Chính trị - Xã hội

Hiệu quả từ các công trình bảo vệ môi trường

15:08, 09/02/2023 (GMT+7)

Những năm gần đây, công tác bảo vệ môi trường của thành phố đã có nhiều chuyển biến tích cực nhờ dành nhiều nguồn lực đầu tư các công trình bảo vệ môi trường, nhất là các công trình thu gom và xử lý nước thải, xử lý nước rỉ rác, trạm trung chuyển chất thải rắn... Đặc biệt, thành phố còn lựa chọn, áp dụng công nghệ phù hợp, tiên tiến để xử lý ô nhiễm môi trường đạt hiệu quả.

Hệ thống xử lý nước rỉ rác Khánh Sơn được áp dụng công nghệ xử lý hiện đại. Ảnh: H.H
Hệ thống xử lý nước rỉ rác Khánh Sơn được áp dụng công nghệ xử lý hiện đại. Ảnh: H.H

Cải thiện môi trường

Từ cuối tháng 10-2018, nước trong tuyến kênh dẫn nước từ bãi rác Khánh Sơn về đường Hoàng Văn Thái (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) không còn màu đen và mùi hôi như trước đó, sau khi hệ thống xử lý nước rỉ rác có công suất 700m3/ngày (tổng mức đầu tư 88 tỷ đồng) do Công ty CP Kỹ thuật SEEN (SEEN) thi công hoàn thành và vận hành. Ngày 5-6-2021, SEEN hoàn thành thi công và vận hành công trình Nâng cấp hệ thống xử lý nước rỉ rác Khánh Sơn giai đoạn 2 (287 tỷ đồng) có công suất 1.050m3/ngày, cho chất lượng nước đầu ra đạt các quy chuẩn và có công nghệ xử lý mùi nước rỉ rác tiên tiến, tốt nhất Việt Nam.

Công trình này được SEEN thi công đồng bộ với hộc rác số 6 và dự án Nâng cấp, cải tạo một số hạng mục tại bãi rác Khánh Sơn (184 tỷ đồng). Ông Hoàng Văn Tùng, quản lý dự án Trạm xử lý nước rỉ rác Khánh Sơn cho hay: “Đối với các bãi chôn lấp chất thải rắn trên toàn quốc, đây có thể xem là công trình xử lý nước rỉ rác điển hình hoạt động ổn định, hiệu quả với công nghệ và trang thiết bị hiện đại, được đầu tư bài bản gồm các hạng mục xử lý nước rỉ rác, xử lý mùi hôi, hạng mục cô đặc và làm khô bùn.

Hạng mục xử lý nước rỉ rác có công nghệ xử lý kết hợp gồm: sinh học yếm khí, thiếu khí, hiếu khí MBBR, MBR và các phương pháp xử lý hóa lý. Chất lượng nước sau xử lý luôn đạt các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 25:2009/BTNMT (cột B2), QCVN 40:2011/BTNMT (cột B)”.

Đơn cử sông Phú Lộc không còn tiếp nhận nước rỉ rác có màu đen, mùi hôi từ bãi rác Khánh Sơn và nước thải dọc theo lưu vực sông được thu gom, bơm về Trạm xử lý nước thải Phú Lộc xử lý bằng công nghệ xử lý hiếu khí theo mẻ SBR, môi trường nước sông và nước biển ven bờ dọc theo đường Nguyễn Tất Thành đã được cải thiện. Hoạt động tắm biển ở quận Thanh Khê, Liên Chiểu diễn ra nhộn nhịp hơn vào mùa hè.

Sau khi dự án Nâng công suất Trạm xử lý nước thải Phú Lộc giai đoạn 2 (301 tỷ đồng) với công nghệ xử lý hiếu khí theo mẻ SBR cải tiến và dự án Tuyến ống thu gom nước thải dọc đường Nguyễn Tất Thành (444 tỷ đồng) đã hoàn thành thi công vào cuối năm 2022, nhiều người dân đang kỳ vọng khôi phục một phần bãi tắm Thanh Bình, bãi tắm nổi tiếng của Đà Nẵng trước đây.

