"Dân vận khéo" trong giải phóng mặt bằng: Kinh nghiệm từ Đà Nẵng

Bài cuối: Nâng cao đời sống, phát triển kinh tế - xã hội

.

Sự đồng thuận trong giải phóng mặt bằng, triển khai dự án đã thay đổi cuộc sống của chính người dân, góp phần quan trọng vào công cuộc chỉnh trang đô thị, phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Tất cả các chủ trương, chính sách cũng vì cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn của chính người dân thành phố.

Đồ họa: THANH HUYỀN
Đồ họa: THANH HUYỀN

Cuộc sống mới sau giải tỏa

Những năm qua, cùng với chủ trương phát triển không gian đô thị về phía đông nam, chính quyền, nhân dân phường Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ) đồng tâm, hiệp lực xây dựng và phát triển nơi đây trở nên hiện đại, khang trang. Từ một khu vực thuần nông, đến nay Hòa Xuân trở thành phường trọng điểm về phát triển đô thị của thành phố. Đặc biệt, sau chỉnh trang đô thị, phường không còn kiệt, hẻm.

Từng sinh sống trong vùng “rốn lũ” Hòa Xuân, khi thành phố triển khai dự án Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân, bà Lê Thị Tuyết (tổ 66) không chần chừ bàn giao ngay mảnh đất và ngôi nhà đang sống để chuyển đến nơi ở mới.

“Suốt hàng chục năm sống trong cảnh ngập lụt triền miên, cả nhà tôi ớn đến tận óc. Khi nghe được chuyển đến nơi ở mới cao ráo, sạch sẽ không có lý do gì để tôi từ chối cả. Cô thấy đó, giờ các con, cháu của tôi được sống trong ngôi nhà khang trang, mát mẻ. Nếu không có dự án làm sao chúng tôi có được cuộc sống hôm nay”, bà Tuyết bộc bạch.

Cạnh nhà bà Tuyết, ông Lê Văn Lực (75 tuổi, tổ 66) cũng là hộ tái định cư. Trước đây ông có nhà và đất gần 800m2 nằm trong diện quy hoạch dự án Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân. Lúc mới hay tin sẽ bị thu hồi nhà, đất, ông Lực và gia đình không khỏi rầu rĩ khi nghĩ đến cảnh sắp không được sống trên mảnh đất bao đời cha ông để lại. Nhưng rồi nghĩ đến nước ngập nửa nhà mỗi khi mùa mưa lũ đến, ông Lực động viên vợ và các con bàn giao đất, chuyển đến nơi ở mới.

“Ngày ấy nhờ chuyển đến nơi ở mới thuận tiện nên các con tôi được đi học đầy đủ chứ không “bữa đực bữa cái” như trước. Bây giờ đứa nào cũng có cuộc sống ổn định, khấm khá. Vợ chồng tôi túc tắc với quầy tạp hóa nhỏ, coi vậy chứ cũng đủ sống, vậy là tốt rồi”, ông Lực chia sẻ.

Ông Đặng Nẫm (SN 1949, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang) có đất, nhà nằm trong quy hoạch dự án đường vành đai phía tây 2. Khi nghe chính quyền địa phương thông báo về chủ trương dự án và tiến độ thực hiện phương án đền bù, hỗ trợ tái định cư, ông Nẫm kỳ vọng về một cuộc sống mới ổn định, tươm tất hơn. Ông Nẫm bị thu hồi 800m2 đất. Sau khi được thông báo về phương án đền bù gồm 4 lô đất đường 5,5m ở khu tái định cư Hòa Liên 4 và 1 tỷ đồng bồi thường vật kiến trúc, ông thấy thỏa đáng và nhanh chóng chấp hành chủ trương.

Sau khi nhận đất  tái định cư và tiền đền bù, ông còn được Hội đồng Giải phóng mặt bằng huyện Hòa Vang hỗ trợ thêm 6 tháng tiền thuê nhà với số tiền gần 11 triệu đồng để thuê nơi ở trong khi xây nhà mới. “Cuộc sống trước đây vô cùng chật vật, khó khăn. Dù đất đai rộng nhưng lại nằm trong vùng trũng, cứ đến mùa mưa là ngập lụt, lầy lội. Nay nhờ có dự án và được giải tỏa đi nơi mới, đại gia đình 14 người nhà tôi mới có cuộc sống ổn định như hôm nay”, ông Nẫm trải lòng.

Bà Trịnh Thị Hà, Trưởng thôn Quan Nam 2 (xã Hòa Liên) cho biết, khu vực này là vùng trũng thấp. Vào mùa mưa, cả vùng trở thành ao tù đọng nước ô nhiễm, đất đai cằn cỗi, khó canh tác, trồng trọt. Vì thế, khi hay tin có tuyến đường đi qua, nhân dân ai nấy đều phấn khởi, nhanh chóng bàn giao mặt bằng, trông chờ ngày được đi trên còn đường mới.

