Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng kiến nghị sửa đổi nhiều nội dung cấp thiết của các luật

.

ĐNO - Ngày 10-1, Quốc hội tiếp tục thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Văn Quảng; Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Trần Chí Cường; Phó Tư lệnh, kiêm Tham mưu trưởng Quân khu 5 Lê Ngọc Hải; Phó Giám đốc Công an thành phố Trần Đình Chung và Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Nguyễn Duy Minh dự tại điểm cầu thành phố Đà Nẵng.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng (thứ 2 bên phải) cùng các đại biểu Quốc hội thành phố trao đổi bên lề buổi thảo luận trực tuyến sáng 10-1.. Ảnh: NGỌC PHÚ
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng (thứ 2, từ phải qua) cùng các đại biểu Quốc hội thành phố trao đổi bên lề buổi thảo luận trực tuyến sáng 10-1.. Ảnh: NGỌC PHÚ

Tán thành cách làm một luật sửa nhiều luật

Phát biểu tại buổi thảo luận trực tuyến, đại biểu Trần Chí Cường thống nhất cao về sự cần thiết và cơ bản tán thành các nội dung tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của các ủy ban của Quốc hội về dự án Luật sửa đổi, bổ sung 8 luật trình Quốc hội.

Thống nhất cao quan điểm của Chính phủ trong xây dựng dự án luật; tán thành cách làm một luật sửa nhiều luật; các luật và nội dung sửa đổi, bổ sung phù hợp với quan điểm, yêu cầu, mục tiêu đặt ra trong việc thể chế hóa các văn kiện của Đảng và thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, tháo gỡ khó khăn trong đầu tư, sản xuất và kinh doanh, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước trước khó khăn do tác động của Covid 19.

Các điều khoản điều chỉnh bổ sung trong dự án luật là những vấn đề vướng mắc, khó khăn từ thực tiễn cần được tháo gỡ như các điều 31, 32 và điều 33 của Luật Đầu tư; Điều 55, 56 và Điều 57 của Luật Thi hành án dân sự...

Đại biểu Trần Chí Cường cũng đánh giá cao sự nỗ lực và quyết tâm của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong việc phân cấp, phân quyền, thể hiện rõ trong việc sửa đổi điểm g khoản 1 Điều 31 và điểm c khoản 1 Điều 75.

Kiến nghị sửa đổi nhiều nội dung quan trọng

Đi vào từng lĩnh vực cụ thể, đối với Điều 3 dự thảo Luật Đầu tư, đại biểu Trần Chí Cường thống nhất cao việc bổ sung ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, cụ thể là: “Kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng (trừ kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin mạng và kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự)”.

Tuy nhiên, theo đại biểu Trần Chí Cường, việc bổ sung ngành, nghề kinh doanh có điều kiện lần này với tên gọi là “Kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng” có thể chưa bao quát hết những sản phẩm tương tự nhưng có tên gọi khác.

Do đó, để bảo đảm linh hoạt, đề nghị nên giao Chính phủ quy định chi tiết, cụ thể hóa nội dung này. Bên cạnh đó, đề nghị cần quy định cơ chế, chế tài xử lý, xử phạt nghiêm các nhà mạng khi đưa các tin xấu, độc hại, vi phạm pháp luật, kể cả nhà mạng trong và ngoài nước.     

Đại biểu Trần Chí Cường phát biểu tại buổi thảo luận trực tuyến sáng 10-1. Ảnh: NGỌC PHÚ
Đại biểu Trần Chí Cường phát biểu tại buổi thảo luận trực tuyến sáng 10-1. Ảnh: NGỌC PHÚ

Đối với Điều 7 dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, đại biểu Trần Chí Cường thống nhất cao việc áp dụng mức thuế suất thấp trong 5 năm đầu đối với ô-tô chạy pin như dự thảo.

Tuy nhiên, đến năm thứ 6 kể từ ngày luật này có hiệu lực thi hành thì bắt đầu tăng mạnh thuế suất. Về vấn đề này, đề nghị cần xem xét lại, bởi các lý do sau: Thời gian ưu đãi trong vòng 5 năm còn ngắn, cần xem xét tăng lên 7 năm hoặc phải tính từ thời điểm sản phẩm này ra đời thì mới thật sự khuyến khích để phát triển ngành ô-tô điện chạy pin.

Ngoài ra, đại biểu Trần Chí Cưỡng cũng đề nghị Chính phủ giải thích và làm rõ cơ sở, căn cứ để nâng các mức thuế suất từ 3% lên 11%; từ 2% lên 7%; từ 1% lên 4%; từ 2% lên 7%.

Đại biểu Trần Chí Cường cũng chỉ rõ, bên cạnh các điều sửa đổi, bổ sung của các luật được xem là cấp thiết, vẫn có điều khoản cần sửa đổi, bổ sung (chủ yếu về phân cấp, phân quyền), chưa bao quát hết các vấn đề vướng mắc, khó khăn để khơi thông nguồn lực cho đầu tư phát triển.

Đối với Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), không có quy định đối với các lĩnh vực thương mại, chợ dân sinh, văn hóa, thể thao... dẫn tới các dự án thuộc các lĩnh vực này gặp rất nhiều khó khăn trong huy động các nguồn lực xã hội... Đây là những vướng mắc mang tính cấp bách, cần thiết, đề nghị cần rà soát thêm để tiến hành sửa đổi, bổ sung kịp thời.

NGỌC PHÚ

;
;
.
.
.
.
.