Tăng cường quan trắc môi trường để kiểm soát ô nhiễm

.

Trong lộ trình thực hiện đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường” giai đoạn 2021-2030, việc bổ sung thêm vị trí lấy mẫu, số trạm quan trắc môi trường và tăng thêm tần suất lấy mẫu, tần suất quan trắc có ý nghĩa quan trọng, giúp thành phố giám sát hiện trạng, kiểm soát môi trường và kịp thời xử lý, ứng phó sự cố gây ô nhiễm.

Lực lượng chức năng lấy mẫu nước tại sông Phú Lộc (quận Thanh Khê) để quan trắc chất lượng môi trường nước. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Lực lượng chức năng lấy mẫu nước tại sông Phú Lộc (quận Thanh Khê) để quan trắc chất lượng môi trường nước. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), thời gian qua, kết quả quan trắc chất lượng môi trường không khí của thành phố (bụi (PM10), khí NO2, SO2... tại các vị trí đều bảo đảm theo quy chuẩn QCVN 05:20213/BTNMT. Kết quả quan trắc chất lượng nước sông Cu Đê đều đạt quy chuẩn; các thông số cơ bản như: DO, BOD5, COD tại các vị trí quan trắc tại sông Hàn và các sông tại Đà Nẵng thuộc lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn đều nằm trong giới hạn cho phép của quy chuẩn QCVN 08:2015/BTNMT.

Tuy nhiên, Phó Giám đốc Sở TN&MT Võ Nguyên Chương cho rằng, nguy cơ gia tăng nguồn thải từ các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, đô thị hóa, công nghiệp hóa và các tác động tiêu cực đến chất lượng môi trường không khí, nước, đất có xu hướng ngày càng gia tăng. Thực tế đó yêu cầu thành phố có những hệ thống giám sát, cảnh báo sớm về hiện trạng, diễn biến mức độ ô nhiễm và kịp thời cung cấp các dữ liệu về môi trường, làm cơ sở để các cơ quan quản lý tham mưu ra quyết định xử lý kịp thời.

Mới đây, Sở TN&MT đã xây dựng và trình UBND thành phố ban hành chương trình quan trắc chất lượng môi trường thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021-2025 với tổng kinh phí 31,7 tỷ đồng, nhằm tăng cường quan trắc chất lượng môi trường không khí, nước và bổ sung 2 hệ thống quan trắc mới là quan trắc môi trường đất, trầm tích. Theo đó, có 58 vị trí quan trắc môi trường không khí; 64 vị trí quan trắc môi trường nước ở các sông, suối, hồ, biển ven bờ; 6 vị trí quan trắc đất; 5 vị trí quan trắc trầm tích.

Đáng chú ý, bên cạnh 3 trạm quan trắc tự động và liên tục môi trường không khí hiện có, thành phố đầu tư bổ sung 6 trạm tương tự tại các vị trí ở các quận, huyện để đo nhiệt độ, độ ẩm, vận tốc gió, bụi, nồng độ các khí CO, SO2, NO2... với tần suất đo 5 phút/lần. Bên cạnh đó, có 52 điểm lấy mẫu bụi với tần suất 10 ngày/mẫu và lấy mẫu các khí NO2, SO2... với tần suất 20 ngày/mẫu để quan trắc chất lượng không khí tại các địa điểm như: Công ty Xi-măng Hải Vân, Công ty Thép Đà Nẵng, làng đá mỹ nghệ Non Nước, Khu công nghiệp dịch vụ thủy sản Thọ Quang, Khu công nghiệp Hòa Cầm, Cụm công nghiệp Thanh Vinh, Công ty Xi-măng Cosevco 19...

Để bảo đảm chất lượng nước sinh hoạt cấp cho người dân, thành phố giữ nguyên trạm môi trường nước tự động, liên tục tại khu vực Nhà máy nước Cầu Đỏ và bổ sung thêm 5 trạm quan trắc tự động, liên tục đo độ pH, DO, độ mặn, độ đục, thủy ngân... tại các sông: Hàn, Cu Đê, Phú Lộc, Vu Gia, Vĩnh Điện, Túy Loan với tần suất 5 phút/lần. Thành phố cũng quy định quan trắc định kỳ 6 tháng/lần về môi trường đất (hàm lượng đồng, chì, kẽm, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật...) tại vùng rau Túy Loan Tây, vùng rau La Hường, các khu vực đất nông nghiệp ở xã Hòa Châu, Hòa Phú, Hòa Bắc, Hòa Khương và quan trắc trầm tích (bùn) tại các sông: Hàn, Quá Giáng, Vĩnh Điện, Cu Đê.

Cùng với hệ thống quan trắc môi trường do thành phố đầu tư và thực hiện, các doanh nghiệp cũng lắp đặt, vận hành hệ thống quan trắc về chất lượng nước thải, khí thải... theo quy định của pháp luật. “Việc thu nhận đầy đủ các dữ liệu về môi trường có ý nghĩa quan trọng để các cơ quan chức năng dự báo, cảnh báo chất lượng môi trường và cung cấp thông tin đầy đủ về chất lượng môi trường đến cộng đồng, người dân”, ông Võ Nguyên Chương nhấn mạnh.

Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực từ ngày 1-1-2022, UBND cấp tỉnh tổ chức thực hiện các chương trình quan trắc môi trường trên địa bàn, báo cáo HĐND cùng cấp, Bộ TN&MT về kết quả quan trắc môi trường hằng năm. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân quan trắc môi trường phải thực hiện định kỳ, thường xuyên, liên tục nhằm cung cấp, công bố thông tin về chất lượng môi trường cho cộng đồng. Dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp có phát sinh chất thải ra môi trường phải thực hiện quan trắc theo quy định.

Trong nội dung đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường” giai đoạn 2021-2025 do UBND thành phố ban hành, thành phố đặt mục tiêu có hơn 95% các nguồn phát thải (khí thải, nước thải, chất thải rắn) theo quy định được kiểm soát tự động, liên tục; chỉ số chất lượng môi trường không khí thấp hơn 100 AQI và chỉ số chất lượng môi trường nước cao hơn 90 WQI; các điểm nóng ô nhiễm môi trường được cải tạo, không có cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng... Đề án cũng đề ra nhiệm vụ xây dựng hạ tầng kỹ thuật, mạng lưới quan trắc môi trường với công nghệ giám sát hiện đại.

HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.