Chính trị - Xã hội
Sớm di dời Trung tâm Chế biến gia súc, gia cầm Đà Nẵng
ĐNO - Sáng 19-7, trả lời chất vấn tại kỳ họp lần thứ 12 HĐND thành phố khóa X, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Phạm Nam Sơn cho biết, sở đã trình UBND thành phố đề nghị phê duyệt kết quả Đề án Trung tâm Chế biến sản phẩm gia súc, gia cầm tập trung nhằm thay thế Trung tâm Chế biến gia súc, gia cầm Đà Nẵng đang hoạt động gây ô nhiễm môi trường.
Đại biểu Lê Kim Anh chất vấn tại kỳ họp. Ảnh: PV |
Chất vấn lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, đại biểu Lê Kim Anh (tổ đại biểu HĐND thành phố đơn vị quận Liên Chiểu) nhấn mạnh, vấn đề ô nhiễm môi trường tại bãi rác Khánh Sơn và Trung tâm Chế biến gia súc, gia cầm Đà Nẵng trên địa bàn quận Liên Chiểu diễn ra suốt thời gian dài nhưng chưa có giải pháp xử lý dứt điểm.
Trả lời nội dung này, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Phạm Nam Sơn cho biết, thời gian qua, sở đã kiểm tra thường xuyên và đôn đốc tăng cường các biện pháp xử lý mùi hôi, vệ sinh môi trường và xử lý nước thải tại Trung tâm Chế biến gia súc, gia cầm Đà Nẵng. Năm 2021, sở đã kiểm tra và tham mưu UBND thành phố xử phạt đơn vị này với số tiền 180 triệu đồng.
Trong tháng 4-2023, Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục tiến hành thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường tại Trung tâm Chế biến gia súc, gia cầm Đà Nẵng. Hiện nay, cơ quan chức năng đang tổng hợp hồ sơ để hoàn thiện ban hành kết luận thanh tra đối với đơn vị này.
Hoạt động tại Trung tâm Chế biến gia súc, gia cầm Đà Nẵng. Ảnh: PV |
Theo ông Phạm Nam Sơn, tại Báo cáo số 238/BC-STNMT ngày 23-9-2021, sở đã đề xuất di dời vào khu chế biến tập trung; UBND thành phố đã giao các đơn vị liên quan nghiên cứu thực hiện, trong đó giao Sở Công Thương tiếp tục thu thập thông tin, dự thảo văn bản trình UBND thành phố xem xét, duyệt ký báo cáo Ban cán sự Đảng UBND thành phố làm cơ sở xin ý kiến.
Sở Công Thương đã chủ trì, phối hợp đơn vị tư vấn dự thảo Đề án “Trung tâm chế biến gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn thành phố Đà Nẵng”, mời các đơn vị liên quan tham gia hội thảo và lấy ý kiến góp ý của các sở, ban, ngành liên quan.
Đến nay, Sở Công Thương đã hoàn thiện đề án và đã trình UBND thành phố tại Tờ trình số 685/TTr-SCT ngày 31-3-2023 về việc đề nghị phê duyệt kết quả Đề án Trung tâm chế biến sản phẩm gia súc, gia cầm tập trung.
Liên quan đến tình trạng ô nhiễm quanh bãi rác Khánh Sơn, Giám đốc Sở tài nguyên và Môi trường cho biết, năm 2019, UBND thành phố đã phê duyệt đầu tư Dự án Nâng cấp, cải tạo một số hạng mục tại bãi rác Khánh Sơn với mục tiêu tăng khả năng tiếp nhận chất thải rắn của các ô chôn lấp số 1-5 và đầu tư mới ô chôn lấp số 6 để xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
Theo đó, dự án bắt đầu thực hiện chôn lấp theo quy trình mới từ ngày 1-7-2021, đến nay đã tiếp nhận hơn 345.600 tấn rác (trung bình 1.100 tấn/ngày). Công ty Cổ phần Môi trường đô thị Đà Nẵng đã tăng cường tần suất phun chế phẩm từ 4 lần lên 6 lần, thay đổi phương thức thiết bị phun so với trước đây, khung giờ phun tăng cường ban đêm, thực hiện phủ đất thường xuyên, độ dày và mức độ đầm nén lớp đất bảo đảm, hoạt động vùng đổ hẹp (trong phạm vi 2.000 m2) để giảm phát tán mùi.
Sở Tài nguyên và Môi trường đã ban hành quy trình để giám sát chất lượng công việc xử lý; tổ chức các đợt quan trắc môi trường không khí xung quanh để đánh giá, kiểm soát chất lượng môi trường khu vực; hoàn thành công tác phủ bạt các ô chôn lấp nhằm giảm mùi hôi cũng như nước rỉ rác phát sinh tại bãi rác Khánh Sơn.
Qua đó, mùi hôi tại bãi rác Khánh Sơn được kiểm soát tốt. Đến năm 2021, thành phố đưa vào vận hành hệ thống xử lý nước rỉ rác giai đoạn 2 với công suất 1.050 m3/ngày đêm, nâng tổng công suất của 2 hệ thống xử lý nước rỉ rác tại bãi rác Khánh Sơn lên đến 1.750 m3/ngày đêm, bảo đảm thu gom, xử lý nước rỉ rác của khu liên hợp xử lý chất thải rắn Khánh Sơn.
Toàn bộ lượng nước rỉ rác phát sinh đã được thu gom và xử lý đạt quy chuẩn trước khi xả thải ra môi trường.
Ngoài ra, thành phố cũng đang kêu gọi đầu tư để đổi mới công nghệ xử lý rác thải (thay thế dần công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh), gồm nhà máy xử lý rác thải công suất 650 tấn/ngày đêm; nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt của thành phố 1.000 tấn/ngày đêm. Sau khi 2 nhà máy này đi vào hoạt động bảo đảm cơ bản xử lý toàn bộ lượng rác thải của thành phố.
NHÓM PHÓNG VIÊN