.

Thể hiện vai trò

Lãnh đạo cấp cao của Đà Nẵng và Thừa Thiên-Huế đã có một buổi làm việc được xem là “lịch sử” về việc hợp tác phát triển trong thời gian tới với vai trò là những địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, mà nói như Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế Hồ Xuân Mãn, thì cuộc làm việc này mở ra một “chương mới, trang mới” trong xây dựng và phát triển của hai địa phương, nhằm thực sự thể hiện được trách nhiệm xây dựng khu kinh tế động lực không chỉ của vùng mà cả nước. “Không có lý do gì để không gắn kết giữa hai địa phương nhằm phát triển kinh tế” - ông Hồ Xuân Mãn nói.

Nói là lịch sử, vì đây là lần đầu tiên, lãnh đạo cấp cao của hai địa phương ngồi lại nói chuyện riêng với nhau, từ khi hình thành vùng kinh tế trọng điểm miền Trung cũng như từ khi Đà Nẵng trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương.

Tại buổi làm việc, cả hai bên cũng đã bàn bạc nhiều vấn đề, nhưng tập trung và thống nhất là hai điều cốt yếu:

1) Thống nhất đề xuất với Trung ương thúc đẩy nhanh chóng những dự án liên quan đến xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông với việc hình thành tuyến đường bộ và đường sắt cao tốc Huế-Đà Nẵng-Dung Quất, tuyến đường Cam Lộ-Đà Nẵng; hoàn thiện hệ thống cảng biển và sân bay quốc tế...

2) Tăng cường hợp tác phát triển du lịch, tạo sự kết nối thực sự giữa 2 địa phương cùng với Quảng Nam để hình thành nên chuỗi sự kiện, thu hút du khách đồng thời đến với cả 3 địa phương, mà nếu có điều kiện thì mở rộng cả các tỉnh, thành khác trong khu vực. “Lâu nay thiếu hợp tác là do chủ quan của mình một phần, nhưng Trung ương cũng chưa dồn sức rõ cho miền Trung so với tiềm năng của các địa phương khu vực này.

Vì thế, phải cùng hợp sức để kiến nghị với Trung ương giải quyết những vấn đề cụ thể của các địa phương và khu vực; trong đó Chính phủ cần đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông hoàn thiện cho cả khu vực này. Đồng thời, Đà Nẵng, Thừa Thiên-Huế và Quảng Nam cần xây dựng chương trình phát triển du lịch dài hạn giữa 3 địa phương, xác định trách nhiệm của mỗi địa phương và có lộ trình thực hiện, cùng với đó là sơ kết, đánh giá và rút kinh nghiệm qua từng giai đoạn” - Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh nhấn mạnh.

Cụ thể hơn về việc này, ông Hồ Xuân Mãn đưa ra ví dụ, Đà Nẵng đã xác lập được những nét đặc sắc của mình trong thời gian qua, trong đó có việc tổ chức sự kiện thi bắn pháo hoa quốc tế (DIFC) hằng năm. Chung quanh DIFC, các địa phương như Thừa Thiên-Huế và Quảng Nam cần có những hoạt động phụ trợ như lễ hội, liên hoan... để làm sôi động sự kiện này, đồng thời không để lãng phí DIFC như vừa qua.

“Việc liên kết phải được thảo luận qua từng năm, từng sự kiện và nó nằm trong tầm tay của mỗi địa phương; chính quyền phải thực sự xáp vào, thống nhất các chương trình để đưa vào quảng bá các tour nhằm thu hút du khách đi đến cả 3 địa phương trong cùng chuỗi sự kiện đó” - ông Hồ Xuân Mãn cụ thể hóa chủ đề được thảo luận.

Không chỉ đến bây giờ, mà từ lâu, các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung cũng đã xác định được vai trò cũng như trách nhiệm của mình trong việc liên kết phát triển kinh tế. Thế nhưng, trước xu thế của thời cuộc, nhất là sau khi Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế và xu thế hợp tác toàn cầu gia tăng, các địa phương đã tìm thấy cơ hội và trách nhiệm trong việc thúc đẩy hợp tác mạnh mẽ hơn nữa.
 
Sau khi ký kết văn bản hợp tác phát triển trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội, an ninh-quốc phòng với Quảng Nam, tổ chức buổi làm việc giữa lãnh đạo cấp cao với tỉnh Quảng Ngãi và mới đây là Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng không chỉ xác định nhiệm vụ của mình, mà cũng đã thể hiện vai trò là “nhạc trưởng” trong việc kết nối ở khu vực miền Trung. Đây không phải chỉ là từ vị trí địa lý, mà cái chính là Đà Nẵng tập hợp được các địa phương trong khu vực với vai trò là thành phố động lực của miền Trung.

Điều này cũng phù hợp với ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đề cập trong buổi giao ban trực tuyến 4 vùng kinh tế trọng điểm trong cả nước tổ chức mới đây. Đó là mỗi vùng phải có một địa phương làm động lực để tập hợp sức mạnh từ việc phát huy lợi thế của mỗi địa phương trong khu vực. Đồng thời, với việc tập hợp đó, các địa phương sẽ có những kiến nghị có “trọng lượng” hơn đối với Ban chỉ đạo quốc gia về phát triển các vùng kinh tế trọng điểm, để tháo gỡ những vướng mắc chung trong quá trình phát triển của mỗi vùng và mỗi địa phương.

Với những lợi thế và việc làm của mình, Đà Nẵng đang thể hiện vai trò đó? “Nếu phát triển thì cùng phát triển. Nếu mỗi địa phương tự lo thì sẽ đi chậm hơn. Đà Nẵng không nhìn mình như một ốc đảo!” - câu trả lời từ Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh.

NGUYỄN THÀNH

;
.
.
.
.
.