Thời kháng chiến chín năm chống thực dân Pháp, từ năm 1948, khi Ban Tuyên truyền kháng chiến đổi thành Ty Thông tin tuyên truyền thì ông Trần Hưng Thừa làm Trưởng ty Thông tin tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Đây là thời gian ông quen biết và muốn kết hôn với bà Vũ Thị Hồng Hải, nhân viên của Ty Thông tin. Sau đó, đám cưới được tổ chức đơn giản, cơ quan gặp mặt anh em rồi tuyên bố lý do, giới thiệu hai người là vợ chồng, ‘‘vui duyên mới không quên nhiệm vụ’’. Đại diện Tỉnh ủy có ông Hồ Nghinh, người mai mối cho Thừa - Hải, đến dự. Sau buổi lễ, họ dẫn nhau về nhà mẹ vợ chụp ảnh kỷ niệm và cùng gia đình ăn bữa cơm thân mật.
Tiên Phước hôm nay. Ảnh: HUY ĐẰNG |
Lúc bấy giờ vào dịp Tết độc lập mùa thu năm 1951, trên vùng đất tự do thời kháng chiến, nhà mẹ vợ của ông Trần Hưng Thừa ở gần đồn Đại Lý - Tam Kỳ. Mấy người thân của gia đình hai họ đến thăm chơi như ông Hồ Nghinh, ông Trương Tử Hồ, anh em cột chèo với Trần Hưng Thừa. Bên quân đội có Trung đoàn trưởng Đàm Quang Trung - vị tướng nổi tiếng thời đánh Pháp, Chính ủy Lư Giang - vị tướng tài trong chống Mỹ trên chiến trường Quảng Đà… Đó là lần gặp mặt thân mật, sau bữa cơm có chụp ảnh kỷ niệm, bà Hải không bao giờ quên. Cưới xong thì ông Trần Hưng Thừa chia tay vợ, nói đi công tác. Ông đi bộ gần ba tháng trời mới ra đến căn cứ Việt Bắc.
Cuối năm 1953, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bước vào giai đoạn chuẩn bị “tổng phản công”, gần Tết Quý Tỵ… Bà Hồng Hải sinh con gái đầu lòng đặt tên là Trần Minh Thọ, sau thay chữ Minh bằng chữ Bích. Trong một dịp công tác thuận đường, ông Trần Hưng Thừa tranh thủ tạt về nhà thăm hai mẹ con, ông bồng con gái đầu lòng hôn thật lâu, nhìn đôi mắt sáng giống mẹ của con một lúc rồi chia tay vợ. Ông đi rồi, mẹ con dẫn nhau về Cây Cốc, xã Tiên Thọ, huyện Tiên Phước, nơi gia đình bà ngoại cháu Bích Thọ tản cư lên ở sau ngày toàn quốc kháng chiến năm 1946.
Những ngày sau khi ký Hiệp định Genève, hai mươi tháng Bảy năm 1954, họ không được hưởng một ngày hòa bình mà chứng kiến và nếm nỗi đau thương do lính Liên hiệp Pháp (thực chất là lính đánh thuê cho Pháp) và bọn phục thù đàn áp đẫm máu đồng bào ở Cây Cốc. Không thể ở lại với Cây Cốc một thời kháng chiến gian khổ với bao nhiêu kỷ niệm vui nhiều hơn buồn, hai mẹ con bà Hải dẫn nhau xuống Tam Kỳ, xin ở nhờ nhà bà Bốn được thời gian ngắn thì bà ngoại vào hối đi. Mẹ con xách cái túi, gánh đôi bầu với đồ đoàn ra đón xe nhà binh xin lính áo quần sáu túi cho theo xe về Hội An. Lúc bấy giờ chưa có xe hàng Tiên Phước - Tam Kỳ mà có nhiều xe nhà binh chạy lên chạy xuống.
Trước khi rời Cây Cốc, trong một đêm, ông Trần Hưng Thừa lần về, không dám vô nhà mà nhắn bà Hải ra gặp ở ngoài cái dốc gần đó. Ông Trần Hưng Thừa cho vợ biết không đi tập kết, ở lại vào rừng, vợ và con ráng chịu cực hai năm.
