Chính trị - Xã hội

Đề nghị nâng mức hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo, người có công cách mạng

11:29, 14/12/2022 (GMT+7)

ĐNO - Mức hỗ trợ 50 triệu đồng/nhà xây mới, 20 triệu đồng/nhà sửa chữa cho hộ nghèo là thấp so với mức tăng vật giá và khả năng của hộ nghèo để bảo đảm đạt tiêu chí “3 cứng”. Số lượng hộ nghèo khó khăn về nhà ở, có nhu cầu thuê chung cư nhà ở xã hội khá cao nhưng chưa được đáp ứng.

Đại biểu Trương Minh Hải, Tổ ĐB quận Thanh Khê thảo luận tại kỳ họp. Ảnh: N.PHÚ
Đại biểu Trương Minh Hải, Tổ đại biểu quận Thanh Khê thảo luận tại kỳ họp. Ảnh: N.PHÚ

Đây là thông tin được đại biểu (ĐB) Trương Minh Hải, Tổ ĐB quận Thanh Khê đưa ra tại phiên thảo luận kỳ họp thứ 10, sáng 14-12.

Theo ĐB Trương Minh Hải, chính sách hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở cho người có công cách mạng, hộ nghèo hiện còn nhiều bất cập. Mức kinh phí hỗ trợ xây mới, sửa chữa hiện nay quá thấp so với mức tăng vật giá hiện nay.

ĐB Trương Minh Hải đề nghị cần nghiên cứu, đề xuất nâng mức hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở cho người có công với cách mạng, hộ nghèo; nghiên cứu, xây dựng chính sách đặc thù, vượt trội về nhà ở và dành nguồn lực đầu tư, xây dựng, bố trí cho thuê chung cư nhà ở xã hội với hộ nghèo bức xúc về nhà ở.

Đặc biệt, thành phố cần quan tâm nghiên cứu, tháo gỡ vướng mắc pháp lý về đất đai cho hộ nghèo để đủ điều kiện được hỗ trợ xây nhà. 

Đại biểu Nguyễn Lê Mậu Cường, Tổ ĐB quận Thanh Khê phát biểu thảo luận tại kỳ họp. Ảnh: N.PHÚ
Đại biểu Nguyễn Lê Mậu Cường, Tổ đại biểu quận Thanh Khê phát biểu thảo luận tại kỳ họp. Ảnh: N.PHÚ

ĐB Nguyễn Lê Mậu Cường, Tổ ĐB quận Thanh Khê cho biết, năm 2018, UBND thành phố đã ban hành chương trình Phát triển nhà ở thành phố Đà Nẵng đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Tuy nhiên, trên thực tế, tỷ lệ căn nhà đã hoàn thành chưa cao so với chỉ tiêu chương trình.

Theo ĐB Nguyễn Lê Mậu Cường, tại kỳ họp này, HĐND thành phố sẽ xem xét thông qua nội dung điều chỉnh chương trình Phát triển nhà ở thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021-2030 để UBND thành phố phê duyệt và triển khai thực hiện. Theo đó, giai đoạn 2021-2030, dự kiến hình thành 504.060 m2 sàn, tương đương với 8.401 căn nhà và giai đoạn 2026-2030 là 217.659 m2 sàn, tương đương với 3.628 căn nhà.

Để đạt được chỉ tiêu trên, ĐB đề nghị cần chú trọng đến việc bố trí quỹ đất phát triển nhà ở phù hợp, trong đó chú trọng đến nhà ở xã hội, hạn chế tối đa việc phát triển nhà ở theo diện rộng, tập trung phát triển nhà ở chung cư.

Về nguồn lực đầu tư, cần tận dụng tối đa nguồn lực từ tư nhân, đầu tư nguồn lực ngân sách phải phù hợp, tùy thời điểm. Đặc biệt, phát triển nhà ở xã hội phải phù hợp với khả năng chi trả của hộ gia đình, bảo đảm chất lượng, tránh nhà ở xã hội kém chất lượng, không đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân.

ĐB Lê Phú Nguyện, Tổ ĐB quận Sơn Trà và huyện Hoàng Sa đề nghị, trong chương trình Phát triển nhà ở thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021-2030, thành phố cần có chính sách ưu tiên về nhà ở cho gia đình hộ giải tỏa diện tích lớn, đông con và đang thiếu chỗ ở.  

Đại biểu Đoàn Duy Tân, Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, Tổ ĐB Thanh Khê thảo luận tại kỳ họp. Ảnh: N.PHÚ
Đại biểu Đoàn Duy Tân, Tổ đại biểu quận Thanh Khê thảo luận tại kỳ họp. Ảnh: N.PHÚ

ĐB Đoàn Duy Tân, Tổ ĐB quận Thanh Khê cho rằng, mặc dù thành phố rất quan tâm đến lực lượng vũ trang trong việc bố trí nhà ở, đất ở, tuy nhiên hiện vẫn còn nhiều cán bộ, quân nhân chuyên nghiệp chưa có đất ở, nhà ở.  

Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố có khoảng 400 cán bộ, quân nhân chuyên nghiệp và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố có hơn 300 cán bộ, quân nhân chuyên nghiệp chưa có đất ở, nhà ở. 

ĐB đề nghị, thời gian đến cần chăm lo hơn nữa về chế độ, chính sách nhà ở đối với lực lượng vũ trang của thành phố. 

Riêng với hơn 150 cán bộ, quân nhân chuyên nghiệp thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố hiện đã được bố trí đất ở nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Sở Tài nguyên và Môi trường cần sớm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để cán bộ, quân nhân chuyên nghiệp sớm ổn định chỗ ở.

L.PHƯƠNG - T.HÙNG

.