Không chỉ dành nhiều nguồn lực đầu tư các công trình bảo vệ môi trường, thành phố còn lựa chọn được công nghệ phù hợp, tiên tiến để áp dụng, xử lý ô nhiễm môi trường đạt hiệu quả, nhất là đã chọn lựa và áp dụng công nghệ xử lý hiếu khí theo mẻ SBR cải tiến khi đầu tư nâng cấp, xây mới các trạm xử lý nước thải như: Sơn Trà giai đoạn 2 (334 tỷ đồng), Ngũ Hành Sơn giai đoạn 2 (264 tỷ đồng), Hòa Xuân giai đoạn 2 (235 tỷ đồng), Hòa Xuân giai đoạn 3 (589 tỷ đồng)...

SEEN còn liên danh với Tổng Công ty TNHH MTV Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn (SAMCO) thi công 2 trạm trung chuyển rác ở đường Lê Thanh Nghị và khu vực quận Sơn Trà (312 tỷ đồng), hoàn thiện về mặt thiết kế, kỹ thuật và công nghệ so với các trạm trung chuyển rác ở các tỉnh, thành phố phía Nam. Tổng Giám đốc SEEN Nguyễn Thiên Tùng cho rằng: “Những công trình bảo vệ môi trường được chúng tôi thi công, vận hành đều được áp dụng các công nghệ, giải pháp kỹ thuật tiên tiến, tốt nhất để phục vụ vận hành lâu dài, an toàn, chất lượng tốt và ổn định, bảo đảm môi trường, an sinh xã hội cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố”.

Tiếp tục triển khai, hoàn thành nhiều công trình

Cùng với dự án Cải thiện môi trường nước phía đông quận Sơn Trà (1.447 tỷ đồng) và Tuyến ống nước thải dọc đường 2 Tháng 9, đoạn từ đường Phan Thành Tài đến Thăng Long (168 tỷ đồng), hệ thống thu gom nước thải riêng và các tuyến cống chuyển nước mưa về sông Hàn của lưu vực từ đường Hồ Xuân Hương đến giáp tỉnh Quảng Nam (1.340 tỷ đồng) sẽ được hoàn thành trong năm 2023. Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Xây dựng số 5 Nguyễn Hoài Thanh cho hay: “Đến nay, nhiều hạng mục của công trình đã hoàn thành. Chúng tôi đang tranh thủ thời tiết thuận lợi để sớm hoàn trả mặt đường và tích cực làm các thủ tục, phối hợp các hộ dân để triển khai đấu nối nước thải. Đồng thời, tích cực phối hợp đề nghị Bộ Giao thông vận tải sớm cho phép thi công đoạn ống chuyển tải nước đi qua nút giao thông phía đông cầu Tiên Sơn”.

Năm 2023, thành phố sẽ tiếp tục triển khai và sớm hoàn thành các thủ tục chuẩn bị đầu tư đối với 2 nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Khánh Sơn. Đồng thời, bố trí kinh phí chuẩn bị đầu tư 50 triệu đồng/dự án đối với các dự án bảo vệ môi trường như: đầu tư nâng cấp, cải tạo một số hạng mục của Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Khánh Sơn giai đoạn 2 (hộc rác số 7); đầu tư cải tạo, mở rộng, nâng công suất Trạm trung chuyển rác khu vực đường Nguyễn Đức Trung; nâng cấp, cải tạo và đầu tư trang thiết bị tại các trạm trung chuyển rác hiện hữu...

Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường) Đặng Quang Vinh cho hay, được sự quan tâm đầu tư của thành phố, rất nhiều công trình bảo vệ môi trường được đầu tư, đưa vào vận hành, nhất là hệ thống thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt đang được đầu tư với công suất xử lý 360.000m3/ngày. Thành phố cũng đang triển khai dự án Nâng cấp, cải tạo một số hạng mục tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Khánh Sơn nhằm đáp ứng yêu cầu chôn lấp rác hợp vệ sinh; đầu tư và vận hành các hệ thống xử lý nước rỉ rác có tổng công suất 1.750m3/ngày, cho chất lượng nước sau xử lý đạt quy chuẩn; triển khai phủ bạt phần lớn diện tích bãi rác, chỉ để lại vị trí đang chôn lấp. Sắp đến, thành phố đầu tư các trạm trung chuyển rác ở các quận Ngũ Hành Sơn, Cẩm Lệ... Những công trình bảo vệ môi trường đã, đang và sẽ giúp cho thành phố xử lý ô nhiễm, cải thiện môi trường hiệu quả.

HOÀNG HIỆP

.