Bà Hải nắm hai bàn tay lạnh của chồng nói như khóc: “Chờ được mạ thì má đã sưng”. Trước lúc bịn rịn chia tay, bà Hải hỏi chồng: Anh đi rồi em ở đâu? Một câu hỏi, không chỉ bà Hải, mà biết bao nhiều bà vợ có chồng đi kháng chiến, đều trăn trở lúc bịn rịn chia tay người thân yêu, không tài nào trả lời được dù ông có nghĩ đến một cách mơ hồ.
Tình hình bức bách buộc ông Trần Hưng Thừa phải chia tay vợ con, ông không thể hiểu được điều gì sẽ xảy ra với hai mẹ con chân yếu tay mềm và càng không thể biết kẻ thù vô cùng mưu ma làm những gì trong thời gian hai năm ấy đối với vợ con cán bộ kháng chiến ở lại không đi tập kết. Ông Trần Hưng Thừa không về nhà nhưng bọn chúng nghĩ thế nào ông cũng về nhà thăm vợ trẻ, thăm con thơ, nên đêm nào chúng cũng rình rập quanh nhà. Một hôm, cả nhà đang ngồi ăn cơm tối bên ngọn đèn dầu không đủ sáng thì bọn ngóc đầu dậy dẫn một tốp lính xộc vào nhà, nhìn quanh không thấy ông Trần Hưng Thừa. Cả Lương, viên chỉ huy, hỏi như tra: Ông Thừa về ở đâu?
Không biết anh Thừa ở đâu, bà Hải trả lời. Không chỉ ông Thừa ở đâu tau bắn cả nhà. Bọn chúng dọa.
Mấy ông mà tìm được anh Thừa ở trong nhà này thì mấy ông bắn hết cũng được. Anh Vũ Đức Kỳ, em trai bà Hải khẳng định với bọn chúng.
Vẫn không tin, bọn chúng chia nhau lục tìm khắp nhà, chúng rọi đèn pin cả trong những bụi cây um tùm ở khu đồi gò sau nhà.
Tình hình đen tối đầy đe dọa vây quanh làng trên, xóm dưới, những gia đình có người thân tham gia kháng chiến thao thức không yên, song bà Hải cố chần chừ muốn ở lại Cây Cốc, với hy vọng một đêm chồng sẽ lần về.
Sau bao nhiêu năm, bước vào tuổi xế chiều, ngồi kể chuyện thời xa xưa, nhắc lại cái đêm chờ chồng về ấy, bà Hải không thể nào quên câu nói tự đáy lòng: May mà anh ấy không về! Nước mắt bỗng ứa dài trên đôi má nhiều vết nhăn.
Vậy là chỉ một lần - lần gặp nhau vừa run sợ trong tối mò, ở chân cái dốc gần Cây Cốc ấy, là lần gặp nhau sau cùng, rồi biệt tăm, biệt tích hơn hai mươi năm - hai mươi năm trời, nhằm mưu sinh, bà Hải phải trải qua những nghề không tên. Đầu tiên là nghề hàng xáo. Sáng dậy sớm cơm nước xong, bà quảy đôi mủng vào làng mua lúa về xay giả toát mồ hôi, bưng mủng gạo ra góc chợ Cẩm Khê ngồi bán.
Cái nghề nặng nhọc mà không mấy đồng lời, có hôm được chút cám cho heo, bà chuyển sang làm phụ hồ, nai lưng vác gạch, vác tắp lô nắng nóng mồ hồi nhễ nhại. Gặp người quen thấy bà cực nhọc quá, giới thiệu cho bà vào làm nhân viên sẫy quế cho xưởng chế biến quế - loại quế từ Trà My chuyển xuống Tam Kỳ.
Ráng chịu đựng với nóng hầm và bụi quế nồng cay, kiếm chút gạo nuôi con, cũng không yên, bà rời xưởng làm quế, xin đi giặt quần áo cho một tiệm giặt ủi, rồi chuyển sang rút rễ làm chuổi, rút bót làm bàn chải, rồi có được một chỗ làm cao sang nhất là nhân viên bán xăng dầu, lại bị bà chủ mất tiền vu bà ăn cắp, không chịu trả tiền công. Bà Hải bỏ việc, bưng cái rổ đội nón đi bán hàng rong. Việc cực chi bà cũng làm được để có tiền nuôi con, tay nách con dại ở trong vòng vây chợ đời đầy sóng gió...
Cuối năm 1955, do yêu cầu phải tổ chức những cuộc vận động lớn, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng chủ trương ra tờ báo “Quyết Tiến”. Trụ sở của báo ban đầu đặt tại một khu rừng ở Mang Mai - Hòa Vang.
