Thời sự và bàn luận
Đà Nẵng:
Ung thư
10:26, 05/04/2008 (GMT+7)
Ung thư hiện vẫn là căn bệnh nan giải của y học và nguy hiểm hơn, nó lại ngày một phổ biến hơn trong cuộc sống hiện đại. Theo thống kê của Hội phòng chống ung thư Việt Nam, mỗi năm Việt Nam phát hiện hơn 200.000 ca ung thư. Trong khi đó, đội ngũ y bác sĩ cũng như cơ sở y tế của cả nước về chuyên ngành ung thư mới chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu chữa trị của bệnh nhân. Bệnh viện K tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh cũng chỉ đáp ứng cho khoảng 2000 bệnh nhân ung thư.
Quá tải bệnh nhân ung thư
xe hoi |
Theo ước đoán của Bác sĩ Nguyễn Hồng Long, Trưởng Khoa Ung bướu Bệnh viện Đà Nẵng, đến năm 2010, Đà Nẵng sẽ có 1 triệu dân, hàng năm thành phố sẽ có thêm 1.500 – 2.000 trường hợp bị bệnh ung thư mới mắc. Con số này cộng với số bệnh nhân cần chữa trị trong các năm trước sẽ nâng lên hơn 3000 ca. Đó là chưa kể số bệnh nhân đến từ các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và các tỉnh Tây Nguyên. Điều đáng lo nhất hiện hiện nay, theo Bác sĩ Long, là số giường bệnh tại khoa rất ít (chỉ có 10 giường), trong khi đội ngũ bác sĩ chuyên ngành chữa trị bệnh ung của khoa rất ít. Khoa Ung bướu hiện có 10 bác sĩ, trong đó chuyên sâu về bệnh ung thư chỉ có 2 bác sĩ chuyên khoa cấp 2.
Vấn đề đáng lo nữa là phương pháp điều trị ung thư. Về cơ bản, hiện nay có 4 phương pháp điều trị ung thư chủ yếu là phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, chăm sóc triệu chứng. Nhưng tại Bệnh viện Đà Nẵng, hiện chỉ mới thực hiện các phương pháp phẫu thuật, hóa trị và chăm sóc triệu chứng. Có đến 40 đến 60% bệnh nhân ung thư có nhu cầu xạ trị, một phương pháp điều trị cơ bản nhất trong chữa bệnh ung thư thì bệnh viện lại không có trang thiết bị, máy móc. Bệnh nhân sau khi phẫu thuật, nếu có nhu cầu xạ trị thì buộc phải gửi đi điều trị tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh hay Huế.
thư |
Bác sĩ Long cho biết, trước đây, năm 1992 bệnh viện có 1 máy cobalt để điều trị ung thư xạ trị nhưng đã hết hạn sử dụng, đến nay vẫn chưa có máy mới thay thế vì chi phí rất đắt. Phương tiện xạ trị hiện đại nhất hiện nay là máy gia tốc, có giá thành lên đến 21 tỷ đồng và chỉ sử dụng trong vòng 15 năm.
Bệnh viện tình người
Trước nhu cầu thực tế đó, đầu năm 2008, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đã phát động một chương trình hết sức thiết thực và mang đậm tính nhân văn: kêu gọi ủng hộ xây dựng bệnh viện ung thư tại thành phố Đà Nẵng. Ban vận động tài trợ xây dựng bệnh viện này đã được hình thành. Đây sẽ là Bệnh viện chuyên ngành ung thư lớn trong cả nước, đáp ứng nhu cầu chữa trị không chỉ cho bệnh nhân ở thành phố Đà Nẵng mà cho cả các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên. Sự có mặt của bệnh viện chuyên ngành quy mô sẽ tạo ra nhiều thuận lợi. Trước hết, tạo điều kiện cho bệnh nhân ung thư được điều trị tại chỗ, chăm sóc tại chỗ, điều này sẽ làm giảm khoảng 1/3 chi phí điều trị bệnh do giảm các chi phí vận chuyển, ăn ở, công ăn việc làm của người thân đi theo phục vụ...
