đứng bếp, mồ hôi ướt đẫm lưng áo, mắt mũi cay xè vì khói nhưng mọi khó khăn chị đều vượt qua với niềm vui góp sức cùng thành phố chống dịch. Hàng trăm công dân luôn có những suất ăn nóng hổi, đầy đủ dinh dưỡng, thực đơn thay đổi thường xuyên.
Chị Toàn tâm sự: “Được quan tâm chu đáo, phục vụ đầy đủ từ nơi ở đến bữa ăn ngon, chất lượng thì mọi người sẽ an tâm cách ly hiệu quả. Công việc thực sự vất vả nhưng là quân nhân, tôi luôn xác định nỗ lực hết mình vì nhiệm vụ chung”.
Công dân về cách ly có đợt phần lớn là phụ nữ mang thai, có đợt có hàng chục trẻ em 1-10 tuổi, chị Toàn luôn suy nghĩ lựa chọn thực đơn bảo đảm đủ dinh dưỡng cho từng đối tượng. Hầu hết các đợt tiếp nhận, công dân xuống sân bay về tới trung tâm thường vào nửa đêm, chị cùng tổ nuôi quân lại thức trắng đêm chuẩn bị để mọi người đặt chân đến có ngay bữa ăn nóng hổi như được trở về nhà.
Để phòng, chống dịch hiệu quả, việc vệ sinh dụng cụ cấp dưỡng được chị và các đồng đội đặc biệt chú trọng, thực hiện sát khuẩn kỹ lưỡng. Một ngày của chị tại nơi làm việc bắt đầu bằng việc thức dậy rất sớm, làm việc hết mình, dọn dẹp rất kỹ, ngủ nghỉ sau cùng. Công việc lúc nào cũng tất bật, không còn chút thời gian cho bản thân và gia đình. Mọi việc hậu phương, con cái học hành chị Toàn đều nhờ chồng và nội ngoại hai bên chăm lo giúp để hoàn thành nhiệm vụ.
Hai năm qua, gần 3.000 công dân từ sinh viên, người tu hành, trẻ nhỏ, người già… khi tạm biệt trung tâm đều nhớ đến những bữa ăn ấm áp tràn đầy tình cảm quân dân từ bàn tay những cô chú bộ đội tận tụy, hết lòng vì mọi người. Chỉ 14 ngày nhưng nơi đây thực sự trở thành gia đình lớn đầy yêu thương mà những bữa cơm chu toàn, đầy đủ dinh dưỡng chính là điều mang lại ấn tượng sâu sắc nhất.
Phạm Thị Hảo, 19 tuổi, du học sinh Hàn Quốc, quê Tuyên Quang khi chia tay để lại lời cám ơn sâu sắc: “Con thương các cô chú vất vả vì mọi người quá nhiều. Những bữa ăn ngon cùng sự thoải mái, vui vẻ của chúng con đồng nghĩa với sự hy sinh thầm lặng nhưng vô cùng lớn lao của các cô, các chú. Hình ảnh đẹp đẽ của Bộ đội Cụ Hồ quên mình vì dân sẽ luôn đọng lại trong lòng chúng con”.
Còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng công dân về cách ly luôn được bảo đảm nhu cầu thiết yếu về vật chất và tinh thần, được chăm sóc chu đáo tận tình. Kết quả đó có sự đóng góp lớn của Trung úy Huỳnh Thị Toàn - chị nuôi quân đảm đang, tận tụy.
Thiếu tá Vũ Văn Nam, Phó Chỉ huy Thường trực khung cách ly Trung tâm Giáo dục quốc phòng - an ninh, Trung đoàn 971 nhận xét: “Công việc “làm dâu trăm họ” vất vả nhưng gần hai năm qua, Trung úy Toàn luôn nỗ lực vượt mọi khó khăn, bảo đảm bữa ăn ngon cho hàng ngàn công dân trong suốt thời gian cách ly, thể hiện nét đẹp của nữ quân nhân trên tuyến đầu chống dịch. Năm 2021, Trung úy Huỳnh Thị Toàn được đồng đội tin tưởng, bình bầu danh hiệu Chiến sĩ thi đua”.
ANH ĐỨC