Chính trị - Xã hội

Cần quyết liệt đẩy nhanh tốc độ đầu tư công

14:10, 27/10/2022 (GMT+7)

Giải ngân vốn đầu tư công còn chậm và tồn tại đã nhiều năm - nhiều đại biểu bày tỏ băn khoăn và thảo luận cần phải có giải pháp tháo gỡ tình hình này, tại hội trường Quốc hội sáng 27-10 khi đề cập đến tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng Bế Minh Đức phát biểu. Ảnh: An Đăng/TTXVN
Đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng Bế Minh Đức phát biểu. Ảnh: An Đăng/TTXVN

Thảo luận tại hội trường, đại biểu Bế Minh Đức (Cao Bằng) cho biết, năm 2022 là năm thứ hai triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn, cùng với triển khai chương trình phục hồi kinh tế - xã hội, thế nhưng tiến độ mới đạt 46,7%, thấp hơn so với cùng kỳ. Các chương trình mục tiêu quốc gia cũng đạt mức giải ngân thấp, mà nguyên nhân do cả khách quan lẫn chủ quan như pháp luật chưa đồng bộ, khả thi, ý thức tôn trọng kỷ cương còn kém, thái độ thực thi công vụ công chức còn hạn chế, yếu kém.

Phân tích một số khó khăn, vướng mắc khi triển khai thực hiện các dự án đầu tư công từ thực tế tại các địa phương, đại biểu Bế Minh Đức chỉ ra thể chế chính sách còn bất cập, ảnh hưởng tiến độ thực hiện dự án. Đại biểu lấy dẫn chứng, từ khi hình thành dự án đến thi công trải qua nhiều thủ tục, như công tác giải phóng mặt bằng phải trải qua 12 bước, dự án nhóm A nếu thực hiện đúng trình tự, thủ tục mất thời gian gần hai năm; dự án nhóm B, nhóm C mất 9-10 tháng, nếu không vướng mắc nào.

Cũng theo đại biểu, thủ tục trình tự triển khai ở nhiều văn bản pháp luật có liên quan như Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công, mỗi giai đoạn phải tuân thủ nghiêm ngặt trình tự thủ tục nên triển khai chậm. Dự án liên quan điều chỉnh quy hoạch, các loại rừng mất thêm bốn tháng, nhiều quy định chồng chéo, bất cập cũng mất thêm nhiều thời gian.

Kiến nghị các giải pháp, đại biểu Bế Minh Đức đề nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành cho phép điều chuyển vốn giữa các dự án, tiểu dự án để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn của năm 2022 và cho phép kéo dài thời gian thực hiện nguồn vốn năm 2022 sang năm 2023.

Ghi nhận năm 2022, mặc dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức nhưng cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước đã đoàn kết, nỗ lực thực hiện đạt nhiều kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, song đại biểu Phan Viết Lượng (Bình Phước) cũng chỉ rõ, chất lượng năng lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn hạn chế. Thu ngân sách chưa cao, thiếu bền vững, nợ đọng thuế có xu hướng tăng. Giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp, an ninh trật tự an toàn xã hội còn nhiều diễn biến phức tạp.

Thảo luận việc vừa qua Ngân hàng Nhà nước nâng lãi suất lên, kéo theo chi phí và vốn vay tăng cao, ảnh hưởng sản xuất kinh doanh doanh nghiệp và đời sống người dân, đại biểu Phạm Hùng Thắng (Hà Nam) cho rằng, dù lạc quan thì cũng chưa thể hoàn toàn tin tưởng vào sự tăng trưởng, sức chịu đựng, chống chịu của nền kinh tế.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước Phan Viết Lượng phát biểu ý kiến. Ảnh: Minh Đức/TTXVN
Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước Phan Viết Lượng phát biểu ý kiến. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Theo đại biểu, Chính phủ cần chủ động kịch bản ứng phó lạm phát đang gia tăng toàn cầu, trực tiếp tác động đến nền kinh tế, đặc biệt là nguy cơ lạm phát, giá cả đầu vào, dấu hiệu của thị trường tiền tệ. Linh hoạt hơn và công khai kịp thời thông tin kịch bản điều hành lãi suất, giá cả, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn ưu đãi tín dụng. Đồng thời, rà soát sửa đổi bổ sung tháo gỡ khó khăn về đầu tư công, sửa đổi Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, Luật Giá, gắn với cải cách hành chính, thực hiện nâng lương cho cán bộ công chức, cải cách tiền lương nhằm bớt các hệ lụy rời bỏ khu vực công…

Tại phiên thảo luận, đại biểu Huỳnh Thanh Phương (Tây Ninh) cho rằng, bên cạnh những điểm tích cực, việc triển khai gói hỗ trợ phục hồi kinh tế còn chậm, nhiều thủ tục còn rườm rà, làm hạn chế khả năng tiếp cận của người dân. Giải ngân đầu tư công còn chậm, kỷ luật, kỷ cương giải ngân chưa được đảm bảo. Tiền lương chậm được điều chỉnh, làm xảy ra hiện tượng cán bộ, công chức chuyển sang khu vực tư.

Đây có thể là "điểm nghẽn" khiến cho mục tiêu không đạt được, dù từ đầu năm Chính phủ đã rốt ráo chỉ đạo vấn đề này. Qua đó, cho thấy kỷ luật, kỷ cương đầu tư công chưa được nghiêm - đại biểu Huỳnh Thanh Phương đánh giá.

Từ đó, đại biểu tỉnh Tây Ninh đề nghị, cần theo dõi sát tình hình biến động của nền kinh tế và thị trường tài chính thế giới để thực hiện một cách linh hoạt trong quá trình kết hợp chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Công khai, minh bạch các thông tin về điều hành giá, không điều chỉnh tăng giá bất hợp lý.

Cần có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị trong quản lý để đẩy nhanh tốc độ đầu tư công. Các địa phương cần chủ động tháo gỡ vướng mắc, báo cáo cơ quan có thẩm quyền để đảm bảo hiệu quả công tác này- đại biểu Huỳnh Thanh Phương đề nghị.

Theo Báo Tin tức

.