Theo một bác sĩ tại khoa Ung bướu Bệnh viện Đà Nẵng, chi phí chữa trị cho một ca ung thư có thể lên đến hàng trăm triệu đồng, trong khi đa số người dân miền Trung còn nghèo khó. Mặc dù được mua bảo hiểm y tế, nhưng bệnh nhân ung thư thường xuyên phải sử dụng thuốc ngoài danh mục. Bên cạnh đó, không có tiền, người bệnh cũng khó được tiếp cận với các phương pháp chữa trị tiên tiến hay các loại thuốc, hóa chất tốt.
Nỗi khó khăn của người bệnh ung thư như thế có thể được giải quyết một phần từ tiêu chí hoạt động của Bệnh viện Ung thư sẽ được xây dựng. Trong thư kêu gọi ủng hộ xây dựng Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng, của Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, Trưởng ban Ban vận động, nhấn mạnh: “Đã bao đời nay, miền Trung luôn là vùng đất phải gánh chịu nhiều nỗi đau mất mát do chiến tranh tàn phá, do thiên tai, bệnh tật gây ra.
Căn bệnh ung thư hằng năm đã cướp đi sinh mạng do không có điều kiện để phát hiện sớm và chữa trị kịp thời, làm cho bao gia đình rơi vào cảnh tang thương, bao em thơ phải sớm mất cha mất mẹ. Nhằm giảm bớt những đau thương mất mát ấy, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng chủ trương vận động tài trợ để xây dựng Bệnh viện ung thư cho khu vực miền Trung, hoạt động với mục đích từ thiện, quy mô 15 ha với kinh phí 500 tỷ đồng, sẽ khởi công xây dựng trong năm 2008 tại Đà Nẵng”. Với mục đích hoạt động từ thiện, Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng sẽ có nhiều chính sách hỗ trợ bệnh nhân ung thư, nhất là bệnh nhân ung thư nghèo bằng nguồn vốn vận động từ cộng đồng trong và ngoài nước. Sự ra đời một bệnh viện ung thư như thế không những đáp ứng nhu cầu điều trị mà còn đậm tình người trong cơn khốn khó. Điều này càng ý nghĩa hơn đối với mảnh đất miền Trung bao đời nay khốn khó, luôn oẳn mình chống chọi với thiên tai, địch họa.
Bệnh viện Ung thư ra đời, không chỉ giảm gánh nặng quá tải cho ngành y tế mà là mong muốn cháy lòng của các bệnh nhân ung thư. Chị Nguyễn Thị Quyên, người nhà bệnh nhân ung thư phổi, gần như kiệt sức khi bỏ cả công việc, con cái để, theo chồng ra ra vào vào giữa Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh suốt 1 năm rưỡi. Nghe nói đến bệnh viện ung thư với tiêu chí từ thiện, đôi mắt chị lóe lên tia hy vọng: "Sắp xây dựng bệnh viện Ung thư ở Đà Nẵng thiệt hả em, mừng quá. Nhìn chồng đau đớn mỗi lần di chuyển đi thành phố Hồ Chí Minh xạ trị, tui đau lòng lắm. Ước gì ở Đà Nẵng có bệnh viện chữa bệnh ung thư để chồng tui bớt đau đớn…”.
Ở Đà Nẵng nói riêng, miền Trung nói chung, có hàng nghìn người đang có ước muốn như chị Quyên.
Hải Miên
Box1: Thành phố có thể kêu gọi, quyên góp được hàng trăm tỷ đồng trong một ngày, một tháng, một năm nhưng đào tạo con người thì không thể một sớm, một chiều. Do vậy, cần phải tiến hành công tác đào tạo ngay từ bây giờ bởi muốn đào tạo một bác sĩ có tay nghề phải mất ít nhất là 3 năm, để khi hoàn thành, Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng sẽ có một đội ngũ y bác sĩ có tay nghề cao, có sức trẻ và giàu nhiệt huyết.
Box2: Từ khi phát động đến nay, đã có … tỷ đồng tài trợ xây dựng bệnh viện, từ nhiều nguồn, nhiều thành phần ở khắp nơi trong cả nước. Có người đóng góp hàng tỷ đồng nhưng không muốn nêu tên. Mọi đóng góp, ủng hộ xin gửi về địa chỉ:…..