Phát huy vai trò ban nữ công trong doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước

.

Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 12b/NQ-BCH ngày 12-7-2017 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam (khóa XI) về ban nữ công quần chúng doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước (DNNKVNN), đến nay, các cấp Công đoàn thành phố đạt được nhiều kết quả khả quan, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động công tác nữ công trong hoạt động Công đoàn. 

Nữ đoàn viên, lao động Công ty TNHH  Điện tử Foster dự nghe tuyên truyền về sức khỏe sinh sản.Ảnh: PHAN HÀ
Nữ đoàn viên, lao động Công ty TNHH Điện tử Foster dự nghe tuyên truyền về sức khỏe sinh sản. Ảnh: PHAN HÀ

Hoàn thành vượt chỉ tiêu nghị quyết

Theo báo cáo từ LĐLĐ thành phố, hiện nay, Công đoàn thành phố có hơn 1.150 Công đoàn cơ sở tại DNNKVNN, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập, với 77.277 đoàn viên/89.055 công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ). Tổng số ban nữ công quần chúng tại DNNKVNN là 522/631 đơn vị đủ điều kiện thành lập ban nữ công, chiếm 82,7%. Theo Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Đinh Thị Thanh Hà, với kết quả này, Đà Nẵng đã hoàn thành vượt chỉ tiêu do Tổng LĐLĐ đề ra trong nghị quyết là phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ 2018-2023 có 60% trở lên Công đoàn DNNKVNN thành lập ban nữ công quần chúng theo đúng Điều lệ Công đoàn Việt Nam.

Trong 5 năm triển khai thực hiện nghị quyết, LĐLĐ thành phố đã tổ chức 60 lớp tập huấn cho hơn 3.700 ủy viên ban chấp hành, cán bộ nữ công về các nội dung liên quan đến công tác nữ công, giới, bình đẳng giới, thành lập ban nữ công quần chúng. Trên cơ sở chỉ đạo của Ban Thường vụ LĐLĐ thành phố, Công đoàn các ngành, quận, huyện chú trọng tham mưu cấp ủy cùng cấp trong công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và bổ nhiệm cán bộ nữ. Hiện nay, tỷ lệ nữ trong ban chấp hành Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở chiếm 37%, trong ban chấp hành Công đoàn cơ sở chiếm 59%, riêng ban chấp hành Công đoàn cơ sở DNNKVNN chiếm 56,4%.

Ban nữ công quần chúng đã phát huy vai trò của mình, trong đó, chủ động tham mưu nhiều nội dung liên quan đến quyền, lợi ích của lao động nữ, điển hình như công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật liên quan đến lao động nữ; đại diện tham gia thương lượng nhiều chính sách có lợi hơn cho lao động nữ, kịp thời nắm bắt tâm tư nguyện vọng của lao động nữ để tham mưu chăm lo, hỗ trợ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp; phát huy vai trò trong việc giám sát thực hiện chế độ, chính sách đối với lao động nữ; tổ chức tốt các phong trào thi đua, góp phần động viên, khích lệ lao động nữ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và tích cực xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc.

Giải pháp nâng cao vai trò của ban nữ công

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của ban nữ công quần chúng tại DNNKVNN còn tồn tại, hạn chế như có đơn vị đủ điều kiện thành lập ban nữ công quần chúng nhưng chưa thành lập. Công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ nữ công cho đội ngũ cán bộ Công đoàn cơ sở chưa hiệu quả; chất lượng hoạt động của ban nữ công quần chúng một số đơn vị chưa phát huy hết vai trò, chưa nắm bắt được hết tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên nữ. “Sau 2 năm ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp phải giải thể, đóng cửa, ngừng hoạt động nhiều tháng nên đội ngũ cán bộ Công đoàn, cán bộ nữ công biến động nhiều. Hoạt động của ban nữ công quần chúng vì thế gặp rất nhiều khó khăn”, bà Đinh Thị Thanh Hà cho biết.

Thời gian đến, Ban Thường vụ LĐLĐ thành phố xác định các nhiệm vụ trọng tâm như: tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của ban chấp hành Công đoàn DNNKVNN, nhất là người đứng đầu trong chỉ đạo hoạt động của ban nữ công quần chúng; thúc đẩy thành lập, kiện toàn ban nữ công quần chúng tại DNNKVNN; nâng cao chất lượng phong trào thi đua trong nữ CNVCLĐ. Ngoài ra, đẩy mạnh công tác tập huấn kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ nữ công, nâng cao chất lượng hoạt động ban nữ công Công đoàn các cấp, đặc biệt là ban nữ công quần chúng tại DNNKVNN; đa dạng hình thức chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nữ CNVCLĐ.

Giải pháp được đưa ra cho các cấp Công đoàn cơ sở là chủ động đưa nội dung công tác nữ công vào chương trình công tác hằng năm của ban chấp hành công đoàn; bố trí kinh phí cho các hoạt động của ban nữ công quần chúng theo quy định của Tổng LĐLĐ Việt Nam và Công đoàn cấp trên trực tiếp, đồng thời huy động thêm các nguồn kinh phí khác phù hợp với điều kiện, khả năng của đơn vị, hỗ trợ cho hoạt động nữ công; bảo đảm tỷ lệ nữ tham gia trong ban chấp hành Công đoàn cơ sở theo quy định; lựa chọn nữ công nhân lao động có năng lực, tâm huyết, uy tín để cơ cấu vào ban chấp hành Công đoàn, ban nữ công quần chúng; tiếp tục hướng dẫn các đơn vị đủ điều kiện thành lập ban nữ công quần chúng.

PHAN HÀ

;
;
.
.
.
.
.