Báo Giải Phóng - Cơ quan của Mặt trận dân tộc giải phóng tỉnh Quảng Đà, số ra ngày 19-5-1967. (Ảnh tư liệu) |
Thời gian này chưa tiếp xúc được với dân nên lương thực và muối là vấn đề sinh tử. Năm ấy, cơ quan có mấy anh em mà ai cũng sốt, có hai anh sốt xuất huyết nằm li bì, gạo thì hết, ông Trần Hưng Thừa kể lại lòng vẫn rưng rưng: Đến mùa lúa chín, anh em bàn đi bàn lại, rồi đi đến quyết định - một quyết định mà lòng không yên, xuống làng các xã Hòa Khương, Hòa Hiệp, ven chân núi Hòa Vang, tuốt lúa của dân. Để bớt áy náy, xem như là mượn của dân, ngày hòa bình sẽ trả lại cho dân.
Khi rời chân núi đến cánh đồng lúa, anh em dặn nhau, tuốt làm sao để dân tưởng là chim, chuột ăn. Hôm đầu, suốt mấy tiếng đồng hồ, trên mấy đám lúa chín, ba anh em dồn lại được hơn một ang lúa tươi. Đem về phơi khô, lấy cục đá cà lúa, lấy gạo nấu cháo cho anh em đau nặng.
Mấy hôm sau, gạo còn được mấy lon, nhưng quyết xuống làng, vì nghĩ bà con sẽ gặt hết thì còn đâu mà tuốt. Vừa lội xuống thì thấy hai gói lá để bên bờ ruộng lúa đang gặt dở. Anh em lượm, mở ra thì thấy, một gói cơm với cá kho mặn, một đùm gạo. Mừng muốn khóc! Anh em quyết định không tuốt lúa. Quay về, lòng ai cũng vui nôn nao!
Khi lội vào đám lúa, làm sao biết đám lúa nọ là của nhà ai. Anh em biết bà con vùng này trong thời đánh Pháp đều là nông dân hiền lành, tốt bụng. Chỉ sợ gặp người xấu bụng biết, tung tin này nọ sẽ gây rắc rối phiền hà cho bà con. Vậy là, bà con đã biết anh em ta về tuốt lúa. Tuốt kiểu chim ăn này cho thấy là anh em có tính toán và rất sợ.
Dân mình vậy đó! Không việc gì có thể qua mắt được người dân. Về nhà, anh em bàn nhau phải tìm ra người để lại hai gói thức ăn. Thế là mấy hôm, hai anh em xuống núp trong bụi, lần ra đám lúa có để lại hai gói thức ăn xem đó là ai. Sau đó, trong một đêm tối trời hai anh em đến tận nhà… Đó là gia đình cơ sở đầu tiên trước khi tiếp cận với bà con, xây dựng cơ sở cách mạng ở đồng bằng Hòa Vang.
Mấy tháng sau ngày hòa bình mùa Xuân năm 1975, bấy giờ, ông Trần Hưng Thừa, ở trong Ban Quân quản, giữa thời điểm quá bận rộn công việc tiếp quản thành phố, lập lại trật tự, giữ gìn cuộc sống mới còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng phải giữ được bình an cho dân. Công việc vất vả, ngày đêm tính toán, lo toan, nhất là khâu tổ chức huy động xe, xăng, nhân lực, đưa hàng ngàn gia đình bà con, cả bà con các tỉnh bạn chạy vào Đà Nẵng lánh nạn bom, pháo, về lại quê hương, vì vậy ông phải nhờ người thân vào tận Nha Trang đón hai mẹ con về Đà Nẵng.
Khi làm Trưởng ban Tuyên huấn Đặc khu ủy Quảng Đà, ông Trần Hưng Thừa lấy tên Trần Bắc, được Thường vụ Đặc khu ủy phân công phụ trách Báo Giải phóng Quảng Đà, bấy giờ tôi là phóng viên của báo. Nhân dịp mừng Tết độc lập, ngày 2 tháng 9 năm 2022, tôi viết đôi dòng chân tình nhắc đến ông, vợ con ông, như một nén hương thơm nhớ về ông, một cán bộ xuất sắc, rất hiền - một chiến sĩ cách mạng nhiệt huyết, trung kiên. Song, cả cuộc đời ông, mắc nợ vợ con, nặng tình, nặng nợ với nhân dân!
HỒ DUY LỆ