Phóng sự - Ký sự

Thêm một nghề

14:59, 14/09/2010 (GMT+7)

Đó là nghề gom nhặt thức ăn thừa. Bốn năm nay, từ khi không cho phép nuôi heo trong nội thị, trên địa bàn thành phố xuất hiện cả một “đội quân” từ vùng nông thôn ra, chủ yếu từ Điện Bàn (Quảng Nam) thu gom thức ăn thừa từ các quán xá, nhà dân về chăn nuôi heo mỗi ngày.

Mỗi người một “địa bàn”

Mô tả ảnh.

Lên đường gom thức ăn thừa.

Không sắm nổi chiếc xe máy cà tàng như các “đồng nghiệp”, từ 5 giờ sáng, chị Nguyễn Thị Bông đã cọc cạch đạp xe đi. Vài tiếng đồng hồ, chị có thể dồn được năm thùng đồ thô, bao gồm hùm bà lằng cơm, mì, rau, đầu cá, thịt mỡ và cả bao nilon, cây, lá... Chị phân loại tại chỗ khá kỹ, bỏ các tạp chất không dùng vào sọt rác để có được ba thùng thức ăn đặc khoảng 20 lít/thùng. Xong đâu đó, cột gọn ghẽ hai thùng vào hai khung sắt được lắp cân bằng ở yên sau xe đạp, chị thẳng tiến về xã Điện Thắng Bắc, huyện Điện Bàn. Số còn lại, chị gửi cho xe tải chở về tận nhà với giá gần 2 nghìn đồng/thùng. Bằng cách đó, chị có thể tiết kiệm được cả trăm nghìn đồng chi phí mua thức ăn hằng ngày cho đàn heo trên chục con ở nhà.

Theo tính toán của chị Bông, có không dưới năm chục phụ nữ quê Điện Bàn đang chia nhau gom thức ăn ở nhiều tuyến đường nội thị Đà Nẵng, chưa kể nhiều người chăn nuôi ở Hòa Vang (Đà Nẵng). Như đã ngầm thỏa thuận từ trước, mỗi người đều có một địa bàn riêng và những địa chỉ nhất định, không xâm phạm của nhau. Quán xá có thể cho không hoặc tính từ 50-100 nghìn/tháng. Vào giờ cao điểm, hàng trăm thùng thức ăn thừa được tập trung ở những góc phố vắng vẻ trên đường Nguyễn Hoàng, Ngô Gia Tự, bàu Thạc Gián, chờ xe tải chở về tận các khu vực của huyện Điện Bàn. “Nhờ bọn tui ngày nào cũng lấy hàng ngàn thùng đồ thừa, các nhà hàng, quán ăn mới đỡ tống ra cống, đỡ ô nhiễm môi trường đó chớ”, chị Lê Thị Hoa nói vui. Cũng vì đặc trách “giúp làm giảm ô nhiễm”, nên hễ ngày nào họ không đi gom, nhiều nơi người dân la vì không biết bỏ đồ thừa đi đâu.

Thất thu vì dịch heo tai xanh

Kể từ khi dịch heo tai xanh bùng phát đến nay, dù số heo mình nuôi chết không ít, các chị vẫn phải lặn lội đi lấy thức ăn. Chị Hoa giải thích: “Không tới lấy, ít bữa hết dịch, họ không cho mình nữa thì răng”. Chở tới hơn chục thùng mỗi ngày, chị Trần Thị Thương (Hòa Châu, Hòa Vang) phải tìm cách chắt bớt nước, trút bỏ phân nửa thức ăn vào sọt rác. Nhà ai may mắn còn nhiều heo sẽ được các “đồng nghiệp” chia sẻ bớt chỗ thức ăn dư. Số thùng thức ăn vơi đi gần 2/3 so với trước, khiến tài xế chở “hàng” cũng ế chuyến dài dài. Anh Dũng, tài xế đứng điểm đường Ngô Gia Tự so sánh: “Trước dịch, mỗi ngày tôi chở khoảng 200 thùng, giờ chỉ còn gần 80. Lỗ cũng phải chạy, bạn hàng cả, biết làm sao”.

Để kiếm thêm vài chục nghìn đắp đổi tiền ăn uống và gửi “hàng”, trong khi đi quanh các khu dân cư và quán xá, nhiều người tranh thủ làm thêm việc dọn dẹp, nhặt ve chai. Hầu hết là lao động chính trong những gia đình đông con, họ vừa gom đồ ăn thừa, vừa kết hợp bán cả gạo, rau, cá, mắm. Nhiều chị cáng đáng công việc nặng nhọc của gia đình vượt cả sức mình. Nhưng dầu cực, gương mặt, thân hình đen sạm vì cháy nắng, họ vẫn không thiếu niềm vui khi ngồi lại kể chuyện gia đình, san sẻ công việc và chào hỏi nhau khi nhận ra “đồng nghiệp” trên đường.

Đằng sau những quán xá, nhà hàng náo nhiệt, đông nghẹt thực khách, những người phụ nữ vẫn còm cõi góp nhặt thức ăn thừa để có chút tiền nuôi nấng đàn con. 

Bài và ảnh: HẰNG VANG

.