Chính trị - Xã hội

Kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ

14:00, 22/12/2022 (GMT+7)

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã chú trọng đến việc xây dựng và hoàn thiện các quy định, quy trình, thẩm quyền, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ. Có thể nói, Quy định số 205-QĐ/TW ngày 23-9-2019 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống “chạy chức, chạy quyền” thể hiện sự đổi mới mạnh mẽ về tư duy, nhận thức và hành động của Đảng về vấn đề kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ.

Cán bộ đang làm việc tại bộ phận “Một cửa” thuộc Trung tâm Hành chính thành phố.  Ảnh: NGỌC PHÚ
Cán bộ đang làm việc tại bộ phận “Một cửa” thuộc Trung tâm Hành chính thành phố. Ảnh: NGỌC PHÚ

Từ đầu năm 2020 đến nay, Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành 11 quy định, quy chế để cụ thể hóa các quy định của Trung ương về công tác cán bộ, trong đó luôn quan tâm, chú trọng lồng ghép, cụ thể hóa các điều khoản thuộc Quy định số 205-QĐ/TW của Bộ Chính trị.

Những kết quả bước đầu

Sau khi ban hành các quy định, quyết định nêu trên, Ban Thường vụ Thành ủy đã quán triệt, triển khai đến các cấp ủy Đảng từ thành phố đến cơ sở, các sở, ban, ngành và địa phương để thực hiện đúng quy định. Đồng thời, chỉ đạo Ban Tổ chức Thành ủy, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy phối hợp các cơ quan liên quan thường xuyên theo dõi, hướng dẫn thực hiện và kịp thời báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy những khó khăn, vướng mắc để chỉ đạo hỗ trợ, tháo gỡ.

Trong hơn hai năm qua là khoảng thời gian thành phố tiến hành nhiều nội dung quan trọng về công tác cán bộ, Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố luôn lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đúng, đầy đủ, nghiêm túc các nguyên tắc, quy định, quy chế, quy trình về công tác cán bộ, luôn đảm bảo dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch.

Việc kịp thời ban hành hoặc thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, Quy định phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử cho phù hợp, đồng bộ với quy định của Trung ương và Thành ủy đã giúp Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy lãnh đạo công tác cán bộ được thuận lợi, đảm bảo thực hiện đầy đủ, chặt chẽ từng khâu theo quy định.

Hầu hết nhân sự được bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử là những đồng chí có uy tín và được tín nhiệm cao. Điều này được kiểm chứng qua kết quả công tác nhân sự đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 và nhân sự bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Căn cứ Khoản 5, Điều 3 Quy định số 205-QĐ/TW của Bộ Chính trị, Ban Thường vụ Thành ủy đã chỉ đạo cấp ủy các cấp và tập thể lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị quan tâm, thực hiện nghiêm túc việc chuyển đổi công tác đối với các chức danh thuộc diện phải chuyển đổi, nhất là những người được phân công làm công tác nhân sự hoặc theo dõi công tác cán bộ tại một địa bàn, lĩnh vực đã đảm nhiệm công việc 5 năm liên tiếp hoặc khi thấy cần thiết; đồng thời, gắn với thực hiện Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 1-7-2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng.

Về thực hiện quy định không bố trí những người có quan hệ gia đình cùng đảm nhiệm các chức danh có liên quan như: bí thư, phó bí thư, trưởng ban tổ chức, chủ nhiệm ủy ban kiểm tra cấp ủy, chủ tịch UBND và người đứng đầu cơ quan nội vụ, thanh tra và thực hiện Công văn số 12141-CV/BTCTW ngày 5-8-2020 của Ban Tổ chức Trung ương về việc tiếp tục thực hiện nghiêm túc công tác cán bộ, Ban Thường vụ Thành ủy đã chỉ đạo cơ quan tham mưu về công tác cán bộ thường xuyên theo dõi, hướng dẫn, yêu cầu các cấp ủy đảng phải công khai, dân chủ và thực hiện nghiêm túc các quy định, quy trình về công tác cán bộ; thận trọng, chặt chẽ, khách quan khi đối tượng trong nguồn nhân sự có mối quan hệ gia đình, người thân đang đảm nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý và kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, thực hiện việc điều động, luân chuyển đến vị trí phù hợp.

