Lối đi của mình...

.

Gắn bó với Báo Đà Nẵng gần 3 năm nay, tôi có cơ hội tác nghiệp trong các thời điểm Covid-19 diễn biến phức tạp và một số chuyến công tác tại miền núi tỉnh Quảng Nam. Đây là những lần tác nghiệp đặc biệt, trải nghiệm quý giá và để lại trong tôi nhiều cảm xúc, kỷ niệm khó quên...

Cơ hội trong hiểm nguy

Khi tôi làm việc ở báo được khoảng 4 tháng, Covid-19 bùng phát tại Đà Nẵng, tâm điểm là khu vực ba bệnh viện: Bệnh viện C, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình và Phục hồi chức năng, Bệnh viện Đà Nẵng. Tác động, ảnh hưởng của dịch bệnh vô cùng nguy hiểm, hầu hết mọi người đều lo sợ, thậm chí hoang mang. Trước tình hình này, Ban Biên tập Báo Đà Nẵng lập tức thành lập Tổ phóng viên Covid-19 để kịp thời tuyên truyền, đăng tải thông tin, hình ảnh về dịch bệnh nhanh nhất cho người dân. Sôi sục “lửa nghề”, tôi nhanh chóng đăng ký tham gia vào tổ phóng viên và bắt đầu những ngày tháng tác nghiệp giữa tâm dịch. Không bàn đến hiểm nguy trong thời điểm này, chỉ nói đến trải nghiệm thì có thể khẳng định, Covid-19 mang lại cho tôi nhiều cảm xúc, bài học và kỷ niệm khó quên...

Phóng viên phỏng vấn nhà báo Lê Quang Á, Phó Chủ tịchThường trực Hội Nhà báo thành phố Đà Nẵng (bên trái) trong chuyến tác nghiệp, tặng quà tại huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam).  Ảnh: THIÊN DUYÊN
Phóng viên phỏng vấn nhà báo Lê Quang Á, Phó Chủ tịchThường trực Hội Nhà báo thành phố Đà Nẵng (bên trái) trong chuyến tác nghiệp, tặng quà tại huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam). Ảnh: THIÊN DUYÊN

Trong quá trình tham gia Tổ phóng viên Covid-19, tôi có dịp đồng hành với nhiều đồng nghiệp của cơ quan, nhưng hơn hết là được học hỏi kinh nghiệm từ những phóng viên lâu năm như Phan Chung, Ngọc Phú… Đặc biệt, phóng viên Phan Chung là người theo dõi lĩnh vực y tế lâu năm, giúp tôi có được nhiều đầu mối, nguồn tin để tác nghiệp. Có lần, tác nghiệp tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, gặp anh đang ngồi gõ tin. Thế nhưng, chúng tôi chỉ có thể chào hỏi từ xa và dặn nhau bảo trọng, không dám lại gần vì đều là những người có nguy cơ cao. Ngoài ra, thời gian này cũng giúp tôi xây dựng được mối quan hệ với nhiều cơ quan, đơn vị và quen biết thêm đồng nghiệp tại các báo, đài khác. Đây là những điều rất giá trị trong quá trình học nghề mà tôi thầm cảm ơn.

Đầu tháng 5-2021, Covid-19 ập đến lần nữa. Lần này, dịch bệnh lây lan nhanh, bùng phát diện rộng và nguy hiểm hơn nhiều vì là biến chủng mới. Tổ phóng viên Covid-19 lại được Ban Biên tập Báo Đà Nẵng tái thành lập với đa số phóng viên có kinh nghiệm tuyên truyền phòng, chống lần trước. Tuy nhiên, lần này đặc biệt hơn vì thời điểm thành phố phong tỏa, tổ phóng viên được phân công “3 tại chỗ” ở cơ quan. Đến giờ, khi nghĩ về những ngày đó, chúng tôi cũng vẫn rất xúc động vì sát cánh cùng nhau. Đây là những ngày tháng không thể quên khi chúng tôi cùng ăn, cùng ngủ, cùng làm việc bằng tất cả nhiệt huyết.

Tôi nhớ những đêm mấy anh em cùng nhìn thành phố không bóng người và bàn luận với nhau về kế hoạch tác nghiệp, tuyên truyền cho ngày hôm sau; nhớ những ngày đến tận khuya, ánh đèn máy tính vẫn sáng, âm thanh bàn phím vẫn lạch cạnh mà không ai chịu đi ăn cơm vì muốn kịp thời chuyển tải thông tin đến người dân. “Cố gắng lên, giờ không chỉ báo mình mà các báo khác cũng chỉ có một số anh em phóng viên được ra ngoài đưa tin. Chúng ta phải tuyên truyền kịp thời để góp phần đẩy lùi dịch bệnh, người dân bớt khổ, chúng ta cũng sớm được về nhà”, anh Lê Hùng, cũng là phóng viên có kinh nghiệm lâu năm theo dõi lĩnh vực y tế, động viên chúng tôi. Lần động viên này cũng như những lần khác, anh đều nhìn vào màn hình điện thoại, nơi có tấm ảnh hai cậu con trai nhỏ với ánh mắt rưng rưng. Chúng tôi hiểu, anh rất nhớ và lo cho vợ con.

