Chính trị - Xã hội
Nửa cuối tháng 3-2023, nắng nóng xuất hiện nhiều ngày ở Đông Nam Bộ
Những ngày qua, nắng nóng liên tiếp diễn ra tại Nam Bộ, riêng miền Đông Nam Bộ nắng nóng gay gắt với nhiệt độ có nơi trên 35 độ C, khiến người dân cảm thấy mệt mỏi, khó chịu.
Ảnh minh họa: TTXVN |
Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, nguyên nhân gây ra nắng nóng tại Nam Bộ là do hệ thống áp cao cận nhiệt đới ở trên tầng cao hoạt động mạnh, trục của nó nằm ngay trên khu vực Nam Bộ hoặc Nam Trung Bộ. Trường hợp cùng lúc Nam Bộ chịu tác động bởi cả áp cao cận nhiệt đới trên cao và áp thấp nóng phía Tây, nắng nóng càng mạnh hơn.
"Nắng nóng có khả năng xuất hiện nhiều ngày ở Đông Nam Bộ và cục bộ ở Tây Bắc Bắc Bộ, vùng núi phía Tây các tỉnh Thanh Hóa-Nghệ An từ khoảng nửa cuối tháng 3-2023", ông Hưởng lưu ý.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh liên tục trải qua thời tiết nắng nóng với nhiệt độ cao kèm tia bức xạ cực tím (tia UV) tăng mạnh ở ngưỡng nguy cơ gây hại cao.
Chị Hà Huỳnh Hồng Thu (trú tại quận Tân Bình) chia sẻ, bước vào mùa khô năm nay, chị cảm nhận Thành phố Hồ Chí Minh đón mưa trái mùa nhiều hơn nhưng những ngày nắng nóng, oi bức vẫn như mọi năm, đặc biệt là giai đoạn từ sau Tết Nguyên Đán đến nay. Những ngày gần đây, mới hơn 8 giờ bước ra khỏi nhà, chị đã thấy nắng chói chang, không khí oi bức rất khó chịu. Chị Thu cho biết: "Cứ vắng mây là nắng nóng không chịu được, đặc biệt trong khoảng từ 11 - 16 giờ. Nắng nóng khiến tôi bị say nắng, đau đầu mỗi khi có việc phải chạy ngoài đường lâu. Hiện tại mới chỉ là đầu mùa khô, đến tháng 3, tháng 4 chắc sẽ còn nóng bức hơn nhiều lần. Điều này khiến tôi không khỏi lo lắng cho sức khỏe".
Thông tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, nhiệt độ cao nhất đo được tại Thành phố Hồ Chí Minh khoảng giữa trưa trong những ngày qua đạt 30 – 35 độ C, bức xạ tia cực tím dao động ở mức 7 – 9, là mức nguy cơ gây hại rất cao. Bức xạ đạt ngưỡng cao nhất trong khoảng từ 11 giờ đến 15 giờ mỗi ngày. Dự báo trong những ngày tới, Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố khu vực phía Nam tiếp tục duy trì thời tiết nắng nóng oi bức, nhiệt độ trong khoảng 33 – 34 độ C, độ ẩm trung bình phổ biến 40 - 60%; tối và đêm chủ yếu ít mây, không mưa. Chỉ số tia cực tím có giá trị cao đến rất cao trong khung giờ từ 11 – 13 giờ hàng ngày, có nguy cơ gây hại khi tiếp xúc với cơ thể người. Cao điểm nắng nóng ở miền Nam sẽ đạt đỉnh trong kỳ nghỉ lễ 30-4 – 1-5 sắp tới.
Chuyên gia khí tượng Lê Thị Xuân Lan cho hay, về mặt khí hậu, trong thời gian qua, khu vực Nam Bộ vẫn đang trong giai đoạn mưa chuyển mùa. Mưa xảy ra cục bộ ở nhiều nơi, phổ biến nhất các tỉnh ven biển miền Tây. Trong giai đoạn chuyển mùa này, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh cũng thường xuất hiện các cơn mưa dông nhưng lượng nhỏ xen kẽ những ngày nắng gắt. Tuy nhiên, điều này cũng làm độ ẩm trong không khí tăng cao. Khi tạnh mưa, hơi nước chuyển thành mây làm cho không khí oi bức, kết hợp với nắng nóng gay gắt sẽ gây khó chịu cho người dân. Mặt khác, Thành phố là nơi mức độ đô thị hóa cao, công nghiệp phát triển, giao thông đông đúc… những yếu tố này cộng hưởng vào sự oi nóng của thời tiết càng làm cho không khí nóng và khó chịu hơn các địa phương khác.
Bác sĩ da liễu Trần Ngọc Ánh (Bệnh viện Da liễu Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, ở mức vừa phải, tia cực tím giúp cơ thể tổng hợp vitamin D, giúp duy trì sức khỏe xương. Tuy nhiên, khi lượng bức xạ tia cực tím đạt mức từ 8 trở lên sẽ có nguy cơ gây bỏng, khô, sạm da nếu tiếp xúc liên tục trong 25 phút mà không có các biện pháp bảo vệ cơ thể. Chỉ số cực tím càng cao thì nguy cơ gây tổn thương cơ thể càng lớn, về lâu dài sẽ khiến da mất đàn hồi, tạo nếp nhăn, làm nhanh lão hóa và có thể gây ung thư da. Tia cực tím còn có thể gây những bệnh lý về mắt như đục thủy tinh thể...
Để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình trong những ngày nắng nóng, các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân hạn chế ra đường trong khung giờ từ 11 – 14 giờ hàng ngày. Nếu có việc bắt buộc phải ra ngoài, phải dùng trang phục dài tay, dài chân và dùng nón che phủ đầu mặt để che chắn cho da càng nhiều càng tốt; sử dụng kem chống nắng có chỉ số SPF 30+ và khả năng chống tia UVA/UVB bất kể khi nào tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, nhất là những người thường xuyên làm việc dưới ánh nắng trực tiếp. Đặc biệt, người lớn cần chú ý bảo vệ cho trẻ em do da trẻ em non nớt và dễ tổn thương. Nếu để trẻ thường xuyên vui chơi, chạy nhảy ngoài trời mà không có các biện pháp bảo vệ sẽ dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh về da cao hơn nhiều lần so với người trưởng thành.
Theo Baotintuc.vn