Phương hướng, nhiệm vụ thời gian đến

Trong thời gian đến, để thực hiện tốt việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, với vai trò, trách nhiệm là cơ quan tham mưu cho Thành ủy về công tác cán bộ, Ban Tổ chức Thành ủy đề ra phương hướng và nhiệm vụ cơ bản như sau: Tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy các giải pháp nhằm tiếp tục xây dựng, củng cố tổ chức bộ máy của các cơ quan làm công tác tổ chức, cán bộ toàn thành phố.

Một là, khuyến khích, yêu cầu từng cá nhân được phân công làm công tác tổ chức, cán bộ phải chủ động, thường xuyên bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao năng lực công tác nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Quan tâm xây dựng, bồi dưỡng bản lĩnh chính trị, nhân sinh quan cách mạng để cán bộ làm công tác tổ chức, cán bộ thật sự có đạo đức trong sáng, đủ sức đề kháng với những cám dỗ, hành vi sai trái trong công tác cán bộ. Từng cá nhân phải luôn ý thức về trách nhiệm, hành vi của mình trong quá trình thực thi nhiệm vụ bởi luôn chịu sự theo dõi, giám sát các cơ quan có chức năng, của đồng chí, đồng nghiệp và của nhân dân.

Hai là, kịp thời tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy điều chỉnh, sửa đổi các quy định về công tác cán bộ theo đúng quy định của Trung ương và phù hợp với điều kiện thực tế của thành phố.

Ba là, chủ động rà soát, tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy xây dựng kế hoạch điều động, chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ được phân công làm công tác nhân sự hoặc theo dõi công tác cán bộ tại một địa bàn, lĩnh vực đã đảm nhiệm công việc 5 năm liên tiếp gắn với việc với điều động, bố trí cán bộ trong toàn hệ thống chính trị; có lộ trình từng bước thực hiện cụ thể, vừa bảo đảm tính ổn định và phát triển, vừa đảm bảo yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Thực hiện có hiệu quả việc luân chuyển cán bộ gắn với chủ trương sắp xếp, bố trí cán bộ không quá hai nhiệm kỳ liên tiếp đối với một chức danh, bí thư cấp ủy không phải là người địa phương. Đẩy mạnh luân chuyển, chuyển đổi vị trí việc làm, luân chuyển cán bộ trẻ, cán bộ có năng lực về cơ sở để rèn luyện, thử thách qua thực tiễn công tác.

Bốn là, tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Quy định số 41-QĐ/TW ngày 3-11-2021 về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ; Kết luận số 20-KL/TW ngày 8-9-2022 về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật.

Năm là, tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo đẩy mạnh công tác giám sát và phản biện xã hội của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội; qua đó, xây dựng kế hoạch giám sát công tác cán bộ đối với cấp ủy, chính quyền và tập thể, cá nhân lãnh đạo, quản lý các cấp; đồng thời, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, lắng nghe, tiếp thu ý kiến góp ý, phản ánh, nhận xét chính đáng của nhân dân về cán bộ.

Sáu là, chủ động tổ chức các đoàn kiểm tra nghiệp vụ chuyên ngành đối với các cơ quan tổ chức cấp ủy cấp dưới để sớm phát hiện, nhắc nhở, điều chỉnh các thiếu sót; kịp thời giải thích, hướng dẫn, hỗ trợ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi nhiệm vụ.

Với những kết quả bước đầu đạt được và phương hướng, nhiệm vụ đề ra, việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả. Đội ngũ cán bộ thành phố sẽ có những bước chuyển biến đáng kể về chất lượng, năng lực quản lý, điều hành và kinh nghiệm thực tiễn, đảm bảo tính kế thừa và phát triển; góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển thành phố, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXII đã đề ra.

NGUYỄN ĐÌNH VĨNH
Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy,  Trưởng ban Tổ chức Thành ủy

.