Dịch bệnh năm 2021 lại đi qua, thành phố trở về trạng thái bình thường mới với quy định “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả Covid-19” của Chính phủ. Chúng tôi, ai lại trở về nhà nấy và tiếp tục với công việc, lĩnh vực phụ trách bình thường. Tuy nhiên, những kỷ niệm, cảm xúc của những ngày chống dịch, có lẽ không bao giờ phai mờ trong tất cả chúng tôi.

Phóng viên Lê Hùng vượt qua đoạn đường gập ghềnh trong chuyến đi tác nghiệp tại huyện Tây Giang  (tỉnh Quảng Nam).
Phóng viên Lê Hùng vượt qua đoạn đường gập ghềnh trong chuyến đi tác nghiệp tại huyện Tây Giang (tỉnh Quảng Nam).

Vượt qua những giới hạn của bản thân

Tôi có hai lần được phân công đi tác nghiệp tại các huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam gồm: Tây Giang và Nam Trà My. Đối với những cơ quan báo chí khác, chuyện đi tác nghiệp ở các tỉnh, thành phố khác không có gì quá bất ngờ, nhưng với những báo địa phương thì tương đối hiếm.

Lần đi huyện Tây Giang đầu năm 2021, tôi và phóng viên Lê Hùng được Ban Biên tập cử đi ghi nhận, phản ánh thông tin về việc kiểm soát biên giới của lực lượng biên phòng nhằm ngăn chặn Covid-19 xâm nhập lãnh thổ. Cùng với sự nhiệt tình, hiếu khách của cán bộ, chiến sĩ biên phòng và bà con đồng bào, Tây Giang đón tiếp chúng tôi bằng thời tiết se lạnh, sương mù dày đặc, khác hoàn toàn với cái nắng ấm áp ở Đà Nẵng. Sau khi làm quen, trình bày nhiệm vụ và ăn bữa cơm chiều với các chiến sĩ, chúng tôi bắt tay ngay vào công việc tuần tra đêm dọc bìa rừng. Đây cũng là lần đầu tiên tôi được trải nghiệm trèo đèo, lội suối, ngủ trong rừng nên có chút khó khăn trong đi lại. Cũng chính vì điều này, tôi càng thêm yêu, cảm phục màu áo lính, dù khó khăn, vất vả nhưng các anh vẫn mỉm cười lạc quan với câu nói cửa miệng: “Đời lính mà!”.

Chuyến đi Tây Giang để lại trong tôi với nhiều cảm xúc. Qua chuyến đi này, tôi - một phóng viên trẻ, non kinh nghiệm biết được rằng, làm báo không nhàn. Tuy nhiên, những vất vả trong chuyến đi giúp tôi củng cố thêm sức bền của tinh thần. Từ đó, khi gặp bất cứ chuyện gì khó khăn, gian nan, tôi cũng nhắc nhở mình “cố thêm chút nữa”. Từ việc “cố thêm chút nữa” đến “không bỏ cuộc” còn xa, nhưng giúp tôi vượt qua những giới hạn của bản thân khi đối mặt với nhiều vấn đề khác nhau, không chỉ trong nghề báo.

Tác giả tác nghiệp tại chốt kiểm soát Covid-19 thời điểm thành phố thực hiện
Tác giả tác nghiệp tại chốt kiểm soát Covid-19 thời điểm thành phố thực hiện "Ai ở đâu thì ở đó". Ảnh: V.H

Đối với chuyến đi Nam Trà My, tôi được phân công đi cùng Hội Nhà báo thành phố Đà Nẵng đến trao quà, động viên các em nhỏ tại Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và THCS Trà Nam. Trên đường về, nhà báo Đỗ Vinh (VTV8) trăn trở: “Còn một số trường trên này rất khó khăn, điều kiện học tập, vui chơi của các em học sinh có nhiều hạn chế. Đi mới thấy thương, cảm phục đội ngũ giáo viên và các em học sinh đến nhường nào. Nếu có điều kiện duy trì, tiếp tục những hoạt động thế này thì tốt biết mấy”.

Đối với những phóng viên trẻ như tôi, được nghe tận tai, thấy tận mắt những hoạt động như trên khiến bản thân càng thêm yêu nghề báo, cảm phục các đồng nghiệp đi trước. Nghề báo mang đến cho tôi nhiều niềm vui, trải nghiệm khó quên. Dù biết còn nhiều chông gai phía trước, nhưng tôi rất tự hào và nghĩ rằng, bản thân đã quyết định đúng khi chọn nghề báo làm lối đi cho mình.

XUÂN DŨNG

;
;
.
.
.
.
.