Tác nghiệp ở vùng cao

.

“Úi xà! Úi xà! Úi xàaaaa…”. Đó là câu cửa miệng mà nghệ sĩ nhiếp ảnh Phi Long (Hội Văn học - nghệ thuật tỉnh Quảng Nam) thường bắt đầu câu chuyện của mình mỗi khi gặp đồng bào dân tộc Mông khi tác nghiệp ở vùng núi tỉnh Lai Châu. Phi Long chia sẻ: “Muốn tiếp cận được người dân bản, mình phải nói chuyện với họ bằng ngôn ngữ đời thường hằng ngày của đồng bào nơi đây. Có như vậy họ mới cảm thấy gần gũi và thoải mái để bắt chuyện và chia sẻ”.

Người Dao ở vùng cao Lai Châu rất thân thiện và mến khách. Ảnh: Đ.G.H
Người Dao ở vùng cao Lai Châu rất thân thiện và mến khách. Ảnh: Đ.G.H

Trong những ngày lên Tây Bắc tháng 3-2022, tôi có dịp theo chân Phi Long lăn lội trên những cung đường ngoằn ngoèo, trắc trở để len lỏi tác nghiệp vào tận sâu trong các bản núi cao. Do địa hình cư trú ở vùng núi hiểm trở, điều kiện đời sống bà con dân tộc còn nhiều khó khăn nên họ ít có cơ hội tiếp cận văn hóa hiện đại. Thời gian chủ yếu dành cho đi rừng làm nương làm rẫy, hoặc hái thảo quả, đốn củi. Vì vậy, khi gặp người lạ, họ thường ngại tiếp xúc, thậm chí còn bỏ chạy mỗi khi chúng tôi đưa máy ảnh lên chụp.

Do đó, cách tốt nhất để bắt chuyện là bắt đầu bằng lời chào bằng những câu nói dân giã và quen thuộc của người dân địa phương. Khi họ đã cảm thấy thân quen thì sẽ trở nên thân thiện và cởi mở để chia sẻ cuộc sống của mình. Nhờ đó, chúng tôi không chỉ nghe người Mông, Dao, Thái, Lự, Hà Nhì… kể về những phong tục, văn hóa truyền thống độc đáo của dân tộc họ, mà còn được mời ở lại nhà dùng cơm và đi dự đám cưới.

Vào một buổi chiều nhạt nắng, trên đường chúng tôi vào xã Ma Quai, huyện Sìn Hồ (tỉnh Lai Châu) thì bắt gặp người Lự đang kéo tơ, dệt vải ven đường rất yên bình và đẹp mắt. Khi chúng tôi đưa máy lên để bắt những khoảnh khắc đẹp của cuộc sống người dân nơi đây thì bị họ phát hiện và chạy trốn. Nhưng sau đó, bằng những câu hỏi thân tình và nói rõ ý định chụp ảnh của mình, người dân mới quay lại làm công việc dệt vải để cho chúng tôi chụp ảnh.

Đặc biệt, trẻ em vùng cao thân thiện nhưng lại rất nhút nhát. Trong một lần về xã Dào San, huyện Phong Thổ (tỉnh Lai Châu), vào giờ tan học, các em tỏa ra từ các nẻo đường lưng chừng núi rất đẹp nhưng khi chúng tôi đưa máy lên, các em cắm đầu chạy thục mạng. Với trẻ em ở bản, theo Phi Long, cách đơn giản nhất để tác nghiệp là nên thủ sẵn vài gói kẹo, hộp bánh trong túi để làm quen. Lúc đó, phóng viên có thể vừa bắt chuyện, vừa đưa máy lên chụp để có những tấm ảnh thật tự nhiên và giàu cảm xúc.

Tác giả (bên phải) trò chuyện với trẻ em người Mông tại vùng núi tỉnh Lai Châu. Ảnh: Đ.G.H
Tác giả (bên phải) trò chuyện với trẻ em người Mông tại vùng núi tỉnh Lai Châu. Ảnh: Đ.G.H

Là một phóng viên dày dạn kinh nghiệm tác nghiệp ở vùng cao Tây Bắc, nhà báo Bùi Chiến (Báo Lai Châu) chia sẻ: “Báo vùng cao thường sử dụng nhiều ảnh, cách viết cũng ngắn gọn, gần gũi để bà con dân tộc dễ đọc, dễ hiểu nên báo ảnh rất quan trọng. Tôi cũng học một chút tiếng dân tộc Mông, Dao, Thái, Hà Nhì… để chào xã giao và bắt chuyện với người dân địa phương trong những chuyến đi công tác.

Tuy nhiên, khó khăn khi tác nghiệp ở vùng cao vẫn là giao thông đi lại hiểm trở, nhất là vào mùa mưa thường bị sạt lở, nhiều khi lên tới nơi thì đã quá giờ hẹn hoặc phải đợi thêm vì họ bận đi công việc”. Giải thích về việc nhiều phụ nữ, trẻ em vùng cao sợ ống kính phóng viên, anh Bùi Chiến cho biết: “Do có vài nơi người dân ít gặp người lạ nên ngại giao tiếp. Một phần cũng do bất đồng về ngôn ngữ. Vì vậy, mỗi lần đi bản, chúng tôi cũng phải nhờ đến sự giúp đỡ của bộ đội biên phòng và thầy cô ở bản trong việc thông dịch tiếng dân tộc và hướng dẫn địa bàn”.

Dẫu tác nghiệp vùng cao bên cạnh khó khăn thì cũng có rất nhiều thuận lợi, niềm vui. Đó là Bộ đội Biên phòng rất tình cảm, thầy cô vùng cao nhiệt tình, người dân ở bản thật thà, hồn hậu, dễ gần. Họ luôn sẵn sàng giúp đỡ và tạo điều kiện hết sức cho chúng tôi tác nghiệp, ngay cả việc đi lại, ăn ở dù cuộc sống nơi đây còn nhiều vất vả. Có lẽ vậy mà nhiều phóng viên như chúng tôi mỗi lần đến đây công tác đều mang về nhiều kỷ niệm đẹp khiến chúng tôi nhớ mãi sau khi về xuôi.

ĐOÀN GIA HUY

;
;
.
.
.
.
.