Đô thị khởi sắc, đời sống nâng cao

Việc triển khai các dự án trọng điểm của thành phố đã làm thay đổi rõ rệt diện mạo nông thôn của huyện Hòa Vang: hạ tầng giao thông từng bước được đầu tư đồng bộ, nhiều tuyến đường trục chính kết nối với các quận, các khu dân cư, tạo thuận lợi cho việc lưu thông, phát triển thương mại, dịch vụ; quá trình đô thị hóa tạo nên sự chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu lao động; chất lượng đời sống của người dân ngày càng được nâng lên rõ rệt. Tổng thu nhập bình quân đầu người năm sau cao hơn năm trước, năm 2020 đạt 55,08 triệu đồng/người/năm, qua năm  2021 đạt 55,25 triệu đồng/người/năm, tăng 1,98 lần so với năm 2016.

Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang Nguyễn Tấn Khoa cho biết, trung bình mỗi năm, huyện chuyển đổi khoảng 100ha đất nông nghiệp sang mục đích phát triển hạ tầng kỹ thuật, xây dựng công trình, các dự án đầu tư. Một bộ phận người dân phải chuyển đổi nghề nghiệp. Để bảo đảm chính sách an sinh xã hội, UBND huyện triển khai thực hiện lồng ghép, hỗ trợ đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho các hộ gia đình, cá nhân có đất bị thu hồi, nhất là thu hồi đất nông nghiệp trong kế hoạch đào tạo nghề, giới thiệu việc làm của huyện hằng năm. Từ năm 2020 đến nay đã dạy nghề trình độ sơ cấp cho 427 lượt người, tập huấn hướng dẫn nghề cho 657 lượt người, giới thiệu giải quyết việc làm cho 3.340 lao động ở các vùng dự án có đất bị thu hồi. Huyện còn đưa 490 tu nghiệp sinh sang sản xuất nông nghiệp tại quận Yeongyang, Hàn Quốc. Trong tháng 8-2022, huyện tiếp tục đưa 148 người tiếp tục sang Hàn Quốc làm việc.

Ông Nguyễn Đình Thu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang) khẳng định, các dự án đã và đang triển khai trên địa bàn như “thổi một luồng gió mới” đến cuộc sống của người dân. Nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh của xã có cơ hội phát triển như nghề làm kiệu hương, trồng nấm linh chi, mô hình nuôi gà được xây dựng thành hợp tác xã. Cuộc sống của người dân cũng khấm khá hơn trước rất nhiều.

Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn Nguyễn Hòa cho biết, sau nhiều năm thực hiện số lượng lớn các dự án giải tỏa đền bù (83 dự án), từ một quận phụ thuộc hoàn toàn vào hỗ trợ từ thành phố, nay không chỉ tự chủ mà còn đóng góp đáng kể vào ngân sách cho thành phố. Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn quận 5 năm qua ước thực hiện hơn 5.000 tỷ đồng, đạt bình quân 173,9% kế hoạch giao. Hạ tầng kỹ thuật các tuyến đường được đầu tư nâng cấp, mở rộng, khớp nối giao thông, các khu dân cư, khu đô thị mới đã được triển khai đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật… Nhờ vậy, các hoạt động kinh tế - xã hội và nhu cầu đi lại của nhân dân thuận lợi, góp phần thúc đẩy quá trình giao lưu, kết nối với các địa phương lân cận, diện mạo đô thị của quận được hình thành theo hướng văn minh, hiện đại. Là địa bàn trọng điểm phát triển du lịch, dịch vụ, người dân sau khi chuyển đổi ngành nghề phần lớn làm việc trong các cơ sở kinh doanh du lịch và Làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước, có thu nhập ổn định.

Vì mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương cả trước mắt cũng như lâu dài, nhân dân toàn thành phố nhận thức rõ lợi ích của các dự án mang lại đối với đời sống xã hội, qua đó tạo được sự đồng thuận trong nhân dân trong công tác giải phóng mặt bằng, giao đất cho các dự án. Với sự tham gia của cả hệ thống chính trị, khẳng định vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng; hiệu lực quản lý, điều hành của chính quyền và công tác vận động, giám sát của MTTQ, các đoàn thể nhân dân, trên tinh thần công khai, công bằng, dân chủ và đúng pháp luật, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền; nhân dân ở các vùng dự án vì mục tiêu chung, đồng hành chính quyền để xây dựng thành phố ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.

HOÀNG NHUNG - LAM PHƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.